Buổi sáng ngày 23/2, em bé 17 tháng tuổi tên Đ. được mẹ đưa đến lớp (một cơ sở trông giữ trẻ tư nhân ở Thường Tín, Hà Nội). Đến tối ngày 2/3, “thiên thần nhỏ” đã ra đi mãi mãi.

Kết quả điều tra cho thấy, ở trường mẫu giáo, Đ. đã bị hai bảo mẫu là Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) nhiều lần đánh đập.

Đ. bị cô bảo mẫu bế rồi ném xuống, làm đầu đập xuống nền nhà; bị bảo mẫu tát, đạp vào bụng, ngực; đá và dẫm vào đầu. Vào sáng 26/2, bé trai 17 tháng tuổi bị An đạp vào bụng khiến bé bất tỉnh.

Bị can An (trái) và Lành tại cơ quan công an. 

Trong một diễn biến khác xảy ra hồi tháng 1, tại quận Bình Tân (TP.HCM), bé N.Đ.H.A. (6 tháng tuổi) bị tổn thương não nặng sau khi được đưa đến điểm giữ trẻ. CQĐT đã tạm giữ người trông trẻ là Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) để điều tra về hành vi “giết người”. 

Theo lời khai của Linh tại CQĐT, sáng 10/1, do bé N.Đ.H.A. khóc nhiều nên Linh dùng tay đánh vào đầu bé. Các y bác sĩ chẩn đoán, cháu N.Đ.H.A. bị chấn thương não nặng, bị hôn mê sâu, đồng tử giãn, tổn thương não khó phục hồi. 

Một câu chuyện tương tự xảy ra ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vào ngày 18/7/2022, nạn nhân là bé gái 2 tuổi cũng bị chấn thương sọ não, dập phổi, tình trạng nguy kịch.

CQĐT đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 bảo mẫu Huỳnh Thị Thanh Hằng (24 tuổi) và Vương Ngọc Thảo Vy (26 tuổi) để điều tra.

Làm việc với cảnh sát, Hằng và Vy khai, ở trường, em bé 2 tuổi thường giật mình, la hét và dùng tay cào lên mặt khi ngủ. Thấy vậy, hai bảo mẫu thường đánh bé. Hôm 8/7/2022, khi bé khóc, Vy đã đạp vào người cháu bé, khiến đứa trẻ ngã trong nhà và phòng tắm…

Giải pháp để giảm bạo hành trẻ em ở trường

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, để xảy ra những vụ việc trẻ em bị sát hại, bạo hành ở các cơ sở giáo dục không thể không nhắc đến trách nhiệm, vai trò của cơ quan chức năng trong công tác quản lý giáo dục.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân về cơ chế, chính sách; nguyên nhân từ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nguyên nhân từ việc tổ chức thực hiện pháp luật. 

Có những nguyên nhân từ chất lượng trình độ, năng lực của giáo viên; có nguyên nhân về công tác quản lý giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục... 

Theo ông Cường, để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng xảy ra trong môi trường học đường mà đối tượng gây án là giáo viên, nạn nhân là học sinh, phải thực hiện đồng bộ đầy đủ nhiều giải pháp.

Cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, tiểu học, để tạo môi trường trong sạch, lành mạnh, để người thực hiện hoạt động nghề nghiệp giáo viên có điều kiện làm việc tốt nhất với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là luật giáo dục, luật trẻ em, luật hình sự, các chế tài hành chính, chế tài kỷ luật trong môi trường giáo dục.

Cần làm tốt công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên, sao cho những người làm nghề giáo không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà phải là người có đạo đức, yêu thương quý trọng học sinh, dù đó là những học sinh cá biệt. 

Tăng cường cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư thục ở hệ mầm non, tiểu học. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những hoạt động giáo dục chui, không đảm bảo điều kiện về vật chất kỹ thuật, về con người cho hoạt động giáo dục. 

Bên cạnh đó cũng cần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác giáo dục, đặc biệt là với học sinh mầm non, tiểu học thì bắt buộc phải gắn camera giám sát để cơ quan quản lý giáo dục và các phụ huynh có thể quan sát được hoạt động giáo dục và biết được tình trạng học tập, sức khỏe của con mình.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, có thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp từ cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp về tài chính, giải pháp về kỹ thuật và giải pháp về con người một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả mới giảm thiểu được những vụ án đau lòng như đã nhắc ở trên.

Lê Tuyết Nhung, Đỗ Thị Thúy Nga, Nguyễn Đăng Tấn