Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại các vùng sâu, vùng xa thường phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điều kiện sống khắc nghiệt, bất bình đẳng giới, và hạn chế trong tiếp cận thông tin, kiến thức khiến họ trở thành nhóm yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, nhờ vào sự tuyên truyền hiệu quả và sự hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo, phụ nữ DTTS đã từng bước vượt qua những thách thức, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Trong những năm qua, các chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ DTTS, đặc biệt là Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hay còn gọi là chương trình 1719,  đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Một trong những trọng tâm là công tác tuyên truyền, giúp chị em phụ nữ nhận thức rõ hơn về quyền lợi, cơ hội và trách nhiệm của mình, từ đó mạnh dạn tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội.

Tuyên truyền 1
Chị Tống Thị Định (ngoài cùng, bên trái) tích cực tham gia các nhóm, hội của địa phương
để cập nhật thông tin, chính sách và các mô hình kinh tế.

Chị Tống Thị Định, một phụ nữ dân tộc Cao Lan tại thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, là một ví dụ điển hình. Sinh ra trong một gia đình thuần nông với cuộc sống gắn bó cùng cây ngô, cây sắn, chị Định từng chật vật để thoát nghèo. Nhưng nhờ sự động viên từ hội phụ nữ xã và những buổi tuyên truyền tại các tổ cộng đồng, chị bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận. Nhờ tích cực tham gia các nhóm Zalo tuyên truyền của các hội nhóm trong xã như như nhóm nhân dân, nông thôn mới, nhóm chị em phụ nữ, nhóm hộ nghèo… , chị Định biết thêm nhiều về các mô hình kinh tế, về sự thành công nhiều chị em, từ đó, và tự tin thử nghiệm các mô hình kinh tế mới

Trên diện tích 5 ha đất rừng và đất vườn, cùng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách, chị Định chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang trồng nhãn, vải, keo và bạch đàn. Phương pháp xen canh giữa cây ăn quả và cây gỗ không chỉ nâng cao năng suất mà còn giúp gia đình chị cải thiện thu nhập bền vững. “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cây ngắn ngày, nên thu nhập rất bấp bênh. Việc canh tác cũng vất vả theo những vụ ngắn ngày. Sau khi tham gia các buổi tập huấn và học hỏi từ các mô hình điển hình, được hội phụ nữ xã tuyên truyền, tôi quyết định đầu tư vào cây dài ngày và nhờ đó cuộc sống đã khởi sắc,” chị Định chia sẻ.

Tuyên truyền
Nhờ sự tuyên truyền của các hội, các cấp chính quyền, chị Định mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Kết quả từ sự nỗ lực của chị Định không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê Lục Sơn. Những ngôi nhà khang trang hơn, đường làng ngõ xóm sạch đẹp hơn đều phản ánh sự chuyển mình tích cực, phần lớn nhờ vào tinh thần vươn lên của phụ nữ DTTS và hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Theo chị Đàm Thị Tâm, Phó trưởng thôn Vĩnh Ninh, các buổi tuyên truyền về bình đẳng giới và quyền lợi của phụ nữ đã giúp nâng cao nhận thức của chị em. Thông qua các hội phụ nữ, hội xây dựng nông thôn mới, chị em không chỉ hiểu rõ quyền lợi của mình mà còn tự tin hơn trong việc tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội. Nhiều phụ nữ giờ đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các vấn đề gia đình và cộng đồng.

Sự thành công của những chương trình như Dự án 8 cũng khẳng định vai trò thiết yếu của “giảm nghèo thông tin” trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Thông qua việc cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng, và kết nối phụ nữ DTTS với các nguồn lực, công tác tuyên truyền đã tạo điều kiện để họ phát huy tiềm năng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Nhìn chung, nhờ các hoạt động tuyên truyền và chính sách hỗ trợ phù hợp, phụ nữ DTTS ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Họ không chỉ thoát khỏi cái bóng của nghèo đói mà còn trở thành những nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng cộng đồng phát triển bình đẳng, giàu mạnh. Điều này minh chứng rằng, khi được tiếp cận thông tin và nguồn lực, phụ nữ DTTS có thể vươn lên mạnh mẽ, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ sau.