Xuất phát từ kiến nghị của Toyota Việt Nam, năm 2010, Bộ Công Thương từng đề xuất xây dựng một dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch với động cơ từ 1.5L trở xuống. Mục tiêu của đề xuất này nhằm xây dựng những sản phẩm chiến lược của Việt Nam, có giá thành thấp, hiệu quả cao và tiết kiệm nhiên liệu.
Logic của đề xuất này là khi có dòng xe chiến lược, Chính phủ tập trung hỗ trợ, doanh nghiệp tập trung đầu tư thì sẽ có sản lượng đủ lớn. Từ đó, sẽ kéo theo sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước phát triển.
Kiểm định xe Kia tại Thaco (ảnh: Băng Dương) |
Ở các quốc gia trong khối ASEAN và châu Á, nhiều nước đã có dòng xe chiến lược, hay còn gọi là "xe quốc dân". Ví dụ Malaysia có dòng xe sedan nội địa hiệu Proton, Ấn Độ có xe Tata...
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, sản lượng tiêu thụ phải đạt xấp xỉ 50 nghìn chiếc/mẫu xe/năm thì mới tạo cơ sở quy mô thị trường để đầu tư vào làm linh kiện, phụ tùng ô tô.
Hiện, vì dung lượng hạn hẹp, quá nhiều mẫu xe phân tán nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô vẫn loay hoay phát triển. Rất khó để kêu gọi họ đầu tư thêm dây chuyền chỉ để chạy 20 - 30% công suất nếu như các hãng xe không đặt hàng.
“Tôi ví dụ sản lượng tối thiểu cho một linh kiện nhựa là khoảng 50 nghìn chiếc một lần đặt hàng - để nhà cung cấp đầu tư chế tạo ra khuôn mẫu và chạy line sản xuất. Trong khi Việt Nam hiện có quá nhiều mẫu xe, nhưng có mẫu xe nào bán được 50 nghìn xe mỗi năm hay không? Tựu chung vẫn phải có sản lượng mới ra được mẫu xe chiến lược”.
Dây chuyền hàn của xe Kia tại Thaco |
Cho đến hiện nay, mẫu xe đạt dung lượng lớn nhất mới chỉ có Toyota Vios đạt 30.000 xe/năm. Các mẫu xe khác thuộc TOP bán chạy nhất Việt Nam năm 2020 cũng chỉ khoảng dưới 21.000 xe, ví dụ như xe Hyundai Accent đạt 20.700 xe, Vinfast Fadil đạt hơn 18.000 xe, Hyundai i10 đạt hơn 17.500 xe, Mitsubishi Xpander đạt hơn 16.800 xe...
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Hà Nội (thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings), nhà sản xuất linh kiện nhựa cho nhiều hãng xe tại Việt Nam kiến nghị, do sản lượng thấp trong khi quy mô thị trường khá nhỏ dẫn đến giá thành sản xuất của Việt Nam còn rất cao. Chúng tôi mong Chính phủ sẽ có những chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, giúp giảm giá thành xe ô tô, thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước.
“Chính phủ cần tiếp tiếp tục có những chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp DN có điều kiện tiếp cận các khoản vay ưu đãi dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ mới, gia tăng sản lượng để hạ giá thành”, ông Bùi Minh Hải nói.
Đại diện Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, hiện có 6 DN cung ứng thuần Việt và 40 nhà cung ứng khác tại Việt Nam, nâng tổng số sản phẩm nội địa hóa lên 724 sản phẩm. Hãng xe này cũng liên tục tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hoá nhưng không dễ tìm.
Cho đến nay, quy hoạch ngành ô tô được Chính phủ ban hành năm 2014 đạt được một số chỉ tiêu, thậm chí là vượt mục tiêu. Ví dụ, Quy hoạch đặt mục tiêu năm 2020, lượng xe sản xuất trong nước sẽ đạt 227 nghìn chiếc, xuất khẩu linh kiện phụ tùng đạt 4 tỷ USD,
Nhưng ngay từ năm 2019 sản lượng xe lắp ráp trong nước đã đạt 363 nghìn xe, xuất khẩu phụ tùng đạt 5,64 tỷ USD, năm 2020 đạt hơn 332.00 xe, xuất khẩu linh kiện phụ tùng đạt 5,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được như mục tiêu xuất khẩu 20 nghìn xe vào năm 2020 (trong đó có 5 nghìn xe du lịch dưới 9 chỗ). Thực tế, hết năm 2020, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 2 nghìn xe, trong đó duy nhất Thaco xuất khẩu được xe du lịch sang Myanmar và Thái Lan.
Dù dung lượng thị trường tăng khoảng 15%/năm, đạt sản lượng trên 400 nghìn xe trong 3 năm gần đây nhưng doanh số tiêu thụ của mỗi mẫu xe chưa đạt ngưỡng cần thiết để các DN đầu tư dây chuyền sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Các chuyên gia về ô tô cho rằng, cần xem xét lại việc đầu tư các mẫu xe sao cho đủ dung lượng thì mới là tiền đề để công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển.
Chi Bảo