Còn nhiều khó khăn, bất cập
Theo thống kê của Bộ Công an, những năm gần đây, mỗi năm, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng 260 vụ, 340 đối tượng liên quan tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, sống ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm, trình độ thấp...
Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người. Do đó, họ rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách toàn diện, kịp thời để sớm trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nạn nhân còn khó khăn, bất cập từ nhiều phía.
Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chính là thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an toàn trật tự xã hội và ổn định chính trị tại địa phương. |
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhiều lần chỉ rõ, đa số nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về không có giấy tờ tùy thân, không khai báo, không hợp tác, khiến các lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác xác minh, tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho nạn nhân...
Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) Nguyễn Thúy Hiền cũng cho biết, thông qua mô hình Ngôi nhà bình yên (địa chỉ tại đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Trung tâm đã giúp đỡ gần 400 nạn nhân bị mua bán trở về.
Từ thực tế triển khai các hoạt động hỗ trợ cho thấy, điều họ cần nhất là được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng bộ, qua đó rộng mở cơ hội việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành còn thiếu chính sách hỗ trợ về nơi ở, việc làm, hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng cho nhóm đối tượng này, đặc biệt là nhóm đối tượng tự trở về. Điều đó lý giải vì sao có những nạn nhân vì mặc cảm, e ngại nên không trở về địa phương, tìm nơi khác để sinh sống.
Điều đáng quan tâm, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm là yếu tố quan trọng giúp nạn nhân quên đi quá khứ, hướng tới tương lai cũng gặp khó khăn. Bởi, theo quy định thì chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, nên số người được học nghề chưa nhiều.
Thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt
Nhằm nâng cao hiệu quả trợ giúp nạn nhân, các cơ quan chức năng của Trung ương và các tỉnh, thành phố chủ động khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc bằng nhiều giải pháp linh hoạt.
Tại Hà Nội, ngoài những giải pháp trợ giúp nạn nhân đã triển khai, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 03 “Quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND Thành phố”. Nghị quyết quy định rõ nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, từ ngày 1/8/2020, trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì nạn nhân của hoạt động mua bán người trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ tiền ăn trong khoảng thời gian không quá 3 tháng.
Mức hỗ trợ bằng mức chuẩn trợ cấp xã hội, nhân với hệ số tương ứng (trẻ em dưới 4 tuổi tính theo hệ số 5; trẻ em từ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em hoặc người cao tuổi tính theo hệ số 4; còn người từ 16 tuổi đến 60 tuổi và người khuyết tật đặc biệt nặng tính theo hệ số 3).
Ngoài tiền ăn, trong thời gian tạm trú, nạn nhân còn được cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt và các chi phí khác. Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo của Thành phố Hà Nội, khi trở về nơi cư trú, mỗi người sẽ được trợ cấp khó khăn ban đầu với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người...
Cùng với đó, Thành phố Hà Nội phối hợp, huy động nhiều nguồn lực để chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân, tìm hướng đưa nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Chẳng hạn, những năm vừa qua, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) - tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật, nạn nhân của nạn mua bán người tại Việt Nam đã giải cứu và hỗ trợ thành công gần 1.000 nạn nhân, trong đó có những nạn nhân là người Hà Nội.
Trên phạm vi cả nước, đồng hành với nạn nhân trên chặng đường hòa nhập còn là 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập, 230 cơ sở ngoài công lập), phân bố ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhận được sự trợ giúp về nhiều mặt, cuộc sống của nhiều nạn nhân dần ổn định
Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một công tác toàn diện, phức tạp, liên quan đến các vấn đề tâm lý, giáo dục và giáo dục lại, hỗ trợ hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng. Việc thực hiện có hiệu quả công tác này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp trong hoạt động phòng chống mua bán người từ khâu phòng ngừa đến khâu đấu tranh, trấn áp tội phạm và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.
Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chính là thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an toàn trật tự xã hội và ổn định chính trị tại địa phương.
Xuân Quý