Phát huy vai trò của phụ nữ và góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nâng cao, kiểu mẫu, cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá đã triển khai mô hình điểm “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, gồm có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa và sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Mô hình được xem là sự kế thừa các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” nhưng nâng mức độ cao hơn để phù hợp với giai đoạn mới.
Việc thực hiện mô hình sẽ phát huy các giá trị tốt đẹp và tiềm năng đóng góp của mỗi gia đình vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của các địa phương. Do đó, triển khai nội dung này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo điểm tại 4 xã thuộc 4 huyện: Thiệu Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn và Hậu Lộc.
Sau hơn một năm triển khai, mô hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử tại thôn Thủ Lộc, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, thực hiện điểm mô hình đã có 100% thành viên tham gia đều có ngôi nhà an toàn, thực hiện nếp sống văn hóa, có thu nhập ổn định, không có trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Qua rà soát, đánh giá kết quả cho thấy, các tiêu chí của mô hình đều đạt và vượt. Diện mạo quê hương có nhiều đổi mới, nhất là cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đạt được từ thực tế mô hình điểm cũng như sự tác động của mô hình đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp tổ chức nhân rộng trong toàn tỉnh.
Từ 4 mô hình điểm, đến nay toàn tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng, nhân rộng được 172 mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, góp phần làm thay đổi suy nghĩ của nhiều hộ gia đình, đã và đang trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương.
Tiêu biểu như ở thôn 1, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân là mô hình điểm của huyện triển khai, sau 1 năm thực hiện, đến nay toàn thôn có 250 hộ trong đó có 240 hộ đạt nếp sống văn hóa (chiếm 96%); 220 hộ đạt tiêu chí nhà sạch (chiếm 88%); 196 hộ đạt tiêu chí sạch bếp; 194 hộ đạt tiêu chí sạch ngõ; 218 hộ đạt 8 tiêu chí của “Gia đình 5 có, 3 sạch” (chiếm 87%).
Với những kết quả đạt được cho thấy, đây là mô hình thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Mô hình được cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, bởi có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, khẳng định vai trò của tổ chức hội.