Giờ đây tôi tự tin đáp rằng người ta chỉ thôi nghe Trịnh khi họ ngừng tư duy về chính mình và thế giới cũng như thôi rung động trước những vẻ đẹp diệu vời của cuộc sống từng phút, từng giây.

LTS: Ngày 9/5 tới đây, ca sỹ Khánh Ly sẽ về biểu diễn tại Việt Nam. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của một người trẻ nhiều trăn trở với nhạc Trịnh.

Khánh Ly đã trở về. Rồi đây, chúng ta lại được đằm lòng lắng nghe giọng ca đặc biệt ấy rung lên những nhạc phẩm tuyệt diệu của Trịnh Công Sơn. Ấy cũng là khi tôi chợt tự hỏi: Liệu có bao giờ người ta thôi nghe Trịnh?

Có lẽ, để trả lời cho câu hỏi mang cái dự cảm kết thúc đó, ta nên bắt đầu từ việc truy nguyên: "Khi nào người ta bắt đầu nghe Trịnh?"

{keywords}

Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly (trái) và cô em gái ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (phải)

Tôi nhớ tuổi thơ mình đã từng loáng thoáng trong những câu hát Cát Bụi, hay miên man cùng Diễm Xưa... nhưng chắc chắc đó chưa phải là "nghe Trịnh" nếu hiểu theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, bởi lẽ âm nhạc và nhất là ca từ của ông vượt tầm thụ cảm của tôi khi ấy. Dù vậy, khá may là tôi không thể quên lần đầu rung động trước âm nhạc của bậc tài hoa vào cái đêm xa nhà đầu tiên, cách đây tầm 10 năm. Thằng tôi ở tuổi 14 khi ấy[1] đã thổn thức với giọng nữ mezzo-alto (trung trầm) ca một trong những câu hát khắc khoải và ám ảnh nhất của nhạc Trịnh: "Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia"[2] mà đâu biết rằng 10 năm sau và chắc là nhiều năm sau nữa mỗi lần nghe lại là một lần xúc động như thuở ban đầu!

Theo cách ấy mối giao hòa của tôi và Trịnh đã khởi đầu, một cuộc gặp gỡ định mệnh đến không quá sớm để nhuộm buồn tuổi thơ nhưng cũng chẳng quá muộn để tuổi trẻ phải buông câu tiếc nuối: "Giá mà mình nghe nó sớm hơn!".

Gần một nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi bản Uớt mi[3] ra đời, người ta đã nghe, đã nói và tranh luận nhiều và sẽ còn rất nhiều về Trịnh và âm nhạc của ông, bởi họ chẳng thể hiểu trọn vẹn con người ông cũng như chẳng thể cảm hết thứ giai điệu và ca từ "thần thánh" ấy. Cá nhân tôi chỉ biết, yêu nhạc Trịnh tôi yêu thêm tiếng Việt và càng chia sẻ với tâm tư bất hủ của Lưu Quang Vũ:

"Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn"[4]

{keywords}
Ca sĩ Khánh Ly mang hồng vàng đến viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong dịp trở về lần này. Ảnh: Cao Trung Hiếu

Nên nhớ rằng một người yêu Trịnh thật sự sẽ chẳng quan tâm ông khóc hai hay một giọt nước mắt[5] vì đơn giản thông qua âm nhạc của Trịnh, họ đồng cảm được với dòng lệ âm nhạc siêu hình từ Trịnh đã tuôn chảy không ngừng, suy cảm không ngừng cho sự hữu hạn, nhỏ bé và vô thường của kiếp người và mọi sinh thể khác trong mối tương quan với cái vô cùng tận của vũ trụ. Nhưng nếu chỉ có vậy thì nhạc Trịnh đâu khác gì những luận đề Triết học hay giáo lý của các Tôn giáo chỉ để người ta bị kích thích thông hiểu thay vì tình yêu thật sự?

Theo tôi, thứ khiến nhạc Trịnh chạm đến và sẽ ở mãi trong trái tim của những người mộ điệu phần nhiều ở tính duy mỹ tuyệt vời của nó - cái đã được tạo nên từ tài năng bậc thầy, được "chắt chiu" từ thanh âm, tiếng nói và hồn cốt xứ sở. Bởi vậy, "dù có miệt thị ông Sơn ra làm sao thì người ta vẫn nghe nhạc của ông hằng ngày"[6].

Trở lại với câu hỏi lúc ban đầu, Bao giờ người ta thôi nghe Trịnh? Giờ đây tôi tự tin đáp rằng người ta chỉ thôi nghe Trịnh khi họ ngừng tư duy về chính mình và thế giới cũng như thôi rung động trước những vẻ đẹp diệu vời của cuộc sống từng phút, từng giây. Thật vậy, khi bạn đọc những dòng này, vũ trụ mà chúng ta đang trôi dạt trên đó vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình của nó kể từ 13,7 tỉ năm qua[7] và vẫn tiếp tục tăng lên cả về chiều không gian lẫn thời gian, cũng giống như tình yêu của người mộ điệu với âm nhạc của họ Trịnh - thứ mà người ta chỉ có thể nhớ khi nào mình bắt đầu nghe và hoằng họa là tại sao chúng ta lại yêu nhưng khó biết bao giờ mình hết bị thôi miên bởi nó - thứ nghệ thuật mang vẻ đẹp của trí tuệcon tim.

Lê Nguyễn Anh Vũ



[1] và cả bây giờ và có lẽ nhiều nhiều năm sau nữa

[2] Lời cuối bài hát "Đêm thấy ta là thác đổ" của Trịnh Công Sơn

[3] Bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn, sáng tác năm 1958

[4] Trích bài thơ "Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ

[5] Dòng này lấy cảm hứng từ bài viết "Trịnh Công Sơn, người khóc ra hai giọt nước mắt" của tác giả Đức Hoàng đăng trên Báo điện tử VnExpress ngày 01/04/2014.

[6] Trác Thụy, bài viết "Trịnh Công Sơn: "Chúa và Phật đã bỏ loài người...", đăng trên Facebook Người Sài Gòn ngày 31/03/2014.

[7] Xem "Đại sử - Từ vụ nổ lớn đến hiện tại", Cynthia Stokes Brown, NXB Trẻ, 2004, trang 17.

 

Bài cùng tác giả:

Mất iPhone và những suy ngẫm về chuyện đánh cắp

Đáng buồn hơn nữa là góp mặt trong thành phần của các "đại sứ hai ngón" có cả "tầng lớp được cho là nhiều chữ" trong xã hội.