Nữ liệt sĩ "về" với gia đình sau hơn 50 năm
Ôm chặt bức chân dung con gái sau khi đã được phục dựng, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Toán nghẹn ngào khóc nấc: “Con ơi, con về với mẹ rồi!”. Câu nói của người mẹ 97 tuổi khiến tất cả những người xung quanh rơi nước mắt.
Đó là kỷ niệm đầy xúc động mà nhóm phục dựng ảnh liệt sĩ của anh Lê Quyết Thắng (SN 1991, hiện sinh sống ở Hà Nội) ghi nhớ mãi và lấy đó làm động lực để tiếp tục công việc ý nghĩa của mình.
Năm 1972, nữ y tá Nguyễn Thị Loan (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) hy sinh tại mặt trận phía Nam quân khu 4 khi mới 23 tuổi. Ngày nhận được giấy báo tử, cụ Toán khóc nghẹn, không tin vào mắt mình.
Suốt hơn 50 năm qua, gia đình liệt sĩ Loan đã lặn lội vào Nam nhiều lần với hy vọng được đưa nữ liệt sĩ trở về nhà, nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm đều thất bại. Hài cốt người con gái của gia đình vẫn chưa được tìm thấy.
Hình ảnh của người con gái chỉ còn lưu lại trong ký ức phai dần của người mẹ già và trong những bức ảnh cũ nhoè nơi góc tủ.
Cho tới giữa năm nay, anh Nguyễn Văn Hậu (SN 1999), cháu nội cụ Toán, biết thông tin về nhóm Team Lee chuyên phục dựng ảnh liệt sĩ qua Facebook nên đã nhắn tin ngỏ lời nhờ nhóm phục chế ảnh cho liệt sĩ Loan.
Nhóm ngay lập tức đồng ý. Đầu tháng 7 vừa qua, nhóm đã về tận nhà cụ Toán, trao tận tay cho cụ món quà đặc biệt. Đó là bức ảnh chân dung của nữ liệt sĩ và một tấm ảnh chụp cụ Toán và con gái ngồi cạnh nhau.
Hậu chia sẻ: “Khoảnh khắc tấm ảnh được trao, gia đình không ai cầm được nước mắt. Mọi người đều tưởng như bác đã trở về nhà sau hơn 50 năm”.
Từ hôm bức ảnh được treo chính giữa gian phòng, ngày nào cụ Toán cũng ngồi ngắm con gái. Cụ nghẹn ngào bảo tấm ảnh rất giống con gái ngày trước: “Đây là món quà vô giá đối với tôi”.
Giờ đây, gia đình cụ Toán càng thêm hy vọng tìm lại được hài cốt của con gái. Tấm ảnh rõ nét này sẽ giúp gia đình có cơ hội liên hệ được những đồng đội cũ của liệt sĩ Loan, để tìm được đúng nơi nữ liệt sĩ đã yên nghỉ và đón về quê hương.
Hành trình phục dựng ảnh liệt sĩ
Năm 2022, dòng tin nhắn nhờ phục dựng lại bức ảnh một liệt sĩ tại Hà Nội đã khiến anh Lê Quyết Thắng xúc động nhận lời. Sau 8 giờ miệt mài, anh đã "hô biến" bức ảnh cũ bị phai màu thành một bức hình rõ nét, sống động.
Cảm động trước khoảnh khắc người con trai nhận lại ảnh cha, anh Thắng cùng vài người bạn đã thành lập Team Lee, bắt đầu hành trình phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ.
Tính tới nay, nhóm đã có 12 thành viên. Mặc dù người nào cũng có công việc chính ở ngoài, nhưng mỗi tối họ lại cùng nhau phục dựng ảnh. Mỗi lần có dự án lớn, nhóm sẽ làm việc tới 3 – 4h sáng, thậm chí là thâu đêm.
Công việc đầy ý nghĩa của Team Lee được mọi người biết tới nhiều hơn, khi nhóm chia sẻ hành trình phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ trên trang Facebook của anh Thắng.
Cũng từ đây, nhóm liên tục nhận được những cuộc gọi từ các gia đình liệt sĩ với mong mỏi có thể “gặp lại” người thân của mình một lần nữa qua những bức ảnh.
Hoàng Đức Hải (SN 1990) là một trong những thành viên của nhóm. Hải chia sẻ: “Công việc này không hề dễ dàng. Nhiều bức ảnh đã quá cũ, mờ nhoè theo thời gian.
Có gia đình còn không giữ được bức ảnh nào của liệt sĩ để đặt lên bàn thờ. Lúc đó, nhóm phải phác thảo chân dung dựa theo lời mô tả của gia đình và dựa vào những đặc điểm trên khuôn mặt của người thân trong gia đình liệt sĩ”.
Khi bức ảnh được hoàn thành, cứ mỗi cuối tuần, nhóm sẽ phân công nhau tận tay mang đến trao cho gia đình liệt sĩ.
Toàn bộ hành trình phục dựng ảnh này đều được Team Lee thực hiện miễn phí. Từng có nhiều cá nhân biết được việc làm của nhóm và ngỏ ý hỗ trợ, nhưng nhóm từ chối và quyết tâm thực hiện bằng chính sức lực của mình.
Hơn 2 năm qua, Team Lee đã nỗ lực không ngừng trên hành trình đầy ý nghĩa này. Tính tới hiện tại, hơn 1.300 bức chân dung liệt sĩ trên khắp cả nước đã được nhóm phục dựng và đưa về với gia đình.
Mỗi bức ảnh đều ẩn chứa sau đó một câu chuyện, là minh chứng cho sự hy sinh lặng thầm của những người anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.
Anh Lê Quyết Thắng cùng các thành viên Team Lee luôn mong muốn có thể tiếp tục hành trình này, không chỉ để tri ân tới các anh hùng liệt sĩ, mà còn để những người trẻ thấu hiểu sâu sắc hơn những hy sinh của thế hệ đi trước.