Thầy Trần Thanh Minh sinh ngày 14/2/1937 tại Thừa Thiên - Huế. Thầy có các chức danh trong giáo dục và nghiên cứu khoa học: là Phó Giáo sư, Tiến sỹ. Nhưng danh xưng gần gũi, thân thương nhất chúng tôi vẫn gọi là Thầy Minh.
Thầy Trần Thanh Minh |
Trong suốt chặng đường học tập, nghiên cứu, giảng dạy, lãnh đạo của Thầy, giai đoạn có ý nghĩa lớn, Thầy dành tình yêu lớn, tự hào và thân thương trìu mến là khi Thầy làm Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt.
Thầy Minh có lòng nhân ái sâu sắc, nhân cách cao cả, trí tuệ lớn, người có tầm nhìn xa, luôn nỗ lực vượt khó, không cam chịu hoàn cảnh, luôn dành tình cảm ưu ái thương yêu, chăm lo cho sinh viên, mạnh dạn, tin dùng cán bộ trẻ, khích lệ, tạo mọi điều kiện để những cán bộ trẻ có tâm huyết, có khát vọng được phát huy cao nhất năng lực của mình.
Ở Thầy toát ra một phong cách lịch sự, tinh tế, khả năng thuyết phục và truyền cảm hứng rất cao, một nhân cách tử tế, không bao giờ nói những điều khác với những gì Thầy suy nghĩ với bất kỳ ai, không luồn cúi, hay xu nịnh để lấy lòng cấp trên, không đánh đổi nhân cách để có chức vụ hay lợi ích vật chất, luôn có tâm thế đường bệ, đĩnh đạc của một chính khách có tâm thế và lòng tự trọng, ung dung, tự tại.
Được đào tạo, nghiên cứu ở Dubna (Liên Xô), Thầy yêu mến nước Nga, văn hoá Nga, nhưng Thầy thấy rõ những hạn chế của hệ thống chính trị ấy mà không mù quáng ca tụng một chiều, hay giáo điều tôn thờ những luận thuyết được rao giảng khi ấy. Với sự am hiểu văn hoá nghệ thuật tinh hoa của nhân loại, Thầy gắn với thực tiễn, có trí tuệ, tỉnh thức với tình yêu thương con người sâu sắc, vì con người, từ đó Thầy chỉ đạo, lãnh đạo Đại học Đà Lạt trở thành môi trường giáo dục có văn hoá cao, có tư duy đổi mới, vượt khó.
Thầy đã tiếp nối, gìn giữ những giá trị của Viện Đại học Đà Lạt để xây dựng Trường Đại học Đà Lạt sau khi đất nước thống nhất. Thầy gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, phong cách cao quý của Viện Đại học Đà Lạt cũ, không làm ảnh hưởng cảnh quan, không xây dựng những ngôi nhà thô kệch, không xây những cổng, những bục, bệ trương tên Đại học Đà Lạt làm hỏng kiến trúc đẹp của Viện Đại học Đà Lạt.
Tạo lập môi trường đại học đổi mới
Mỗi sinh viên khi đỗ vào Trường Đại học Đà Lạt ngày ấy đều rất tự hào về Trường, về Thầy Hiệu trưởng Trần Thanh Minh của mình.
Những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, còn nặng nề chính sách phân biệt thành phần lý lịch, có những học sinh năng lực tốt nhưng thành phần là con của quan chức, sỹ quan của chế độ Việt Nam Cộng Hoà thuộc diện không được vào học ở các trường đại học. Khi các bạn thi vào Đại học Đà lạt đủ điểm đỗ, Thầy đã thuyết phục chính quyền các tỉnh thành để cho các bạn được vào học.
Hình ảnh Thầy thân mật gần gũi, sát sao, hiểu sinh viên, chăm lo xây dựng môi trường học tập của sinh viên, chăm lo cuộc sống của sinh viên ở mức cao nhất có thể trong điều kiện cơ chế quan liêu, bao cấp, vô cùng khó khăn lúc ấy. Thầy chỉ có 2 con, nhưng nhiều sinh viên đã yêu mến coi Thầy như người cha của mình.
Những bài phát biểu trước sinh viên và toàn trường của Thầy đều có chiều sâu, sinh động, trí tuệ, lôi cuốn, truyền cảm hứng cho sinh viên, khác xa với nhiều bài diễn văn khuôn mẫu, sáo rỗng, gây nhàm chán ở nhiều nhà lãnh đạo khác. Nhiều sinh viên ngày ấy còn nói, kể với nhau về ánh mắt trong veo, ấm áp nhìn ra cửa sổ Hội trường Thống Nhất khi đọc diễn văn với xúc cảm và ngẫu hứng Thầy nói: “Dưới ánh nắng vàng lấp lánh của Đà Lạt".
Thầy đã tạo ra môi trường đại học cao quý như những môi trường đại học Ivy League ở Mỹ như Harvard. Mời những nhà lãnh đạo, những trí tuệ lớn, nhà văn hoá, nhà báo, các nghệ sỹ đến giao lưu, diễn thuyết, biểu diễn tại Đại học Đà lạt. Thầy đỡ đầu cho ca sỹ Ngọc Tân vào biểu diễn tại Đại học Đà Lạt trong những ngày khó khăn, bi kịch nhất của Ngọc Tân. Thầy mời nhạc sỹ Mạnh Đạt vào trường nói chuyện với sinh viên và cán bộ nhà trường về dân ca Việt Nam, về âm nhạc cổ điển thế giới, truyền tình yêu âm nhạc cao quý cho sinh viên của Trường.
Thầy đi các tỉnh miền Trung nói chuyện với học sinh các trường phổ thông, truyền cảm hứng và tình yêu khoa học mũi nhọn, thu hút được những học sinh xuất sắc của các tỉnh miền Trung vào học Đại học Đà Lạt.
Tháng 8/2006, PGS Trần Thanh Minh cùng Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn và các phóng viên đón tiếp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm báo VietNamNet |
Thời bao cấp khó khăn, Đà Lạt xa xôi cách trở thiếu thốn thông tin, tài liệu khoa học, thiếu thốn cán bộ đầu đàn… nhưng Thầy đã nỗ lực cao nhất để vượt khó, luôn có những giải pháp sáng tạo, đi đầu, đưa Đại học Đà Lạt vượt lên những khó khăn trở ngại lớn.
Những người làm việc cùng với Thầy đã học hỏi được những phẩm chất quý báu ấy. Thầy đã trở thành người định hướng, truyền nghị lực và khát vọng để các bạn ấy tạo dựng sự nghiệp, trở thành những nhà lãnh đạo có uy tín, tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho Việt Nam và cho thế giới, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước và có dấu ấn toàn cầu.
Dành trọn tâm huyết cho VietNamNet
Ngay trong những ngày nhà nước còn rất hạn chế người Mỹ đến Đà Lạt, Thầy đã nỗ lực mở quan hệ với Mỹ, đưa Đại học Đà Lạt trở thành một trong những trường rất sớm thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ với Mỹ từ phía Việt Nam.
Thầy đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại lớn từ phía nhà nước khi ấy để mời GS Phó Bá Long, Hiệu trưởng trường Chính trị kinh doanh của Viện Đại học Đà Lạt thời kỳ trước 1975, từ Mỹ về trường để giúp tổ chức Khoa Quản trị kinh doanh, đặc biệt là năm 1989 cùng nhà trường tổ chức hội thảo “Chính sách kinh doanh và các vấn đề quản trị kinh doanh” với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị có ảnh hưởng như Trần Bạch Đằng, Nguyễn Xuân Oánh, Lê Hồng Tâm… Đây là hội nghị có dấu ấn về đổi mới kinh tế và chính trị ở Việt Nam.
Khi kết thúc công việc ở Viện Kỹ thuật hạt nhân, Thầy không nghỉ hưu mà dành tâm huyết, trí tuệ, tình yêu với Tổ quốc, và Dân tộc. Thầy là thành viên Ban biên tập VietNamNet, phụ trách trực tiếp mục Khoa học Công nghệ, và Cố vấn Tổng biên tập, dành tâm huyết, tình cảm sâu nặng và đóng góp trí tuệ xây dựng và phát triển VietNamNet, góp phần tạo nên một tờ báo “nâng niu truyền thống - đổi mới mạnh mẽ”.
Thầy Minh đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cho VietNamNet |
Thầy dành trọn vẹn tâm huyết như là người trụ cột của nhóm biên tập cuốn sách “Thời cơ vàng của chúng ta” do VietNamNet phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2006, trước Đại hội Đảng 10.
Thầy dành tình yêu thương sâu nặng với gia đình, với vợ và các con, các cháu của mình, như một người Chồng, người Cha thân thương nhất. Thầy là một biểu tượng mẫu mực về tình cảm thuỷ chung với bạn bè, đồng nghiệp, với người thân, với con đường mình đã lựa chọn.
Tiễn đưa Thầy, nhưng nhân cách cao đẹp, tràn đầy tình yêu thương dành cho con người và sự sống, với trí tuệ luôn hướng đến cái mới, khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến còn mãi. Thầy vẫn ở đây với chúng ta, những năng lượng đẹp đẽ đó tiếp tục đồng hành trong hành trình xây dựng đất nước và dân tộc Việt Nam ngày càng tươi sáng hơn.
Nguyễn Anh Tuấn
Nước mắt người thầy
Hôm nay, ông giáo An ghé thăm trường cũ. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên ông được làm thầy. Trường đã thay đổi, đồng nghiệp mới và học trò cũng khác, nhưng có những ký ức còn đọng lại mãi.