Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tại nhiều địa phương, việc giảm nghèo không chỉ thể hiện ở việc tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từng năm mà đời sống người dân nghèo đã được nâng lên đáng kể.
Đáng nói, nhận thức của người dân về những hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng đã thay đổi, nhiều người vươn lên làm giàu, đóng góp trở lại cho quê hương và cộng đồng từ chính sự hỗ trợ về sinh kế, nguồn vốn được nhận. Điều này phản ánh chính sách nhân văn của chương trình giảm nghèo đã đi vào cuộc sống, thay đổi thực tế, đa chiều, bền vững.
Phân loại từng nguyên nhân khó thoát nghèo để có giải pháp linh hoạt
Tại tỉnh Quảng Ngãi, huyện nghèo Sơn Tây năm 2024 được giao chỉ tiêu giảm thêm 490 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo về 25,41%. Bước vào năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại đây vẫn còn tới 34,12%, vì thế, mục tiêu giảm gần 10% hộ nghèo được coi là thách thức. Nhưng các địa phương tại huyện Sơn Tây có những cách làm hay để tự tin trên hành trình giảm nghèo tới đích.
Ở xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, lãnh đạo xã khẳng định muốn hỗ trợ trúng đích phải có chuẩn dữ liệu nguyên nhân nghèo thông qua điều tra, rà soát từng hộ gia đình. Tại xã này, hộ nào thiếu vốn, ưu tiên cho vay vốn; hộ thiếu nhà ở thì ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà; hộ thiếu kiến thức làm ăn, cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn…
Cùng quan điểm, tại xã Sơn Tinh, phân loại từng nguyên nhân khó thoát nghèo của các hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp là cách thức để xã triển khai công tác giảm nghèo thuận lợi.
Chị Đinh Thị Thà, ở thôn Bà He, xã Sơn Tinh, năm 2023 vẫn còn là hộ nghèo. Xác định gia đình có sức lao động nhưng thiếu sinh kế, thiếu hướng đi thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ hộ nghèo này nguồn vốn, cây, con giống để phát triển sản xuất. Chị Thà còn được tham gia các lớp tập huấn để nắm vững kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, từ đó có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất.
Được hỗ trợ sinh kế phù hợp, lại được đào tạo để phát huy tối đa giá trị của sinh kế cộng với nỗ lực ý chí của bản thân, năm 2024, lần đầu tiên sau nhiều năm, gia đình chị thoát diện hộ nghèo.
Trường hợp của chị Thà là điển hình cho việc hỗ trợ trúng và đúng giúp người dân thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ gia đình tại xã Sơn Tịnh hay Sơn Mùa ở huyện Sơn Tây được hỗ trợ vốn, cây, con giống. Điều quan trọng là các sinh kế này không chỉ phù hợp với nhu cầu từng gia đình, bởi các hộ được quyền tự đăng ký nhu cầu hỗ trợ; mà còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương.
Xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) cũng triển khai cách làm bài bản, chi tiết. Hằng năm, xã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân nghèo, sau đó tùy theo nhóm để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Chủ trương của xã phù hợp với định hướng của huyện là hỗ trợ các hộ yếu thế theo hướng đa chiều, quan tâm tới các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Với cách làm linh hoạt, trên cơ sở rà soát từng hộ, xã Tây Giang xác định với hộ có nghề nhưng thiếu vốn, xã sẽ hướng dẫn để họ được tiếp cận tín dụng chính sách. Với hộ tuy có nghề nhưng chưa cập nhật kiến thức, công nghệ, thiếu thông tin về khâu tiêu thụ, xã sẽ kết hợp với huyện, tỉnh để giúp họ được bổ sung các thứ còn thiếu, kết nối với doanh nghiệp để họ có thể bán sản phẩm thuận lợi… Với những hộ già cả, neo đơn, không còn sức lao động, xã xác định chủ động hỗ trợ, chăm sóc họ.
9 tháng đầu năm nay, tại xã này có 22 hộ nghèo, cận nghèo tại xã được hỗ trợ nhà ở; 46 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được giải ngân cho vốn với số tiền 3,64 tỷ đồng; 484 thẻ BHYT được cấp, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo; họ còn được tiếp cận nước sạch, tiếp cận công nghệ thông tin…
Bám sát thường xuyên, động viên kịp thời, xoá bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại
Việc bám sát, đốc thúc, động viên hỗ trợ kịp thời người dân giảm nghèo cũng rất quan trọng. Ban Chỉ đạo Công tác giảm nghèo của xã Sơn Mùa phân công các thành viên phụ trách từng thôn; từ đây, các thôn, tổ chức đoàn thể lại được phân công phụ trách đến từng hộ nghèo “cầm tay, chỉ việc". Nhờ vậy, năm 2023, xã Sơn Mùa có 50 hộ thoát nghèo, đưa số hộ nghèo toàn xã về 181, tương đương tỷ lệ 21,41%.
Đây cũng là cách làm nhiều địa phương tại Quảng Ngãi thực hiện. Đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.
Theo đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ người dân miền núi thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tỉnh đổi mới biện pháp, cách thức hỗ trợ hộ nghèo theo hướng giảm "cho không"; rà soát điều chỉnh các chính sách mang tính bao cấp, làm nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. "Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách, nguồn lực cho các đối tượng có ý chí, khát vọng và chủ động vươn lên thoát nghèo", Chỉ thị của tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ.