Trở về quê ở vùng nông thôn tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) để đón Tết Nguyên đán, năm nào cũng vậy Liu được bố mẹ sắp xếp cho hàng loạt cuộc xem mặt, theo The Guardian.
Hơn một tuần nghỉ Tết, anh gặp 6 cô gái khác nhau, đều được giới thiệu là những "đối tượng tiềm năng". Đối với Liu, quá trình mệt mỏi này không khác gì phỏng vấn xin việc.
Cùng lúc đó, Jin, người làm việc với Liu trong các nhà máy ở vùng đồng bằng Châu Giang, cũng không thoát khỏi việc bị gia đình gán ghép, mai mối. Jin kể anh từng có một buổi xem mặt khá khó xử tại nhà cộng đồng thôn, nơi người mai mối đã bỏ lại anh và cô gái rồi ra về.
"Cô gái đó nói rõ rằng tôi nhất định phải sở hữu nhà riêng, việc xe cộ có thể tính sau. Cô ấy có thể chấp nhận việc ngôi nhà không nằm ở trung tâm thị trấn, nhưng tôi phải đặt cọc ít nhất 200.000 NDT nếu muốn cưới xin", Jin kể.
Trung Quốc là một trong những quốc gia mất cân bằng về giới tính nhất trên thế giới, với tỷ lệ trẻ sinh ra là 114 nam/100 nữ. Ảnh: New York Times. |
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát động nhiều chiến dịch cảnh báo các cô gái thành thị trên 27 tuổi chưa lập gia đình về nguy cơ trở thành "phụ nữ còn sót lại". Thế nhưng trên thực tế, do phá thai chọn lọc giới tính, chính sách một con và quan niệm trọng nam khinh nữ, nhóm “đàn ông còn sót lại” ở nông thôn thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Liu và Jin nói rằng một trong những nguyên nhân chính khiến họ không thể tìm bạn đời là do địa vị xã hội thấp. Cùng với khoảng 278 triệu công nhân nhập cư từ các tỉnh nông thôn khác, họ là xương sống của các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ cực kỳ thành công của đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, họ cũng chính là hiện thân của những vấn đề nan giải nhất của Trung Quốc nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung: bất bình đẳng giới, phân biệt vùng miền.
Đàn ông ế vợ vùng nông thôn
Năm 2010, một cuộc khảo sát được thực hiện với hàng nghìn người di cư nông thôn tại 10 thành phố trên khắp Trung Quốc, kết luận rằng cô độc, thiếu trải nghiệm lãng mạn là tình cảnh chung của nhóm này.
Một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy hơn 70% công nhân xây dựng (hầu hết là người gốc nông thôn) nói rằng cô đơn là điều đau khổ nhất trong cuộc sống của họ.
Liu (33 tuổi) đã sớm bỏ học để phụ giúp cha mẹ trong trang trại gia đình. Vài năm sau, thanh niên này mạo hiểm lên vùng biên giới tìm việc với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn.
Hàng triệu đàn ông nông thôn Trung Quốc có nguy cơ không thể cưới vợ. Ảnh: Medium. |
Không có trình độ học vấn cao, Liu chỉ đủ tiêu chuẩn để làm những công việc ít an toàn, tay nghề thấp. Anh làm việc 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần với mức lương bèo bọt.
Thực tế này khiến Liu gần như không có cơ hội hẹn hò. "Không phải vì tôi nhút nhát. Tôi chỉ không có đủ tiền để cảm thấy tự tin. Phụ nữ chỉ cảm thấy an tâm bên một người bạn trai có kinh tế tốt", anh nói với The Guardian.
Liu không quá lo lắng về sự cô đơn của chính mình nhưng anh cảm thấy có lỗi vì làm cha mẹ thất vọng. "Họ đã hy sinh rất nhiều để nuôi dưỡng tôi, và tất cả những gì họ muốn là thấy tôi kết hôn. Nhưng tôi không thể cho họ điều đó. Là con trai duy nhất tôi cũng chịu nhiều áp lực từ người nhà".
Truyền thống nối dõi tông đường rất phổ biến ở châu Á. Nhiều bậc cha mẹ nông thôn sẽ coi đó là một thất bại khủng khiếp nếu con trai của họ không tìm được vợ và sinh con.
Hệ thống "hukou" phân biệt nông thôn - thành thị
Ngoài kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến nam giới ở các vùng nông thôn ngày càng khó tìm vợ. Mất cân bằng giới tính khiến số lượng "đàn ông còn sót lại" ngày càng nhiều.
Phụ nữ vùng nông thôn vốn đã ít cũng tìm cách chuyển lên thành thị làm việc, sinh sống. Trong khi đó, tại các đô thị lớn, xu hướng độc thân ngày càng phổ biến, cả nam lẫn nữ đều không mặn mà với chuyện lập gia đình.
Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân này vẫn còn một lý do lớn hơn, đó là sự phân biệt vùng miền ăn sâu trong tư tưởng, văn hóa nhiều nước châu Á. Theo Viện Khảo sát Khoa học Xã hội của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc được xếp hạng là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên thế giới.
Sự bất bình đẳng này được thể hiện rất rõ thông qua hệ thống "hukou" (hộ khẩu). Kể từ những năm 1950, hukou đã phân chia rạch ròi dân số thành thành thị và nông thôn để giới cầm quyền của Trung Quốc có thể kiểm soát tốt hơn vùng nông thôn rộng lớn.
Hệ thống "hukou" phân biệt dân thành thị và nông thôn. Ảnh: Radii China. |
Ngày nay, phần lớn đời sống kinh tế của Trung Quốc đã được thay đổi, nhưng các yếu tố chính của hukou vẫn còn. Ngay cả những người gốc nông thôn đã sống và làm việc ở thành phố trong nhiều năm, có đóng góp to lớn vào sự thịnh vượng của thành phố, vẫn không có cơ hội tiếp cận việc làm, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe như những cư dân thành thị đăng ký chính thức.
Khoảng 2/3 lực lượng lao động nhập cư ở độ tuổi dưới 35, như Liu và Jin ở Thâm Quyến, không quan tâm đến cuộc sống ở những ngôi làng bị bỏ lại sau sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc. Nhưng triển vọng định cư ở các thành phố lớn của họ cũng không khá hơn những thế hệ trước là bao.
Họ không thể kiếm đủ tiền để sở hữu một ngôi nhà hay một chiếc xe hơi - những điều kiện tiên quyết để bắt đầu hôn nhân của tầng lớp trung lưu thành thị.
Giải pháp mai mối gây tranh cãi
Để khẩn trương giải quyết tình trạng số người chưa kết hôn ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, Ngô Tu Minh, Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Tổ chức tư vấn Sơn Tây, đã đề xuất mai mối phụ nữ "ế chồng" ở thành thị với đàn ông nông thôn chưa lập gia đình.
Theo chuyên gia này, phụ nữ độc thân ở thành thị nên chuyển đến sinh sống ở các vùng nông thôn, nơi hàng triệu đàn ông chưa vợ đang tìm kiếm cô dâu, South China Morning Post cho biết. Ông nói phụ nữ không nên "cảm thấy sợ hãi khi đến sống ở các làng quê".
Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản đối rất gay gắt. Sharon Sun, phụ nữ độc thân 38 tuổi làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Thượng Hải, cho biết cô chưa bao giờ coi những người đàn ông nông thôn là đối tượng tiềm năng để kết hôn.
“Tôi không thể hẹn hò với một người đàn ông nông thôn. Kể cả khi không có đàn ông nào khác trên thế giới này, điều đó cũng không thể xảy ra”, cô nói với South China Morning Post.
Đàn ông nông thôn không thể cưới vợ chủ yếu vì áp lực tài chính, trong khi phụ nữ thành thị độc thân vì muốn tận hưởng cuộc sống độc lập và không muốn hy sinh sự nghiệp để kết hôn và sinh con.Lã Đức Văn, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, nói với trang tin Thepaper.cn rằng giải pháp "mai mối" của ông Ngô đã không xét đến toàn bộ những lý do khiến nhiều người chọn sống độc thân.
Ngoài ra, trước khi nghĩ đến chuyện mai mối phụ nữ thành thị với đàn ông nông thôn hay thậm chí ngược lại, điều đầu tiên cần tính đến là phải xóa bỏ sự phân biệt vùng miền mà tiêu biểu là hệ thống hukou.
"Việc bãi bỏ hukou là rất quan trọng để làm cầu nối giữa nông thôn và thành thị. Nó giúp những người di cư từ vùng nông thôn có thêm cơ hội, đồng thời thu hẹp khoảng cách với tầng lớp trung lưu thành thị", Giáo sư Wanning Sun (Trường Kinh tế London) nhận định.
Những phụ nữ Nhật lấy chồng Triều Tiên, một đời không được về quê
Bà Mitsuko rời Nhật Bản để xây dựng một cuộc sống mới ở Triều Tiên vào năm 1960. Nhưng khi đặt chân tới đất nước này, bà mới biết rằng bà và hàng trăm người khác giống như bà có thể không bao giờ được quay trở lại quê hương.
Theo Zing