Là một xã biên giới khi bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2015 - 2020 với vô vàn khó khăn, thách thức, tuy nhiên Tam Quang lại là xã đầu tiên của huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) xây dựng NTM thành công vào năm 2017 (về đích NTM trước kế hoạch 3 năm). Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, Tam Quang đặt mục tiêu đạt xã NTM nâng cao vào năm 2025 với đòn bẩy, phát triển các mô hình kinh tế nông thôn. 

Làng Bãi Sở là điểm đầu tiên của huyện và của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản.

Từ những trục giao thông chính vào các bản, đến từng đường ngang, ngõ xóm đều đã được bê tông hóa, không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, mà các loại cây ăn quả, vật nuôi của bà con làm ra mang đi tiêu thụ được dễ dàng… tất cả đều nhờ chương trình nông thôn mới.

Diện tích thanh long ruột đỏ tại làng đã tăng từ 3, 2 ha lên 10 ha với khoảng 55 hộ tham gia, đạt năng suất 7,0 tấn/ha. Mô hình này đã được xây dựng thành HTX và được tỉnh công nhận sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. 

Ngoài những vườn thanh long ruột đỏ rộng lớn, người dân Bãi Sở còn tập trung phát triển mô hình chăn nuôi bò nhốt, lợn nái, lợn thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại bản biên giới Tùng Hương, những năm gần đây, ngoài trồng lúa nước, người dân còn chăn nuôi gia súc, gia cầm giống bản địa như lợn đen, gà đen dê giống, bò sinh sản…

Bản Thái Cổ còn có dòng Nậm Xán chảy giữa đại ngàn trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa khám phá thiên nhiên. Ngoài tắm suối du khách còn có thể thưởng thức đặc sản địa phương như dê nướng, gà nướng, cá mát… Đây cũng là hướng phát triển kinh tế gắn với du lịch cho người dân địa phương.

Theo bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang chia sẻ, với đặc thù địa phương có 11 bản, trong đó có 2 bản giáp biên giới với 1.971 hộ/7.806 khẩu người Kinh, Thái, Khơ Mú, Đan Lai, Tày Pọng cùng sinh sống, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, để tạo sự đồng thuận “ý đảng, lòng dân’’ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Quang đã chỉ đạo hệ thống tuyên giáo, dân vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của xã, mạng xã hội (Zalo, Facebook) để nêu gương người tốt, cách làm hay trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM, từng bước xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng ý chí tự lực, tự chủ vươn lên, hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định tại các bản làng. 

Điều quan trọng nhất là người dân đã chuyển dần sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, với nhiều mô hình nuôi, trồng hiệu quả như trồng thanh long, nuôi bò, lợn rừng… Nhờ đó, mục tiêu xây dựng NTM nâng cao đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, lan toả đến mọi người dân.

Tới nay, các tiêu chí nông thôn mới của xã ngày càng được nâng cao như tiêu chí nhà ở, hộ nghèo… Đáng nói, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao từ 100 – 300 triệu đồng/năm ngày càng được người dân triển khai nhân rộng. Thu nhập bình quân của người dân xã Tam Quang đã tăng lên đáng kể, hiện đạt 48,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,6%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu vào năm 2025 Tam Quang trở thành xã NTM nâng cao. Bên cạnh đầu tư phát triển toàn diện các tiêu chí đề ra theo kế hoạch, ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp bằng cách xây dựng các mô hình trang trại, gia trại các hợp tác xã. Giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.