LTS: Người ta thường nói "ngoại giao chính trị thúc đẩy ngoại giao kinh tế". Nhưng trong một số ít trường hợp, từ mối quan hệ kinh tế là nảy sinh nhu cầu về chính trị. Mối quan hệ của Việt Nam với Israel, được thiết lập cách đây đúng 20 năm, cũng bắt nguồn từ chuyến đi trước đó 2 năm của một chuyên gia kinh tế, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Phạm Chi Lan.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel và sứ quán Israel được mở ở Việt Nam, Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc phỏng vấn với bà Phạm Chi Lan.
Nước nhỏ mà dám đánh nhau với mấy nước lớn
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh Hoàng Ngọc) |
Chuyến đi tại sao lại được tổ chức, thưa bà?
Tháng 8.1991, chúng tôi trình được đề án tổ chức chuyến đi khảo sát Israel. Đề án của chúng tôi được ông Vũ Khoan, Thứ trưởng Ngoại giao, ủng hộ. Văn phòng Chính phủ, với toàn những người đầu óc mở và cải cách, cũng rất ủng hộ, để thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt tay với các công ty Israel.
Sở dĩ có đề xuất như vậy, bởi vì trước đó, VCCI có tiếp xúc với một số công ty Israel trong khu vực, từ Singapore và Hồng Kông. Họ đã vào Việt Nam từ năm 1988 để xem xét xem Việt Nam đổi mới thế nào, có cơ hội gì làm ăn hay không.
Hồi đó, họ vào Việt Nam với sự cho phép của chính phủ (đối với thị trường nhạy cảm), nhưng rất may trong không khí vừa đổi mới, lại vừa chịu sự cấm vận của Mỹ, chính phủ lại rất thoáng, cho phép mở những kênh mới là Hàn Quốc, Đài Loan và Israel - 3 kênh Việt Nam không có quan hệ ngoại giao chính thức - qua kênh VCCI là tổ chức phi chính phủ.
Sau những lần làm việc với các doanh nghiệp Israel từ khu vực, chúng tôi tiến bước nữa là mời Phòng Thương mại Israel từ Tel Aviv sang Việt Nam, vào năm 1989. Vào Việt Nam, thấy cũng có triển vọng, họ mới mời lại VCCI sang đó.
Tôi được làm trưởng đoàn. Đoàn có thêm một người của Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Quang Khai (sau này là đại sứ Việt Nam tại Israel), để tham dò khả năng mở quan hệ, cũng như phản ứng của các nước Ả rập ở Trung Đông, và một người của Bộ Thương mại, ông Ngô Luân, phụ trách về thi trường Trung Đông và Bắc Phi, về khả năng mở quan hệ thương mại.
Sang bên đó, cơ quan nào đã đón mình?
Bộ Ngoại giao là chủ yếu. Người tiếp chúng tôi là Tổng Vụ trưởng Bộ Ngoại giao J. Hadass, người sau đó một năm rưỡi đã sang thăm Việt Nam.
Chúng tôi cũng thăm nơi làm việc của David Matnai, người 2 năm sau trở thành đại sứ đầu tiên của Israel tại Việt Nam. Ông này phụ trách về Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và ông này rất thích Việt Nam. Vào phòng ông này thấy có tượng Hồ Chí Minh. Và trong các bức tranh thì có bức chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (kiểu như áp phích của mình), và một số cờ Việt Nam nho nhỏ.
Chúng tôi hỏi tại sao ông có những thứ đấy, ông ấy nói rằng đoàn Phòng Thương mại Israel sang Việt Nam về đã cho ông, vì biết ông thích Việt Nam. Khi Phòng Thương mại Israel sang Việt Nam, ông đã lo thủ tục cho họ. Ông dặn phải mang về những kỷ niệm về hai nhân vật mà ông rất yêu quí là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Họ tìm thấy sự tương tự...
Đúng thế. Chúng tôi có tiếp xúc với một số công ty, họ thấy Việt Nam là gần gũi với họ nhất. Bởi vì Việt Nam là nước nhỏ mà dám đánh nhau với mấy nước lớn và chiến thắng, trong khi đó Israel là một nước nhỏ, bị bao vây bởi thế giới Ả rập hơn 300 triệu dân, và họ cũng chiến thắng.
Tức là Israel không bị ám ảnh bởi mặc cảm rằng Mỹ là đồng minh của Israel, và Việt Nam đã thắng Mỹ?
Đúng thế. Thậm chí, họ còn không biểu hiện cái mặc cảm là Việt Nam thân với Liên Xô, vốn là nước ủng hộ Ả rập trong cuộc chiến với Israel. Họ cũng không hề đả động tới những tuyên bố trước nay của Việt Nam về họ trong cuộc chiến với thế giới Ả rập. Họ cứ nhắc đi nhắc là điểm tương đồng giữa hai nước trong thế giới hiện đại là cùng là nước nhỏ mà không sợ nước lớn.
Chính ông Tổng Vụ trưởng đã nhắc đi nhắc lại cái ý rằng Israel muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, bởi 2 nước như thế này phải gắn bó với nhau, để cùng phát triển.
Và kết quả của chuyến đi là mở ra mối quan hệ về ngoại giao năm 1993?
Trên đường về, tôi nói với ông Khai là nhiệm vụ của chúng tôi là phải báo cáo cấp trên để triển khai mối quan hệ chính thức, bởi có quan hệ chính thức thì mới làm ăn thuận lợi được. Tôi thấy có rất nhiều thứ Israel có thể trao đổi, làm ăn với Việt Nam.
Xe tăng chiến đấu chủ lực nâng cấp T-55M3 -gói nâng cấp mạnh nhất của T-55 tại Việt Nam được thực hiện với sự hợp tác giúp đỡ của Israel. Ảnh Internet |
Điều làm tôi giật mình
Trong khi đó, thái độ của Việt Nam với Israel thế nào?
Trước khi chúng tôi đi, thông tin ở Việt Nam về Israel nói chung ít, và có thì nói chung là xấu. Lý do tại sao thì anh biết rồi đấy.
Dù rằng tôi không đi Israel với trang bị ban đầu bằng thông tin trên báo chí, bởi làm ở VCCI ở những năm Việt Nam còn rất khép về thông tin, chúng tôi có thuận lợi lớn là có những kênh để tìm kiếm những thông tin khác với thông tin được cung cấp một chiều, qua Israel tôi vẫn thấy ngỡ ngàng, nếu không nói là giật mình.
Một trong những điều đầu tiên làm tôi giật mình là thông tin về lịch sử của Israel, khi trong nước chỉ có khoảng 5 triệu người, trong khi khoảng 7 triệu người sống ở các nước khác trên thế giới. Tôi được biết rằng có một lời nguyền của Chúa Jesus đối với Judas, tông đồ người Do Thái đã phản ông ấy, rằng nếu dân tộc Do Thái tụ tập lại ở một nơi, thì thế giới sẽ diệt vong.
Người Israel có thể không tin ở lời nguyền đó, nhưng rất ý thức xử sự với thế giới theo cách đó, tức là không tụ tập dân tộc ở một nơi. Bằng cách đó, người Israel đã giúp cho dân tộc mình biến khó khăn, thách thức, thành thuận lợi, tức là khả năng toàn cầu hóa rất cao.
Điều giật mình thứ hai là chúng tôi tiếp xúc với một Tướng Israel đã nghỉ hưu, Tổng Tư lệnh của quân đội Israel đã chiến thắng người Ả rập ở Cao nguyên Golan năm 1967. Ông này nghe tin có đoàn Việt Nam sang đã khẩn khoản xin được gặp chúng tôi.
Trong cuộc gặp đấy, ở một quán cà phê, ông nói rằng động lực tinh thần cho thắng lợi của Israel chính là hình ảnh của Việt Nam ở Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi chỉ huy quân sĩ chiến đấu trong vòng vây của kẻ địch, ông chỉ nghĩ rằng người Việt Nam đã đạt được thắng lợi như vậy trong cuộc chiến với người Pháp, và Israel cũng phải cố gắng đạt được điều tương tự.
Chúng tôi rất ấn tượng khi nghe câu chuyện đó, và rất thiết tha mời ông có dịp sang Việt Nam. Ông ấy nói rằng đó cũng là mong muốn của ông, và ông muốn gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Rất tiếc sau đó ít lâu, các bạn Israel báo cho tôi rằng ông đã bị mất vì đau tim.
Trong chuyến đi đó, bà đi những nơi nào, tiếp xúc những ai, và mở ra những cơ hội gì?
Trong khoảng 5 ngày ở đó, chúng tôi tiếp xúc với Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại, và mấy tập đoàn công ty lớn.
Họ giới thiệu với chúng tôi những thế mạnh của họ gồm công nghệ cao, công nghệ thông tin, y tế, và nông nghiệp, ở trình độ phát triển rất cao.
Người Israel giải thích với tôi rằng dân tộc Israel mãi về sau này mới được ở cùng với nhau (1948), đặc biệt sau sự thảm sát của Phát xít Đức, nên muốn tồn tại được phải rất mạnh khoẻ, đặc biệt ở vùng đất sa mạc, chính vì vậy người Israel có một trình độ y tế cao.
Thế còn công nghệ cao thì ý chí họ rất đơn giản là ở vùng đất hoang tàn như Israel cần phải tìm một thế mạnh riêng cho mình trên cơ sở một thế mạnh là trí tuệ.
Nông nghiệp Israel phát triển được là nhờ công nghệ cao. Những người Israel đã đi Việt Nam kể rằng Việt Nam được thừa hưởng mảnh đất có ưu thế thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhưng không hiểu tại sao chất lượng quá thấp, và Israel muốn giới thiệu mô hình và các kỹ thuật cao của Israel để Việt Nam học tập.
Tôi đã đến thăm chỗ họ trồng cà chua, năng suất rất cao (50 tấn trên một héc ta, so với Việt Nam là vài tấn một héc ta). Tôi nhìn cây cà chua của họ trĩu trịt quả, loại cà chua không hột, thịt rất đặc, vỏ mỏng, nhưng rất vững chắc. "Như vậy chúng tôi mới bán sang châu Âu được với giá 2 USD một ki lô", họ nói.
Loại cà chua này đã được nhập vào trồng ở Việt Nam, nên ở Hà Nội nhiều người cứ tưởng là cà chua Trung Quốc, vì mùa hè cũng có.
Hay họ dẫn đi thăm vườn cam, trồng bạt ngàn, trong khi đất trồng cam rất cằn cỗi. Và, lần đầu tiên, tôi đã được tham quan hệ thống tưới nhỏ giọt của họ. Sau này, cách đây ba năm, Đặng Lê Nguyên Vũ mới đưa về, và thử nghiệm cho người nông dân trồng cà phê. Vừa tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm sức lao động, vừa điều tiết được những chất cần thiết cho cây trong từng thời kỳ một.
(Còn nữa)
Huỳnh Phan (Thực hiện)
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam
Bài cùng tác giả:
Ai cho Việt Nam vay? Ai cho Việt Nam vay? Cho vay trên cơ sở nào khi các rủi ro cấu trúc chưa có phương án xử lý tổng thể mang tính thuyết phục cao? Hàn Quốc đã thành công, ta vẫn loay hoay
"Cùng một xuất phát điểm mà Hàn Quốc đã thành công. Còn ta, trong cùng một khoảng thời gian đó, vẫn loay hoay giải quyết những yếu tố cơ bản của kinh tế thị trường"- PGS-TS Trần Đình Thiên. Sau khi trả giá đắt, mới nhớ ra... bài học
"Chúng ta quên mất rằng, trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, tốc độ là thuộc tính cơ bản của phát triển" - PGS-TS Trần Đình Thiên. |