“Công chúa Đồng Xuân” là 1 cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày 700 trang, 66 chương, với hàng trăm nhân vật, đa phần là các nhân vật có thật trong lịch sử, tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động - từ năm 1859 đến năm 1900. Người đọc có dịp nhìn lại đầy đủ và thấu đáo sử Việt thời đầu Pháp thuộc, từ đó nhìn thời hiện đại một cách “biện chứng” hơn.
Tác phẩm ghi lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp dần chiếm nước ta, biến nước ta thành 1 nước bị đô hộ, triều đình nhà Nguyễn mất dần quyền lực và trở thành con rối trong tay quyền thần, Pháp súy.
Tác giả bày tỏ sự nuối tiếc về một sự “lỡ vận” của đất nước, khi quốc sách sai lầm, triều đình do dự quá lâu, không sớm nghe theo các trí thức, quan lại có tầm nhìn tiến bộ về việc canh tân đất nước, củng cố quốc phòng, mở rộng giao thương, hòa hoãn để hạn chế thương vong chiến tranh... Quốc sách cố chấp và bạc nhược đã khiến các vua Nguyễn dần đi vào ngõ cụt, cắt đất dâng dần cho Pháp, chịu nhiều chiến phí; nhiều cuộc nổi loạn và binh biến diễn ra liên miên, đặc biệt là xung đột với dân Đạo, làm rối ren và suy kiệt đất nước.
Với bút pháp hư cấu dựa trên lịch sử, những diễn biến của một thời kỳ lịch sử phức tạp được thể hiện khéo léo, uyển chuyển qua câu chuyện về Công chúa Đồng Xuân.
Công chúa Đồng Xuân tên thật là Nguyễn Phúc Gia Phúc, là con gái út của Vua Thiệu Trị và là con dâu của danh tướng Nguyễn Tri Phương. 1 tuổi đã mồ côi, 26 tuổi thành góa phụ khi Phò mã Nguyễn Lâm chết trận ở Hà Nội. 37 tuổi vướng vào án “loạn luân” với người anh trai là Gia Hưng Công Nguyễn Phúc Hồng Hưu, một trong những nghi án lớn nhất triều Nguyễn. Sau đó, bị phế thành thứ dân, buộc đổi sang họ mẹ và phải mang cái tên tục tĩu, hạ đẳng: Hồ Thị Gia Đốc. Đến đời vua Đồng Khánh, Gia Đốc được phục vị công chúa, nhưng bỏ hiệu Đồng Xuân, cải phong thành Phục Lễ công chúa, với ý nghĩa là "quay về với lễ nghĩa".
Với cái nhìn nhân hậu, thấu suốt, đầy thuyết phục, tác giả nêu giả thuyết Đồng Xuân có thể chỉ là nhân vật bị sa vào âm mưu phân tranh quyền lực thời bấy giờ. Bởi thời gian đó, Gia Hưng Công và 2 cận thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết có nhiều tranh đấu trong các phản ứng đối với quân Pháp. Tội trạng “loạn luân” không qua xét xử mà chỉ dựa trên chỉ một lời khai.
“Tháng năm qua, hình hài xương cốt đã thành tro bụi, nhưng sự thật ở đâu sẽ mãi mãi là ẩn số. Đáng lưu ý ở chỗ: Vụ án Đồng Xuân, trong mối liên hệ với ba vị phụ chính đầu triều lúc bấy giờ - Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết - là gút thắt cuối cùng của cuộc tương tranh giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa, đã tác động sâu sắc đến chính trường triều Nguyễn. Không phải chỉ tương tranh, phải nói rằng đấy là cả một cuộc tương tàn rất đau xót, làm tiêu hao trầm trọng tiềm lực đất nước… Họ đáng tội phải chịu nhục đời đời, hay họ chỉ là những người thất thế oan khiên? Căn cứ vào những gì đã ghi trong sử, ta thấy những tội nhân này đã hầu như không được xét xử, mà gần như bị tiêu diệt. Bởi vậy nếu được mở một phiên tòa “phúc thẩm” vào đời nay, nàng công chúa tội nghiệp cũng rất nên được hưởng một quy chế chính đáng của nền tư pháp: quyền được suy đoán vô tội”, tác giả viết.
Bên cạnh nhân vật chính là Công chúa Đồng Xuân, bộ tiểu thuyết còn có rất nhiều nhân vật lịch sử với các mối quan hệ phức tạp. Mỗi nhân vật lịch sử đều hiện ra đầy cá tính, rõ nét từ tính cách đến ngôn ngữ, hành động và tâm lý: Gia Phúc ương bướng, hoang dại; Hoàng thái hậu Từ Dụ kín kẽ, nhân hậu; Tôn Thất Thuyết bản năng, độc đoán; Phan Thanh Giản thấu suốt, tận trung…
Nhà văn Trần Thùy Mai cho biết đã phải mất hơn 1 năm để sắp xếp sử liệu trước khi khai bút.
Kết cấu đa tuyến truyện được kể theo trục thời gian biên niên sử và sự dịch chuyển không gian, trình bày sự kiện một cách lớp lang, sống động, những nội dung lịch sử tưởng chừng rất khô khan đã được “mềm hóa”, tạo sự sống động, cuốn hút độc giả. Các trận lật đổ, phản kháng và chiến đấu được tái hiện một cách hấp dẫn như trận ở thành Kỳ Hòa, thất thủ kinh đô cũng như tấn công vào đồn Mang Cá… Tuy tác giả chỉ điểm qua các hành động chính, người đọc vẫn có thể cảm được sự khắc nghiệt và những bi kịch của lịch sử.
“Công chúa Đồng Xuân” cho thấy một cách tiếp cận đặc biệt của Trần Thùy Mai đối với tiểu thuyết lịch sử: Chuyển dịch từ chủ nghĩa lãng mạn/anh hùng, cảm hứng lịch sử dân tộc sang chủ thuyết nhân đạo.
Do cách nhìn nhận về những vấn đề lịch sử đã cởi mở hơn trước nên quá trình sáng tác các tác phẩm văn học liên quan tới lịch sử cũng có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua những định kiến.
Có thể nói Trần Thùy Mai là một trong số không nhiều nhà văn rất bản lĩnh, trí tuệ, có thể nêu được cách nhìn khác biệt so với quan niệm thông thường mà vẫn có sức thuyết phục người đọc, nhất là khi chạm đến các vấn đề khá nhạy cảm như “hòa hay chiến”, canh tân và bảo thủ, đạo giáo và ngoại bang…