Trước đây, đường vào các bản của xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là đường đất, nắng bụi mưa lầy. Nhưng giờ đây, những tuyến đường này đã được cứng hóa từ sự đóng góp tích cực của người dân. Cảnh quan môi trường thoáng đãng, xanh - sạch - đẹp; những ngôi nhà khang trang gắn biển homestay trang trí nhiều màu sắc.
Chị Nguyễn Thị Hồng, một người dân xã Mường Báng cho hay, tham gia xây dựng nông thôn mới, chị và những người phụ nữ khác trong xã đều tích cực thực hiện trồng cây xanh, hoa, cây cảnh tại các khu vực công cộng; tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang đường thôn. Nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ tường bao, hàng rào để hiến đất mở rộng đường giao thông.
Được biết, sau khi thay đổi địa giới hành chính, xã Mường Báng từ chỗ có 29 thôn, bản thì chỉ còn 13 thôn, bản và trở về xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, khi bắt đầu lại công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã Mường Báng đã xác định lấy cấp thôn, bản làm hạt nhân để nhân rộng và đến nay, những thành quả đã làm thay đổi diện mạo từng thôn/bản. Ba bản là Tiên Phong, Phai Tung, Noong Hung đã được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản đã giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Đó cũng là cách tạo nên diện mạo mới hiệu quả nhất cho các thôn, bản.
Tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra sự đột phá, thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, xanh, sạch đẹp và an toàn.
Trong 19 tiêu chí nông thôn mới thì 2 tiêu chí quan trọng và khó thực hiện nhất là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Để thực hiện 2 tiêu chí này, Đảng ủy, chính quyền xã Noong Hẹt tích cực vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân vươn lên, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, xã tập trung hỗ trợ 2 bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao là bản Bông và bản Noong Bua.
Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, đối với 2 bản đặc biệt khó khăn, xã ưu tiên mọi nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.
Đồng thời rà soát hộ nghèo còn khó khăn để vận động, xã hội hóa kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm. Mọi nỗ lực đã được đền đáp bằng kết quả tích cực: Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của bản Bông là 26,8%, đến năm 2023 giảm còn 10,84%; bản Noong Bua giảm từ 27,27% xuống 12,4%. Xã phấn đấu đến năm 2025 đưa 2 bản này ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, quá trình xây dựng nông thôn mới lại gặp khó khăn ở Tiêu chí giao thông. Để khắc phục điều này, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức để người dân hiểu, đồng thuận và tự nguyện tham gia. Nhờ đó, Mường Pồn đã trích 180 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng hoàn thành các hạng mục phụ trợ cho nhà văn hóa, mở rộng đường nội bản và làm đường nhánh đến từng nhà. Chính vì thế, Tiêu chí giao thông tại đây dần được xã cải thiện và hoàn thành.
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương khác trong tỉnh Điện Biên cũng đã có những cách làm sáng tạo riêng trong thực hiện các tiêu chí. Đó chính là sự kết hợp giữa nguồn lực từ nhân dân với sự đầu tư của nhà nước.
Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh Điện Biên đã có 51 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 18,252 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 30,94%; số tiêu chí nông thôn mới, bình quân của cấp xã đạt 14,12 tiêu chí/xã; có 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn Điện Biên đang đổi thay và khởi sắc.
Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung hỗ trợ đầu tư hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Huy động mọi nguồn lực, nhất là lồng ghép các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tỉnh Điện Biên cũng phấn đấu đến năm 2025 có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, kiểu mẫu, 9 xã đạt nông thôn mới, nâng cao, 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, 650 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới, kiểu mẫu. Trong đó, thị xã Mường Lay và Thành phố Điện Biên Phủ phấn đấu là đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.