- Nhỏ thì dễ thích nghi nhưng cũng chỉ vì nhỏ quá, doanh nghiệp Việt Nam đang bị đứng ngoài cuộc trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, một bất lợi lớn cho nền kinh tế.

Sự yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lần đầu tiên đã được mổ xẻ mạnh mẽ tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) hôm 5/12.

Càng ngày càng nhỏ

Vốn điều lệ 5 tỷ đồng, nhưng chỉ là trên giấy. Nhân sự chỉ có 1, giám đốc vừa là nhân viên, kiêm kế toán, thủ quỹ và cả văn thư, trụ sở đăng ký kinh doanh đồng thời là nhà ở. Thỉnh thoảng, tên công ty lại được mang đi "bán" với giá 2 triệu đồng để đóng dấu hộ vào một bộ hồ sơ...

Những doanh nghiệp vậy đang mọc ra nhiều như nấm ở Việt Nam.

Tổng Cục thống kê cũng khó nắm bắt được, trong số hơn 60.000 DN đã được thành lập mới 10 tháng đầu năm nay, có bao nhiêu phần trăm là những DN siêu siêu nhỏ như vậy?

Trong khi đó, sự gia tăng thành lập DN mới thường được bộ KHĐT coi như một tín hiệu kinh doanh phục hồi. Còn khi lý giả về sự phá sản gia tăng, nhiều lãnh đạo bình tĩnh cho rằng, nhiều trong số đó có khi chỉ là doanh nghiệp ảo.

{keywords}

Sự yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lần đầu tiên đã được mổ xẻ

Tại Diễn đàn VDPF, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một báo cáo về phát triển khu vực kinh tế tư nhân với cảnh báo: quy mô nhỏ đang tạo hệ luỵ lớn thua thiệt trong cạnh tranh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, quy mô doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng tận dụng được những lợi thế theo quy tắc “kinh tế quy mô". Doanh nghiệp lớn có chi phí trung bình thấp hơn, chi phí biên thấp hơn sẽ giúp tăng khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất, trong khi, DN nhỏ rõ ràng không có lợi thế so sánh để tham gia cơ hội này.

Hiện nay, DN nhỏ Việt Nam chiếm tới 96% tổng số DN trong nước nhưng chỉ chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 83,2 % tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước là thuộc về 2% số DN còn lại, là DN lớn.

Thậm chí, DN tư nhân Việt Nam lại đang ngày càng bé. Lao động bình quân đã giảm từ 27 xuống còn 21 người, vốn bình quân năm 2012 đã bắt đầu giảm trong vòng 10 năm, từ mức 25 tỷ xuống 24 tỷ.

"Đặc điểm này phổ biến ở tất cả các ngành quan trọng và trái ngược với tình hình của FDI. Điều đó cho thấy một xu hướng là các doanh nghiệp nhỏ trong nước vừa qua không thể lớn lên thành doanh nghiệp có quy mô vừa hay lớn", báo cáo của VCCI nhận xét.

Quy mô nhỏ còn là nguyên nhân đầu tiên cản trở DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nghiên cứu của VCCI từ 14 vụ giao dịch thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhưng không thành công giữa FDI và DN Việt Nam cho thấy, DN Việt Nam không thể cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của đối tác vì rất nhiều lý do thuộc về năng lực, không đạt chuẩn của đối tác quốc tế. Trường hợp DN đáp ứng được chất lượng thì giá cả lại không cạnh tranh.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cách nào?

Bộ trưởng Bộ KHĐT, ông Bùi Quang Vinh cho biết, các đối tác quốc tế than phiền về việc Việt Nam đang thiếu trầm trọng những DN tư nhân lớn, tầm cỡ quốc tế. Chỉ những DN lớn mới tạo ra được triệu triệu việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm thay thế nhập khẩu.

Chúng ta còn thiếu DN công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam có lao động rẻ nhưng khi không cung cấp được sản phẩm hỗ trợ thì các nhà đầu tư FDI cũng sẽ không giảm được giá thành, vì họ phải nhập khẩu, kéo theo đó họ cũng sẽ không còn thấy Việt Nam hấp dẫn, Bộ trưởng Vinh chia sẻ.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt nam cũng đã nhấn mạnh: "Không một nền kinh tế nào phát triển nếu chỉ dựa vào nguồn lực bên ngoài. Việt Nam cần một khu vực kinh tế tư nhân đủ mạnh phát triển song song với FDI".

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: "Mục tiêu phát triển cho khu vực tư nhân là phải tạo ra nhiều các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ DN nhỏ nhằm phát triển một cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả l".

Nhưng bằng cách nào để đạt mục tiêu này?

Một trong những con đường mà Bộ Công Thương theo đuổi là thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy khoảng 200 DN Việt trở thành lớn, từ nhà cung cấp lớp 3, 4 sẽ trở thành cung cấp lớp 1, 2 cho các FDI, tận dụng hiệu ứng lan toả. Bộ này cũng đề nghị cơ chế Quỹ hỗ trợ DN ngành này với hình thức cấp vốn bù lãi suất... nhưng hiện, vẫn chưa được Chính phủ thông qua.

VCCI đang đề xuất một tổng thể chương trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, ngoài Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ cần ban hành Nghị định về hiệp hội DN và một cơ chế hỗ trợ tài chính dài hạn khả thi hơn.

VCCI cũng đề xuất nên lựa chọn 6 lĩnh vực ngành nghề gồm du lịch, nông nghiệp, dệt may, điện tử, gỗ, dược, phần mềm... để phát triển, tận dụng hiệu ứng lan toả từ FDI, thúc DN tư nhân Việt Nam lớn lên, có thương hiệu quốc gia. Một ý tưởng khác được nhiều đối tác hoan nghênh là thành lập Học viện giám đốc để tăng cường năng lực quản trị của DN nhỏ.

Nếu DN Việt vẫn cứ nhỏ, yếu, kinh tế Việt Nam sẽ "thất thu" trước cơ hội của các hiệp định thương mại mang lại.

Chẳng hạn, như khi TPP trở thành hiện thực, xuất khẩu may mặc của Việt Nam có thể tăng vọt từ mức 18 tỷ USD hiện nay lên 30 tỷ USD vào năm 2020 và 50 tỷ USD vào năm 2025, tạo việc làm cho 6 triệu người.

Nhưng có thể, Việt Nam sẽ bị vuột mất hàng chục tỷ USD trên khi mà các công ty may mặc Việt Nam vẫn chưa cải thiện tình hình, chỉ quen làm gia công cho nước ngoài, với nguyên liệu phụ thuộc Trung Quốc.

Phạm Huyền