Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh đã thực hiện 12/12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Vì thế, Vĩnh Phúc là một trong số ít các địa phương đã thực hiện đủ cả 12/12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 64 tỉ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, đối với nhóm chính sách hỗ trợ giảm hoặc tạm dừng mức đóng bảo hiểm và hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tỉnh đã hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.672 đơn vị doanh nghiệp, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 5 doanh nghiệp và 2 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (86 người lao động), với tổng số kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 31,6 tỉ đồng.
Trong đó, hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.672 đơn vị, doanh nghiệp, với số lượt lao động được giảm đóng là 705.719 người. Kinh phí hỗ trợ lũy kế tháng 11 năm 2021 là hơn 25,6 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chi hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 5 doanh nghiệp, với số lao động là 678 người. Kinh phí hỗ trợ là hơn 4,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh này hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là 387 triệu đồng.
Đối với nhóm chính sách hỗ trợ chi trả bằng tiền cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc, vay vốn trả lương cho người lao động hoặc bằng xuất ăn tại nơi cách ly (đối tượng là người lao động, người đang cách ly y tế theo quy định), tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là 33 tỉ đồng.
Trong đó, hỗ trợ cho 663 lao động, trong đó mang thai và nuôi con nhỏ là 415 người, số kinh phí hỗ trợ là 2,8 tỉ đồng. Hỗ trợ cho 2.343 lao động ngừng việc và 953 người lao động mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, số kinh phí hỗ trợ hơn 3,3 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng đã phê duyệt 15 hồ sơ của người lao động với kinh phí hỗ trợ 70,6 triệu đồng cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế với tổng số đã hỗ trợ là 55.835 người, số kinh phí hỗ trợ là 9,8 tỉ đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch cho 28 đối tượng, với kinh phí là 103 triệu đồng. Hỗ trợ 742 hộ kinh doanh với số kinh phí hỗ trợ hơn 2,2 tỉ đồng.
Cho 14 doanh nghiệp, vay vốn số tiền hơn 3,4 tỉ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đồng thời, tỉnh đã thực hiện chi trả cho 7.454 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) với số kinh phí gần 11,2 tỉ đồng (Trong đó, thành phố Vĩnh Yên: 684 người, huyện Lập Thạch: 1.019 người, huyện Sông Lô: 599 người, huyện Yên Lạc: 570 người, huyện Bình Xuyên: 1.593 người, huyện Vĩnh Tường: 236 người, huyện Tam Đảo: 86 người, thị xã Phúc Yên: 1.256 người, huyện Tam Dương: 1.411 người).
Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở Vĩnh Phúc |
Trong tháng cuối năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục hướng dẫn, tư vấn kịp thời để doanh nghiệp và người lao động nắm rõ chính sách, quy trình, thủ tục hồ sơ, không lúng túng trong xác định đối tượng thụ hưởng chính sách; Thường xuyên trao đổi, nắm bình tình hình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ; kịp thời tiếp nhận, giải đáp các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
Song song đó, chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp. Xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương lân cận trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động; tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc...
Về việc triển khai tổ chức thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tổng số doanh nghiệp đã được gửi thông báo là 3.468 doanh nghiệp. Trong số này, đã có 181.253 lao động được giảm mức đóng với số tiền giảm đóng là gần 124,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tính đến đầu tháng 12/2021, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã hỗ trợ được cho 33.844 lao động, với tổng số kinh phí là hơn 85,7 tỉ đồng. |
Phương Chi
Bảo hiểm thất nghiệp là 'điểm tựa' cho người lao động trong giai đoạn khó khăn
Khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định cuộc sống trong thời gian đi tìm công việc mới.