Trước năm 1990, các giải bóng đá quốc gia hay Euro, World Cup thường được tường thuật trực tiếp qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Những bình luận viên nổi tiếng ngày ấy như Hoài Sơn, Đình Khải đã đi vào lòng bạn nghe đài bao thế hệ.

Tại Buôn Ma Thuột, mãi đến năm 1984, Đài phát thanh truyền hình Đắk Lắk mới chính thức phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên. Do công suất nhỏ nên sóng truyền hình của Đài chỉ phủ quanh khu vực trung tâm thành phố. Số hộ gia đình có tivi còn rất khiêm tốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Zing

Tivi thời ấy phổ biến là tivi đen trắng loại 14 inch, chủ yếu là hàng đã qua sử dụng, chất lượng rất phập phù nên nhiều khi đang xem tự nhiên mất hình, tắt tiếng phải vỗ vỗ mấy cái mới lên hình, phát tiếng trở lại.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, bắt đầu xuất hiện tivi màu nhưng vẫn là hàng đã qua sử dụng. Tiếng là tivi màu nhưng cũng không thoát khỏi cảnh vừa xem vừa vỗ.

Lần đầu tiên tôi được xem truyền hình trực tiếp là World Cup 86 tại Mexico. Ngày ấy, nhà anh chị Linh Thiện, người duy nhất ở khu tập thể cơ quan tôi có cái tivi đen trắng 14 inch.

Các trận bóng thường diễn ra lúc nửa đêm, khoảng 1, 2h sáng. Tối nào có trận đấu là cả mấy dãy khu tập thể mong ngóng chờ đến giờ bóng lăn. Có người thức đợi, có người căn đồng hồ báo thức, tranh thủ đi ngủ sớm. Cũng lắm chuyện cười ra nước mắt.

Người thức đợi thì díp mắt lúc nào không hay, còn kẻ ngủ sớm lại phiêu diêu trong cơn mơ World Cup một mạch cho tới sáng. Đến khi tỉnh dậy, mới biết là mình đã “lỡ chuyến tàu”, vội vàng chạy qua “phỏng vấn” hàng xóm tối qua đội nào thắng, đội nào thua, tỉ số bao nhiêu.

Cả khu tập thể cơ quan ngày ấy mấy chục gia đình mà chỉ có mỗi cái tivi bé tí tẹo, lại đặt trong phòng tập thể rộng chưa tới 4m ngang nên anh nào chậm chân là hết chỗ, đành ngồi ngoài hiên mà dỏng tai nghe, vừa đập muỗi vừa ngáp ngủ, rồi bất ngờ giật mình nhẩy cẫng lên, hò reo cùng mọi người khi có cầu thủ ghi bàn.

Khi trái bóng World Cup 1990 tại Italia bắt đầu lăn, vợ tôi mới sinh con gái được một tháng. Vậy mà ba bốn tuần sau, cô ấy đã nằng nặc rủ chị gái ngoài quê vừa chân ướt chân ráo vào thăm, sang nhà hàng xóm xem World Cup cho bằng được.

Tối hôm đó diễn ra trận tranh hạng ba giữa hai đội tuyển: chủ nhà Italia và Anh. Báo hại, tôi đành phải ở nhà trông trẻ để hai chị em thỏa khát khao lần đầu tiên trong đời mục sở thị môn thể thao vua được truyền hình trực tiếp trên màn ảnh nhỏ.

Xem bóng đá vất vả, khổ sở là thế nhưng mà vui. Hầu như từ nửa đêm về sáng cả làng cùng thức. Có trận đấu kéo dài hết hai hiệp phụ mà vẫn bất phân thắng bại đành phải nhờ đến sút luân lưu 11m. Khi trọng tài cất tiếng còi mãn cuộc thì cũng là lúc phương đông đã phơn phớt ráng hồng.

Đâu như năm 1993, vợ chồng tôi mới sắm được cái tivi đen trắng 14 inch. Thế là giấc mơ đã thành hiện thực. Các con tôi không còn phải chạy sang nhà hàng xóm xem nhờ chương trình “Những bông hoa nhỏ” hay “Thế giới động vật” nữa. Và tôi, được toàn quyền xem bóng đá khi mùa World Cup hay Euro đến.

Tuy nhiên, do sóng truyền hình yếu nên muốn xem được tivi phải có giàn ăng-ten. Nhưng khó nhất là kiếm vật liệu dựng cột ăng-ten. Thôi thì đủ loại, có gì dùng nấy, nào cột tre, cột gỗ, cọc sắt. Ai không sắm được cột thì gác cả giàn ăng-ten lên trần nhà.

Nhà tôi may mắn tìm mua được hai ống nước cũ bằng sắt nối lại thành cây cột cao 6m. Nhìn cột ăng-ten vừa dựng, ngạo nghễ ngang trời, bỗng thấy cái mặt của mình dường như cũng ngạo nghễ theo.

Có ăng-ten rồi nhưng vẫn chưa thể yên tâm. Đài truyền hình tỉnh ngày ấy công suất nhỏ nên sóng truyền hình cũng rất phập phù. Lại còn ảnh hưởng mưa gió nên sóng truyền hình hay bị nhiễu, màn hình như có ai rắc cát hay phun mưa. Rồi thì mất sóng liên tục nên cứ phải chạy ra chạy vào ôm cột ăng-ten cố sức vặn xoay, miệng không ngớt hét vọng vào trong nhà hỏi vợ con được chưa, được chưa.

Xem tivi đen trắng lòe nhòe mãi cũng chán, người ta bèn tìm cách “đổi mới”. Thế là xuất hiện tấm nhựa Tàu có phủ các dải màu được dân buôn mang về từ bên kia biên giới. Nó được treo trước màn hình đen trắng để đánh lừa cảm giác như đang xem tivi màu thật. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười làm sao.

Một năm sau, chuẩn bị đón World Cup 94 sắp diễn ra tại Mỹ, nhà tôi sắm được chiếc tivi màu 14 inch đập hộp, thương hiệu Daewoo nổi tiếng của Hàn Quốc (hãng này đã bị phá sản cuối năm 1999).

Lần đầu tiên tôi thực sự choáng ngợp trước sắc màu World Cup qua màn ảnh nhỏ. Sóng truyền hình cũng mạnh hơn, xưa rồi cái cảnh vừa xem tivi vừa vỗ máy hay bặm môi ôm cột ăng-ten xoay tìm hướng sóng. Nhưng bước ngoặt của việc xem World Cup cũng bắt đầu từ đó. Cái không khí của một thời “ăn, ngủ, thức” cùng bóng đá cứ nhạt dần, nhạt dần.

Bây giờ truyền hình số phát triển, tivi màn hình cỡ lớn, sắc nét, đa chức năng. Người xem không còn bị phụ thuộc vào sóng truyền hình nữa. Với chiếc điện thoại thông minh trong tay, người ta có thể xem bóng đá bất cứ lúc nào, ở đâu; không có thời gian xem trực tiếp thì xem lại trên Internet.

Cảm giác được chia sẻ cái sự sung sướng đến vỡ òa của mấy chục con người khi cầu thủ ghi bàn hay xuýt xoa tiếc nuối trước một pha bóng hỏng ngày nào giờ chỉ còn thấy ở nơi quán xá biết chiều lòng các “thượng đế” bằng màn hình rộng để hút khách.

Độc giả Nguyễn Duy Xuân