Không thể không nhắc đến chuyến tàu "Kết nối di sản miền Trung" Huế - Đà Nẵng và "Hành trình đêm Đà Lạt".  

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh hào hứng nói, ngày 26/3 đơn vị đã khai trương đoàn tàu “kết nối di sản miền Trung” từ Huế - Đà Nẵng và ngược lại.  

Chỉ với thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua đèo Hải Vân – nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” để đến với Đà Nẵng – nơi sở hữu bờ biển dài được tôn vinh là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh. 

W-tau-dem-da-lat-4.jpeg
Chuyến tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: Thanh Nhung

“Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam – Bắc với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông.

Đặc biệt, với 2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng hay buổi chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp nhất hiện nay”, ông Mạnh thông tin.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, kể từ khi đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” luôn đông khách đặt vé. Những dịp cuối tuần, lượng vé bán ra luôn đạt 70%. 

Thư thái ngắm Đà Lạt đêm qua những ô cửa tàu 

Cùng với ga Hải Phòng, ga Đà Lạt do người Pháp xây dựng từ năm 1928 được xếp loại cổ nhất Đông Dương. Qua biến thiên của lịch sử, tuyến đường sắt Đà Lạt- Tháp Chàm chỉ còn duy trì 6,7km từ Đà Lạt - Trại Mát nhưng cũng thưa vắng người đi. Nơi đây chỉ còn là điểm check-in của du khách đến Đà Lạt. Đây cũng là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam phục vụ du khách tham quan thành phố Đà Lạt. 

W-t192u-hue-d192-nang.jpeg
Dịch vụ trên các chuyến tàu du lịch được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Thanh Nhung 

Ngoài 5 đôi tàu chạy thường xuyên vào ban ngày, tối 14/4 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã mở thêm đôi tàu chạy đêm tuyến Đà Lạt – Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”. 

Từng đi tàu Huế - Đà Nẵng, chị Mai Thị Xuân Quỳnh là một trong những du khách đầu tiên trải nghiệm chuyến tàu đêm Đà Lạt. Chị cho biết: “Tàu chạy tốc độ vừa phải (khoảng 1h đi và về), chúng tôi có thể vừa ăn uống, vừa ngắm thành phố Đà Lạt về đêm lung linh. Tất cả đều chìm đắm trong thanh âm của dàn nhạc được nhà ga bố trí sẵn phục vụ du khách. Đây là những điểm khác lạ mà tàu Huế - Đà Nẵng không có”. 

W-am-nhac-tren-tau-8.jpeg
Âm nhạc được mang lên tàu hoả tuyến Đà Lạt - Trại Mát. Ảnh: Thanh Nhung 

Ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, năm 2023, Tổng công ty đã thực hiện chỉnh trang, nâng cấp nhà ga, nâng cấp toa tàu tuyến Đà Lạt- Trại Mát… Đơn vị đã  đưa âm nhạc, wifi miễn phí, tổ chức đám cưới trên tàu… Những tiện ích này nhận được sự quan tâm, thích thú của du khách đến với Đà Lạt.

Nhằm cung cấp một sản phẩm độc đáo, góp phần phát triển du lịch và kinh tế Đà Lạt về đêm, chuyến tàu “Hành trình đêm Đà Lạt” được triển khai mang đến cho du khách cảm giác thoải máu thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng, huyền ảo, lung linh về đêm của Đà Lạt.

“Ngoài nhiệm vụ vận tải khách, vận tải hàng, chúng tôi còn mong muốn được chia sẻ các giá trị riêng có đến với cộng đồng. Hành trình đi tàu để du lịch, để trải nghiệm, con tàu là điểm “check-in di động”, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản”, ông Mạnh thông tin. 

W-du-khach-thich-thu-trai-nghiem-4.jpeg
Hành khách thích thú trải nghiệm bữa ăn tự chọn ở trên tàu. Ảnh: Thanh Nhung 

Còn bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không khỏi tự hào khi thành phố có một tuyến xe lửa cổ nổi tiếng – đó là nhà ga xe lửa Đà Lạt. 

Việc khởi động tuyến đường sắt đêm Đà Lạt là một trong những hoạt động hiện thực hoá chủ trương bảo tồn di sản, phát triển du lịch gắn với những địa danh mang tính chất lịch sử.

Theo bà Loan, ga Đà Lạt là một danh thắng được công nhận cấp quốc gia vì thế, việc vận hành tuyến đường sắt “Hành trình đêm Đà Lạt” là một trong những đòn bẩy, tiền đề góp phần phát triển thành phố cũng như tạo điểm đến ấn tượng khó quên trong lòng du khách trong và ngoài nước.  

Đường sắt Việt Nam ra đời 143 năm, tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu có mạng lưới 3.143km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 300 khu ga, đa số các khu ga ở trung tâm thành phố, huyện lỵ. Đến nay, nhiều khu ga đường sắt được gìn giữ nguyên bản. 

Năm 2023, Tạp chí danh tiếng Leony Playnets đã bình chọn tuyến Đường sắt Hà Nội – TP. HCM dài 1.726km là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới.