Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết năm 2022, bệnh viện ghi nhận rải rác các ca nhiễm liên cầu lợn, chủ yếu là thể viêm màng não. Bệnh nhân ở các lứa tuổi khác nhau, đến viện với biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, buồn nôn, nặng hơn là lơ mơ, hôn mê.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết, có nơi còn có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn. Tuy nhiên, đây là những thực phẩm có thể khiến người ăn phải đi cấp cứu, thậm chí trả giá bằng tính mạng.

“Một bệnh nhân bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. Có những bệnh nhân vì quá nặng mà không thể qua khỏi”, bác sĩ Cấp cho biết.

Thống kê của Bộ Y tế cách đây không lâu cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh. 

Ngoài liên cầu lợn, ăn thịt lợn chưa nấu chín như thịt tái, thịt chua, nem chua, nem chạo, tiết canh còn có nguy cơ gây ra loạt bệnh lý khác. TS.BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay một trong số đó là giun xoắn, bệnh ký sinh trùng có biểu hiện cấp tính.

Người ăn các món này có nguy cơ nhiễm phải ấu trùng giun xoắn ký sinh trong lợn. Tùy vào mức độ, cường độ nhiễm và số lượng ấu trùng giun xoắn nhiễm phải mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau.

"Có người sốt cao, tiêu chảy kéo dài, phù mắt, phù mặt sau đó phù toàn thân, sợ ánh sáng, đau nhức cơ, gầy sút, li bì. Đây là biểu hiện của nhiễm trùng, nhiễm độc cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể suy đa phủ tạng, tử vong", bác sĩ Dũng nói.

Các món chưa nấu chín cũng có thể truyền bệnh lý sán dây. “Ấu trùng sán đi vào cơ thể, phát triển thành con sán dây trưởng thành ký sinh tại ruột non. Chúng hút các chất dinh dưỡng, gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó chịu, gầy sút", vị bác sĩ cho hay. 

Nếu ăn các món tái chín, tiết canh từ gia cầm nhiễm virus A/H5N1 và cúm A/H5N6, người ăn rất dễ mắc cúm gia cầm, là bệnh nguy hiểm, có thể tử vong. Ăn tiết canh chó có thể nhiễm bệnh dại.

Không có chuyện ăn tiết canh lợn nhà nuôi là sạch 

Bác sĩ Cấp phủ nhận quan điểm cho rằng lợn gia đình nuôi, "cắp nách", thả đồi là "lợn sạch", an toàn và có thể ăn tiết canh. Bởi bất kể giống lợn nào, được nuôi ra sao vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn.

Vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, ít gây bệnh cho con vật. Bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Với lợn nhiễm liên cầu, trong máu (tiết) và thịt lợn chứa lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C).

“Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, nuôi hay tham gia giết mổ mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết mà không có phương tiện phòng hộ phù hợp cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da”, bác sĩ Cấp nói.

Để phòng nhiễm liên cầu lợn và các bệnh lý khác, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các món chưa được nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.