- 3 nhát đâm liên tiếp khiến chàng trai 30 tuổi rách cùng lúc nhiều phủ tạng như gan, phổi, dạ dày, mạch máu to như ngón tay cũng bị đứt lìa.
Quyết định phẫu thuật thần tốc
Sau bữa liên hoan chiều 4/1, anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) xích mích với bạn tại quán karaoke. Một người dùng dao gọt hoa quả đâm anh 3 nhát vào bụng, chảy rất nhiều máu.
Ngay lập tức, anh Tuấn được chuyển vào BV đa khoa huyện Sóc Sơn cấp cứu. BS Tạ Văn Sứng, Giám đốc BV cho biết, dù vết thương bên ngoài rất nhỏ nhưng tổn thương bên trong vô cùng nghiêm trọng.
Toàn bộ tá tràng bệnh nhân bị đứt làm đôi, thủng đầu tuỵ, thủng dạ dày, thủng cơ hoành gây tràn máu, tràn khí màng phổi cả 2 bên, động mạch vành bị đứt, xuyên phổi, mạch máu ở gan to như ngón tay cũng bị đứt rời.
Dù trong tình trạng sốc mất máu rất nặng nhưng anh Tuấn vẫn kịp ngóc đầu cầu cứu các BS: “Xin hãy cứu tôi!”.
BS Sứng cho biết thêm, thời điểm bệnh nhân nhập viện, máu cháy ồ ạt qua các vết thương, bụng trướng căng đầy máu, da xanh tái, chân tay lạnh, mạch nhỏ không bắt được, điểm hôn mê glasgow chỉ còn 3-4 điểm, nguy cơ tử vong rất cao.
“Rất nhanh, kíp trực cấp cứu của BS Tú, điều dưỡng Thương đã thông báo ngay cho tôi và kíp trực khoa Ngoại xuống đánh giá, xác định với tình trạng nguy cấp như vậy, nếu cho chuyển ngay tuyến trên thì xe chỉ kịp rời 5-7 phút là bệnh nhân sẽ tử vong”, BS Sứng kể lại.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn đang được điều trị tại BV Xanh Pôn |
Ngay lập tức, BS Sứng lệnh “chuyển ngay lên phòng mổ”. Từ lúc bệnh nhân nhập viện đến khi lên phòng mổ vỏn vẹn 15 phút. Ca mổ kéo dài 3 tiếng do BS Nguyễn Văn Tụy, Trưởng khoa Ngoại làm trưởng ekip.
“Chúng tôi từng cấp cứu nhiều trường hợp rất nặng, thậm chí xuyên tim, ngừng tuần hoàn nhưng chỉ tổn thương 1-2 cơ quan, riêng bệnh nhân này bị đa chấn thương, thủng cùng lúc nhiều phủ tạng là trường hợp rất hy hữu”, BS Sứng thông tin.
Những anh hùng không cần ghi tên
BS Sứng chia sẻ, bệnh nhân Tuấn phải mổ cấp cứu trong tình trạng mất máu quá nhiều, tổn thương phức tạp. Nếu không truyền máu ngay lập tức sẽ rất khó giữ mạng sống.
Tuy nhiên bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm AB, trên nền viêm gan B, nếu đợi vận chuyển máu từ BV Huyết học - Truyền máu TƯ sang sẽ không kịp.
“Dù là nhóm máu chuyên nhận nhưng tình trạng bệnh nhân quá nguy kịch, chỉ cần truyền 1-2 đơn vị nhóm máu khác sẽ gây phản ứng, rối loạn quá trình chuyển máu, rất nguy hiểm nên bắt buộc phải truyền đúng nhóm máu”, BS Sứng nói.
Trong lúc chờ máu tiếp tế, BS Sứng thông báo toàn BV, kêu gọi nhân viên tình nguyện làm xét nghiệm hiến máu. Ít phút sau, các y bác sĩ tạm dừng công việc, đổ dồn về khoa xét nghiệm, nhưng chỉ tìm được 2 người cùng nhóm AB.
Một anh lái xe cứu thương của BV biết thông tin cũng rủ mọi người cùng đến xét nghiệm. Kết quả, anh trở thành người thứ 3 phù hợp. Một chị khác đến thăm người nhà, khi hay tin đã tình nguyện xét nghiệm và may mắn phù hợp.
Trong 3 giờ phẫu thuật căng thẳng, bệnh nhân được truyền hơn 10 đơn vị máu. BS ưu tiên xử lý các vết thương có nguy cơ chảy máy lớn, thậm chí dùng kẹp clamp để kẹp tạm thời rồi khâu, buộc dần các mạch máu. Cùng lúc, lãnh đạo BV gọi đến BV Xanh Pôn xin hỗ trợ khẩn cấp.
15 phút sau, tổ cấp cứu cơ động của BV Xanh Pôn lên xe cứu thương lao đi, trong đó có BS Ôn Quang Phóng phụ trách ekip phẫu thuật mang theo chỉ chuyên dụng và BS Vũ Văn Khâm - ekip gây mê.
2 BV phối hợp nhịp nhàng, các mạch đứt được nối hoàn thiện, máu chảy đều. Đến 23h40 cùng ngày, khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, BV quyết định chuyển anh Tuấn về BV Xanh Pôn để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng vẫn trong tình trạng nặng với những biểu hiện suy gan, suy thận và tiêu cơ vân.
Bố bệnh nhân Tuấn sau đó có gặng hỏi những người đã hiến máu cho con trai để cảm ơn nhưng không ai nhận.
BS Sứng chia sẻ, đây không phải là trường hợp đầu tiên được các y, BS của BV cho máu để cứu sống, trước đó có rất nhiều trường hợp tương tự. Cách đây 2 tuần, có một bệnh nhân chửa ngoài tử cung, vào BV đa khoa Sóc Sơn cấp cứu khi máu đã chảy đầy ổ bụng, ngừng tim và đã được 4 nhân viên y tế cho máu.
“Chúng tôi ở tuyến xa, ít tiếp xúc với báo chí, truyền thông nên chưa bao giờ thông tin. Chúng tôi coi những việc đó trước hết là tình cảm giữa con người với con người, giữa BS với bệnh nhân. Dù là BS hay người dân cũng không ai muốn người khác biết đến đâu”, BS Sứng tâm sự.
4 y bác sĩ hiến máu cứu sản phụ nguy kịch
Bốn y bác sỹ Hà Tĩnh vừa hiến máu góp phần cứu sống sản phụ bị sốc mất máu nặng do rau tiền đạo trung tâm, cài răng lược vào bàng quang.
5 cán bộ y tế hiến máu cứu sống sản phụ bị băng huyết
5 cán bộ y tế của bệnh viện đa khoa huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh vừa hiến 5 đơn vị máu cứu sống sản phụ bị băng huyết sau đẻ mổ.
“1 lần hiến máu, giúp được 3 người”
Các chuyên gia cho biết 1 túi máu được sản xuất thành 3 chế phẩm máu. Bởi vậy, chỉ cần 1 lần hiến máu, bạn đã giúp được hẳn 3 người.
Chỉ 1% dân số Việt Nam hiến máu
Sau 20 năm vận động hiến máu tình nguyện, hiện mỗi năm Việt Nam mới chỉ thu nhận được khoảng 1,3 - 1,4 triệu đơn vị máu và 75% số này đến từ sinh viên.
'Cảm ơn cô chú đã hiến máu cứu con'
Hình ảnh 2 mẹ con cô giáo trẻ đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu TƯ lần lượt trao cánh hạc cảm ơn những người đã hiến máu khiến hàng triệu người xem thổn thức.
Thúy Hạnh