Hôm 13/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo dỡ yêu cầu người dân đeo khẩu trang. “Bất kỳ ai đã được tiêm chủng đầy đủ đều có thể tham gia hoạt động trong nhà và ngoài trời, dù lớn hay nhỏ, mà không cần đeo khẩu trang hoặc duy trì giãn cách”, Giám đốc CDC Rochelle Walensky tuyên bố.

Tiếp đó, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống Covid-19. “Tôi nghĩ đó là một cột mốc vĩ đại, một ngày tuyệt vời, có thể thực hiện được là nhờ thành công phi thường mà chúng ta đã có được trong việc tiêm chủng nhanh chóng cho rất nhiều người Mỹ”.

{keywords}
Điểm tiêm ngừa Covid-19 ở sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Ảnh: Reuters

Hai bức tranh trái ngược

Tuyên bố đã đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong cuộc chiến chống Covid-19, bởi Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 33,6 triệu ca nhiễm và khoảng 600.000 ca tử vong đã được ghi nhận kể từ khi dịch bùng phát. Điều đó cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19.

Không chỉ Mỹ, một số quốc gia giàu có khác cũng đang dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nới lỏng phong tỏa nhờ chiến dịch tiêm chủng. Việc đưa xã hội hoạt động trở lại như thời kỳ trước đại dịch ở các nước giàu dường như không còn là chuyện xa vời. Tuy nhiên, ở các nước nghèo, đó lại là bức tranh hoàn toàn khác.

Hội Chữ thập đỏ hôm 12/5 cho hay, 7 trong số 10 nước trên thế giới đang tăng gấp đôi số ca nhiễm Covid-19 nhanh nhất đều ở châu Á - Thái Bình Dương. Lào trong 12 ngày đã tăng gấp đôi tổng ca nhiễm, trong khi ca nhiễm ở Ấn Độ tăng gấp đôi lên hơn 23 triệu ca trong vòng chưa đầy hai tháng, báo cáo nêu rõ.

Thực tế, hầu hết các nước đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin từ đầu 2021 và chiến dịch chủng ngừa đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trong hơn 1,3 tỷ liều đã được tiêm trên thế giới, phần lớn tập trung ở các nước thu nhập cao và trên trung bình, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ rất nhỏ, thậm chí vẫn là con số không.

{keywords}
Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm trên thế giới tính đến ngày 14/5

Tạp chí The Economist dẫn số liệu từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford chỉ ra rằng, tại khu vực châu Phi đến nay chỉ 1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng ngừa dịch Covid-19. Ở châu Á, con số này là 4,4%. Còn tại khu vực châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ này lần lượt là 22% và 44%.

Mặc dù có tỷ lệ người tiêm vắc-xin lớn hơn, song các nước thu nhập cao vẫn ra sức tích trữ vắc-xin. Theo tính toán của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu đã đảm bảo sở hữu được khoảng 4,6 tỷ liều vắc-xin, gấp 10 lần so với dân số.

Mỹ cũng đang sở hữu khoảng 3,2 tỷ liều, đủ cung cấp cho gấp nhiều lần dân số 330 triệu người. Theo tờ New York Times, một số bang của Mỹ từng mong mỏi nhận được nhiều liều vắc-xin Covid-19 nhất có thể, nhưng giờ đây họ đang “lâm vào tình trạng” thừa mứa vắc-xin do lượng cung lớn hơn so với nhu cầu.

Theo một nghiên cứu của trường đại học Duke, nhóm "quốc gia thu nhập cao" theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), chiếm khoảng 16% dân số thế giới, đã sở hữu hơn 50% nguồn cung vắc-xin ngắn hạn. Và thực tế này đang gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt về khoảng cách giàu nghèo trong việc tiếp cận vắc-xin.

Nhiều quốc gia châu Phi, như Namibia và Kenya đã lên án về “chế độ phân biệt chủng tộc về vắc-xin”. “Nhiều quốc gia vẫn chưa có vắc-xin. Bạn đang thấy nhiều người phẫn nộ và tôi nghĩ điều đó là hợp lý”, Rob Yates, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Trung tâm Y tế toàn cầu tại Viện Chatham, London, cho hay.

{keywords}
Các nước nhận được vắc-xin thông qua COVAX tính đến 5/5

Hàng loạt nguyên nhân

Hôm 23/4, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom cho rằng vẫn còn tình trạng bất bình đẳng về quyền tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19. Ông nêu quan điểm rằng, các quốc gia giàu có nên chịu trách nhiệm chia sẻ với những nước nghèo hơn, vì chỉ có như vậy đại dịch mới sớm kết thúc.

Đây không phải là lần đầu tiên và cũng chưa phải là lần cuối cùng ông Tedros kêu gọi trách nhiệm của các nước giàu. Người đứng đầu WHO đã nhiều lần chỉ trích việc phân phối vắc-xin bất công và kêu gọi các nước giàu hơn chia sẻ vắc-xin dư thừa để tiêm chủng cho các nhân viên y tế ở nước nghèo.

Mới đây nhất, hôm 14/5, ông Tedros lại lên tiếng kêu gọi các nước giàu cần xem xét lại kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em, mà thay vào đó dành tặng vắc-xin ngừa Covid-19 cho chương trình Covax để chia sẻ cho các quốc gia nghèo hơn.

“Tôi hiểu được lý do tại sao một số quốc gia muốn tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng ngay lúc này tôi kêu gọi họ xem xét lại và thay vào đó họ hãy tài trợ vắc-xin cho chương trình Covax", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ).

Covax, sáng kiến của WHO và liên minh Gavi, đặt mục tiêu sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc-xin giá phải chăng đến cuối 2021. Tuy nhiên, theo hãng phân tích Airfinity, đến nay Covax mới tặng được 49 triệu liều cho 120 quốc gia. Trung Quốc đã phân phối 13,4 triệu liều tới 45 quốc gia, trong khi Ấn Độ tài trợ được 10,5 triệu liều.

Tính chung, thế giới đã cho đi 73,4 triệu liều, đủ để tiêm một mũi cho 1% dân số toàn cầu. Đây là con số quá nhỏ. Theo ước tính của đại học Duke, khoảng 92 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không thể đạt tỉ lệ tiêm chủng 60% dân số cho đến năm 2023 hoặc xa hơn, nếu việc phân phối vắc-xin diễn biến ì ạch như hiện tại.

{keywords}
Số liều vắc-xin được các nước sản xuất tính đến ngày 3/3 

Ngoài vấn đề trách nhiệm chia sẻ của các nước giàu, việc thiếu hụt vắc-xin còn xuất phát từ thực tế nguồn cung đang gián đoạn, do dịch bùng phát ở những khu vực vốn được xem là mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng vắc-xin.

Covax ban đầu dự tính 71% số liều đầu tiên sẽ do Viện Huyết thanh của Ấn Độ cung cấp, nhưng quốc gia này đã buộc phải ngừng xuất khẩu vắc-xin khi số ca nhiễm trong nước tăng mạnh. Dù là nước sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, song Ấn Độ đã cạn kiệt nguồn dự trữ do nhu cầu quá lớn.

Ấn Độ đã tiêm 180 triệu mũi, nhưng chỉ 40 triệu dân đã tiêm phòng đầy đủ, tức khoảng 3% dân số. Trong tuần qua, đại dịch đã giảm bớt tốc độ lây lan trên thế giới, song Ấn Độ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhất. Dù đã giảm 3% so với tuần trước, nhưng quốc gia Nam Á vẫn có 375.200 ca nhiễm mỗi ngày.

Một thực tế nữa là tình trạng thiếu nguyên liệu thô để sản xuất vắc-xin. Hôm 13/5, Viện Nghiên cứu Y sinh học Fiocruz của Brazil thông báo từ tuần tới sẽ phải ngừng sản xuất vắc-xin của hãng AstraZeneca do thiếu nguyên liệu cho đến khi có các nguồn cung mới vào ngày 22/5.

Trong một thông báo đăng tải trên Twitter, Fiocruz cho biết với nguồn cung hiện nay, viện chỉ có thể cung cấp vắc-xin đến hết tuần đầu tiên của tháng 6. Trước đó, cơ quan quản lý y tế Brazil đã cho phép Fiocruz tự sản xuất nguyên liệu hoạt tính cho vắc-xin của AstraZeneca.

{keywords}
Những nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất thế giới tính đến ngày 8/5

Giới chức bang đông dân nhất Brazil thì đang cố thuyết phục Trung Quốc cho phép xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin đột ngột thiếu hụt.

Viện Butantan, nhà máy sản xuất vắc-xin Sinovac thuộc quản lý của chính quyền bang Sao Paulo, phải giảm tiến độ sản xuất do thiếu nguyên liệu. Thống đốc bang Joao Doria đã trò chuyện với Đại sứ Trung Quốc tại Brazil, cho biết rằng Đại sứ sẽ phản hồi với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để giải phóng số nguyên liệu thô có sẵn trong phòng thí nghiệm của Sinovac.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia thương mại cảnh báo, các nhà sản xuất vắc-xin đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ nhiều nước bên ngoài. 

Hy vọng cho tương lai

Tuần qua, hãng dược Pfizer công bố đã xuất khẩu lô vắc-xin đầu tiên ra nước ngoài từ cơ sở tại Mỹ. Nước nhập khẩu là Mexico. Lô hàng này làm tăng hy vọng các hãng dược Mỹ sẽ xuất khẩu vắc-xin nhiều hơn và tốc độ đối phó với Covid-19 của thế giới sẽ nhanh hơn.

Pfizer và đối tác Đức BioNTech đã và đang cung cấp vắc-xin cho các quốc gia khác từ nhà máy sản xuất chính ở châu Âu đặt tại Bỉ. Một nguồn tin cho biết, Pfizer sẽ dùng năng lực sản xuất thêm tại cơ sở ở Mỹ để cung cấp vắc-xin ra nước ngoài.

{keywords}
Số liều vắc-xin mà các hãng dược được đặt hàng trong năm 2021

Theo hãng tin Reuters, Pfizer sẽ sản xuất 25 triệu liều mỗi tuần cho tới giữa năm, như vậy sẽ vượt nhu cầu 300 triệu liều cho riêng nước Mỹ vào cuối tháng 7. Công ty dự kiến ​​sản xuất 2,5 tỉ liều vắc-xin trong 2021 và đã có thỏa thuận cung cấp hơn một tỉ liều cho các chính phủ trên thế giới.

Trước đó, hôm 26/4, Mỹ tuyên bố sẽ chia sẻ 60 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca cho các nước khác. Tuy nhiên, theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, có thể 10 triệu liều sẽ được chuyển đi trong “những tuần tới”, trong khi khoảng 50 triệu liều đang được sản xuất và có thể xuất xưởng vào tháng 5 và tháng 6.

Hiện chưa rõ số vắc-xin sẽ được chuyển tới đâu, nhưng dẫu sao đó cũng là một điều đáng mong chờ trong lúc này. Hồi cuối tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố trong những tháng tới và theo thời gian, Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy khả năng tiếp cận vắc-xin toàn cầu.

Nếu WHO phê chuẩn thêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc trong những ngày tới, giúp tăng số lượng vắc-xin mà Covax có thể mua được thì tình hình sẽ được cải thiện hơn. Tháng trước, công ty Sinovac Biotech tuyên bố tăng được gấp đôi khả năng sản xuất lên 2 tỉ liều, sau khi khánh thành xưởng sản xuất thứ ba.

Tập đoàn Sinopharm cũng của Trung Quốc thì tuyên bố đạt khả năng sản xuất vắc-xin hằng năm lên ít nhất 1,1 tỉ liều cho hai loại vắc-xin của mình. Tập đoàn này từng đặt mục tiêu sản xuất đến 3 tỉ liều, nhưng không đưa ra thời hạn cụ thể. Sinopharm là loại vắc-xin thứ 6 nhận được sự phê chuẩn của WHO về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng.

Lê Minh (tổng hợp)

Ấn Độ đóng hơn trăm điểm tiêm chủng vì thiếu vắc-xin Covid-19

Ấn Độ đóng hơn trăm điểm tiêm chủng vì thiếu vắc-xin Covid-19

Chính quyền bang Delhi, Ấn Độ đã cho đóng cửa 125 điểm tiêm chủng vì thiếu vắc-xin ngừa Covid-19.