Lời tòa soạn:
Dự thảo về dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đến hết 22/10 làm dấy lên nhiều tranh cãi và câu hỏi, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường. Quy định mới này có thể mang đến những thay đổi đáng kể cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, liệu nó sẽ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục hay có thể tạo thêm những thách thức mới?
VietNamNet mở diễn đàn Góp ý cho Dự thảo về Dạy thêm học thêm, để lắng nghe và chia sẻ ý kiến từ mọi góc nhìn. Chúng tôi mời các thầy cô, phụ huynh, học sinh và những người quan tâm đến giáo dục tham gia viết bài, chia sẻ quan điểm và đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của một phụ huynh Hà Nội đã và đang đầu tư cho con học thêm và tin rằng điều này góp phần lớn trong những thành công học tập mà con chị đạt được.
Gần đây, khi đọc được thông tin về dự thảo cho phép giáo viên dạy thêm ngoài trường hoc cùng những tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề này, tôi đã nghĩ đến câu chuyện của gia đình mình. Là một phụ huynh có con đã trải qua hành trình học tập với ít nhiều thành công, tôi muốn chia sẻ trải nghiệm để góp phần vào cuộc thảo luận.
Tôi và chồng đều xuất thân từ những ngôi trường có tiếng, chúng tôi luôn tin rằng, để con có thể cạnh tranh vào những trường hàng đầu, học thêm là điều không thể thiếu. Ngay từ khi con bước vào lớp 1, chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm các trung tâm uy tín để con học tiếng Anh. Với định hướng cho con thi vào trường THCS chất lượng cao, từ lớp 3, ngoài tiếng Anh, con tôi còn học thêm toán và văn với các thầy cô giỏi ở các trung tâm (không phải thầy cô trên lớp). Mỗi tuần, cháu học thêm 2 buổi tiếng Anh, hai buổi toán và một buổi văn. Có những điểm học cách nhà cả chục km nhưng vợ chồng tôi không ngại đưa đón con.
Theo kinh nghiệm của chính mình và quan sát xung quanh, tôi thấy để đỗ được vào các trường top, việc tự học, tự ôn luyện trong sách giáo khoa là không đủ. Nếu đã định hướng cho con thi chuyên hay vào được các trường trọng điểm, thậm chí lớp trọng điểm trong trường thì học thêm là rất quan trọng để con làm quen với các dạng bài, biết nhiều kiến thức nâng cao.
Thực tế, nỗ lực của con và gia đình tôi đã được đền đáp xứng đáng. Con tôi đỗ vào trường cấp 2 chất lượng cao và cũng luôn đứng ở top đầu trong lớp suốt 4 năm. Lên cấp 3, con đỗ cả hai trường THPT chuyên ở 2 môn tiếng Anh và toán. Hiện tại, bắt đầu vào lớp 12, mục tiêu của con không phải là đỗ đại học trong nước. Con đang chuẩn bị hồ sơ để ứng tuyển vào các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Việc được nhận vào trường top không còn là giấc mơ xa vời.
Tôi cho rằng, học thêm không chỉ giúp con tôi nắm vững kiến thức mà còn là bước đệm quan trọng để thi đỗ vào các trường tốt. Rõ ràng, khi vào được những trường đó, có giáo viên giỏi và tâm huyết cùng những người bạn chung chí hướng học hành, ngang hàng về trình độ, trẻ có thêm động lực để phấn đấu.
Như vậy chẳng phải là nền tảng cho thành công học tập và là bước đệm vững chắc để sau này có tương lai rộng mở hơn? Còn nếu ngay từ bé chỉ học theo cách bình thường, gói gọn trong lớp chính khóa, chỉ tiếp cận những điều dễ dàng ai cũng học được, làm sao có thể cạnh tranh để vươn lên đỉnh cao?
Tất nhiên, không cái gì được mà không mất. Chi phí cho con học bên ngoài trường của gia đình tôi thường cao hơn cả chính khóa. Mỗi tháng, học phí của con chỉ hơn 5 triệu nhưng tiền học thêm có khi lên tới 7-8 triệu đồng. Có những thời điểm, chi phí cho cháu học tiếng Anh ở trung tâm là 20 triệu/5 tháng. Hoặc có những gói học ôn ngữ pháp chuyên sâu, tôi đóng cho con 12 triệu một khóa 4 tháng hay các khóa viết học thuật kéo dài một năm từ cơ bản tới nâng cao cũng vài chục triệu. Môn toán thường thầy cô giáo tốt khoảng 200 nghìn đồng một buổi. Văn tương tự nhưng con tôi không học thường xuyên, chỉ củng cố kiến thức khoảng 2-3 tháng trước những kỳ thi quan trọng.
Nhìn chung, mỗi tháng vợ chồng tôi tốn ít nhất 7 triệu tiền học thêm các môn cho con, chưa kể học đàn, hay thi thoảng tham gia các khóa kỹ năng mềm như thuyết trình, khả năng lãnh đạo, tổ chức... Vào hè, tiền học thêm hoặc tham gia các trại hè còn nhiều hơn, khoảng gần 10 triệu đồng/tháng. Tính ra, 1 năm gia đình tôi chi cho con cũng gần 100 triệu để học thêm.
Có nhiều người nói, để trẻ em phải học chính, học thêm liên tục từ nhỏ sẽ tạo ra áp lực lớn và có thể khiến trẻ mất đi tuổi thơ. Nhưng với con tôi, học cũng là một niềm vui. Hơn nữa, giữa hai lựa chọn: một tuổi thơ thư thái mà chẳng may gắn liền với màn hình TV, điện thoại và một tuổi thơ chăm chỉ học hành (bao gồm cả đi học thêm), với mục tiêu rõ ràng, con đường sự nghiệp sáng rõ, thì tôi sẽ chọn cho con mình điều thứ hai. Nếu khi nhỏ không chăm học, không có mục tiêu để phấn đấu, thì lớn lên, con sẽ phải đối mặt với nhiều thiệt thòi, khi đó đòi quyền lợi, ai cho?
Tôi hiểu rằng không phải ai cũng có cùng quan điểm, nhưng từ kinh nghiệm của bản thân, tôi ủng hộ việc nới lỏng quy định về dạy thêm. Rõ ràng, dạy thêm học thêm bây giờ như "chuyện thường ở huyện", ai cũng biết là thế rồi, cấm để làm gì? Thầy cô giỏi và có khả năng truyền tải kiến thức, hướng dẫn cho học sinh những cách thức để học tốt hơn, thi dễ đậu hơn sao lại bắt họ không được làm việc ấy một cách công khai, đàng hoàng?
Với trường hợp con tôi, hồi cấp 2 và cấp 3, tùy từng thời điểm, con theo học thêm cả những thầy cô dạy chính khóa trong trường cũng như trung tâm, giáo viên trường khác. Khi coi dạy thêm học thêm là một dịch vụ bên ngoài thì chúng ta lựa chọn người cung cấp dịch vụ đó có đáp ứng được đúng nhu cầu của mình không.
Chẳng hạn, con tôi đang cần nâng cao kiến thức môn toán hay ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi, mà cô giáo chính khóa của con dạy rất giỏi môn này, có nhiều kinh nghiệm luyện thi, thì tôi sẽ đăng ký ngay nếu cô có lớp bên ngoài. Ngược lại, nếu cô chính khóa ở trên lớp đã truyền tải kiến thức không tốt, thì con (và tôi) sẽ phải tìm giáo viên khác phù hợp hơn.
Bản thân tôi biết, nhiều phụ huynh cố gắng cho con thi/học trường này, trường kia một phần lý do vì ở đó có thầy/cô giỏi và họ cho con học người giáo viên đó (cả chính và thêm) suốt nhiều năm. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư tiền học thêm cao hẳn để con được học những “giáo viên xịn” - thực sự giúp con vững vàng kiến thức, đạt được mục tiêu học tập dài hạn, như vào trường top, đi du học…
Tất nhiên, khi cho phép dạy thêm ngoài trường sẽ cần tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh những tiêu cực như giáo viên ép buộc học sinh học thêm tại lớp của mình, "phím" đề kiểm tra gây bất công trong thi cử... Nhưng điều quan trọng hơn, chính phụ huynh phải sáng suốt. Hãy tỉnh táo khi lựa chọn lớp học thêm cho con. Việc này nên xuất phát từ nhu cầu thực sự của con và gia đình, không nên vì áp lực từ giáo viên hay vì theo phong trào của bạn bè mà đăng ký tràn lan.
Nuôi dạy con cái cần có triết lý rõ ràng và lộ trình cụ thể ngay từ đầu. Dù con có học thêm hay không, điều quan trọng nhất vẫn là giúp con đạt được mục tiêu mà cả gia đình và con mong muốn.
Bích Ngọc (Hà Nội)
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn.
Sửa quy định để tránh học sinh bị ép học thêm, không cấm dạy thêm chính đángĐại diện Bộ GD-ĐT cho hay việc xây dựng dự thảo mới về quản lý dạy thêm, học thêm nhằm hướng đến khắc phục những hiện tượng tiêu cực, ép học sinh học thêm chứ không cấm những nhu cầu thực tế, chính đáng.