Tiki mở ngành hàng tươi sống từ tháng 5. Chỉ trong vài tháng, một số đối tác kinh doanh cho biết gặt hái thành quả nhất định. Số liệu của Farmers’ Market cho thấy sau tháng đầu thử nghiệm, đơn hàng trên Tiki chiếm hơn 20% tổng số đơn hàng online của doanh nghiệp. Trong khi đó, ngày đầu lên sàn, giao dịch thông qua Tiki đóng góp 15% vào số đơn hàng cần giao của The Coffee House.
Hàng hoá tươi sống thường được mua tại cửa hàng nay bắt đầu lên online. (Ảnh: Hải Đăng) |
Covid-19 khiến người dùng tích cực mua sắm online. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, chỉ những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm mới được ưu tiên mở bán. Đồng thời, để tiết kiệm chi phí do thu nhập bị ảnh hưởng, người dùng chỉ ưu tiên mua sắm hàng hoá thiết yếu. Nhìn thấy được xu hướng này, các nền tảng kinh doanh phi truyền thống ngay lập tức nhảy vào.
Trước khi Tiki mở gian hàng tươi sống, Lazada cũng kết hợp với các đối tác để đưa thịt cá, rau củ lên sàn từ tháng 4. Nền tảng Grab không khoanh tay ngồi yên khi tung ra GrabMart, dịch vụ đi chợ hộ, vào tháng 3 - tức trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam.
Tất cả các dịch vụ đều cam kết giao hàng từ 1-3 giờ đồng hồ để đảm bảo hàng hoá tươi sống và đáp ứng nhu cầu cần chế biến ngay của người dùng.
Dù ra mắt dịch vụ mang tính chất đối phó với tình hình thực tế nhưng cả ba nền tảng kể trên đều khẳng định ngành hàng thực phẩm, tươi sống sẽ là lĩnh vực kinh doanh dài hạn.
GrabMart đã có mặt tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia trước khi áp dụng tại Việt Nam. Dịch vụ này cho phép người dùng chọn mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu trên ứng dụng Grab, sau đó tài xế sẽ giao trong thời gian nhanh nhất.
Grab cho biết dịch vụ của họ duy trì tốc độ tăng trưởng theo tuần (tính theo %) ổn định ở mức hai con số. Lượng đơn hàng bình quân hàng ngày tăng gấp 10 lần, tính vào thời điểm cuối tháng 7/2020, so với cuối tháng 4/2020. Số lượng đối tác trên GrabMart tăng hơn 10 lần, so thời điểm đầu tháng 8/2020 và cuối tháng 4/2020.
Sau khi thử nghiệm tại TP.HCM, dịch vụ mở rộng ra thêm tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Hồi tháng 4, Lazada cũng hợp tác với các bên như Meat Deli, Mega Việt Phát – chuyên kinh doanh thịt sạch, thịt nhập khẩu; Foodmap, Hiệp Nông – cung cấp mặt hàng rau củ tươi, nông sản Việt; Lothamilk với mặt hàng sữa thanh, tiệt trùng… để đưa vào ngành hàng tươi sống, trở thành nền tảng thương mại điện tử đầu tiên nhảy vào mảng này.
Thống kê hồi tháng 4 của Shopee chứng kiến sự gia tăng nhu cầu mua sắm thực phẩm trực tuyến, ghi nhận số lượt người dùng thường xuyên đặt mua thực phẩm trong tháng tăng đến 3,5 lần. Trong đó, nhóm sản phẩm bánh kẹo và thực phẩm nấu ăn tại nhà đã tăng gấp 3 lần.
Ngoài nhóm khách hàng truyền thống, người dùng khu vực nông thôn và nam giới bắt đầu đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, nhất là ngành hàng thực phẩm.
Nhóm khách mua đồ tươi sống cũng chuộng thanh toán trực tuyến hơn. Thống kê của Tiki cho thấy gần 60% đơn hàng được thanh toán online, trong khi tỷ lệ này trên toàn sàn Tiki là 40%. Đồng thời, tổng số đơn hàng giao nhanh 3h của thực phẩm tươi sống chiếm hơn 40% tổng số đơn hàng giao nhanh của toàn ngành hàng bách hóa.
Để đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dùng, các nền tảng cho biết ngày càng nhiều nhà bán hàng mảng này tham gia vào hệ sinh thái. Càng có nhiều lựa chọn mua hàng, người dùng sẽ càng gắn bó với việc mua sắm online.
Hải Đăng
Mua sắm trực tuyến trên smartphone tại Việt Nam tăng kỷ lục, đứng thứ 3 khu vực
Tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trong nửa đầu 2020 đạt 12,7 tỷ, cao nhất từ trước đến nay khi nhu cầu và xu hướng của người dùng thay đổi lớn sau đại dịch.