Hàng loạt tuyến cao tốc đã, đang và được khởi công, thông xe, khánh thành làm hơn 20 triệu dân ĐBSCL nức lòng và kỳ vọng phát triển kinh tế của vùng này.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 20 triệu dân với thế mạnh nông nghiệp to lớn, đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây. Tuy nhiên, do nút thắt về giao thông nên chưa phát huy hết những lợi thế ấy.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khoảng 830km đường cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ.
Đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ĐBSCL có tổng chiều dài hệ thống đường cao tốc vào khoảng 1.166km, gồm 3 trục dọc kết nối với các tỉnh thành Đông Nam Bộ; 3 trục ngang sẽ tăng cường hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.
Trong đó, 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575km gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía đông (TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau) dài 245km, quy mô 4-6 làn xe; cao tốc Bắc - Nam phía tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài 180km, quy mô 6 làn xe và cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km, quy mô 4 làn xe.
Ba tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591km gồm: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km; cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km; cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188km.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km cao tốc, gồm đoạn Bến Lức - Trung Lương (40km); Trung Lương - Mỹ Thuận (51km); Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29km); Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51km).
Còn 8 dự án đang thực hiện thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km.
Dự kiến, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL có khoảng 544km đường cao tốc.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, rộng 16m, gồm 4 làn xe, giai đoạn đầu không có làn khẩn cấp; tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, được khánh thành đưa vào sử dụng vào tháng 4/2022.
Từ khi đi vào hoạt động, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giúp giảm tải giao thông cho Quốc lộ 1 dịp cao điểm Tết, rút ngắn thời gian TP.HCM đi miền Tây.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công đầu năm 2021, tổng chiều dài gần 23km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Tuyến đường được thiết kế 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32m.
Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư tuyến cao tốc này là 4.826 tỷ đồng. Dự kiến, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào khai thác năm 2023.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100km/h, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe.
Tuyến cao tốc này đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, với hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng được 97km, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, dài 188km, đi qua tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư 44.700 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc sẽ được kết nối vào cảng biển Trần Đề, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang. Các địa phương có dự án đi qua đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng yêu cầu tiến độ.
Đoạn Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn 1) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào tháng 12/2021. Dự án có tổng chiều dài 26km, quy mô cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 4.770 tỷ đồng.
Nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài khoảng 28,8km, đi qua tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ, với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng để thảm tăng cường mặt đường bằng bê tông nhựa; bố trí lại làn xe, tách riêng phần xe máy và xe thô sơ lưu thông trên đường gom.
Đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài khoảng 51,5km, đi qua TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Tháng 11/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng để thảm tăng cường mặt đường, mở rộng các đoạn dừng xe khẩn cấp, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông.
Hiện chủ đầu tư đang triển khai công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công vào quý IV/2023 và hoàn thành trong năm 2024.
Đoạn Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1), dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 6/2022; tổng chiều dài khoảng 27,43km, đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp); điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Sơ bộ tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng, giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m; vận tốc khai thác 80 km/h. Dự án được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027.
Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài khoảng 6,61km bắc qua sông Tiền, đi qua địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long; kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM - Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành; công tác triển khai thi công đạt hơn 70% giá trị các hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Phần đường và cầu dẫn đã cơ bản hoàn thành, phần cầu chính hiện đã thi công xong trụ tháp, đã căng cáp dây văng cho đốt dầm đầu tiên, hoàn thành dự án trong năm 2023.
Cầu Rạch Miễu 2 bắc ngang sông Tiền nối liền tỉnh Tiền Giang - Bến Tre, cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km về phía thượng lưu sông Tiền.
Công trình dài 17,6 km, có tổng vốn đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng. Sau gần 1 năm khởi công, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công chậm.
Đến nay, tỉnh Bến Tre đã bàn giao mặt bằng gần 80%; còn phía Tiền Giang mới bàn giao mặt bằng được khoảng 30%. Nguyên nhân chính là do tư vấn không sát nên chi phí phát sinh trong giải phóng mặt bằng.
Ngoài các dự án nói trên, còn có các công trình giao thông quan trọng ở ĐBSCL như: Cầu Đại Ngãi nối qua tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Cầu Đình Khao nối hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long dự kiến được xây dựng với kinh phí hơn 3.200 tỷ đồng. Đường ven biển miền Tây, đoạn qua Bến Tre dài 53km, tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng….