Cháy cung điện Pha Lê năm 1936
Cung điện Pha Lê là một tòa nhà bằng thủy tinh và sắt, ban đầu được dựng lên trong công viên Hyde ở London, Anh để phục vụ cho Đại Triển lãm thế giới năm 1851. Công trình này do Joseph Paxton, người đứng đầu Hội những người làm vườn tại Chatsworth, London thiết kế. Tòa nhà có tổng chiều dài 555m, rộng 122m, bao gồm một tháp ở phía bắc và một tháp ở phía nam.
Sau khi triển lãm kết thúc, cung điện Pha Lê đã được tháo dỡ và di dời đến một khu đất có tên là quảng trường Penge vào năm 1852. Trong những năm sau đó, kiến trúc này đã trở thành điểm đến ưa thích, là nơi tổ chức nhiều chương trình ca nhạc, hòa nhạc, lễ hội lớn thu hút hàng nghìn người tham dự…
Cung điện Pha Lê đã trở thành biểu tượng kiến trúc, biểu tượng sức mạnh và quyền lực của Anh trong thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, vào ngày 30/11/1936, công trình đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn kéo dài nhiều giờ, chỉ còn lại hai tháp nước và một phần toà tháp phía bắc.
Khi Thế chiến II nổ ra, chính phủ Anh buộc phải phá hủy toàn bộ những gì còn sót lại của cung điện Pha Lê. Mặc dù không còn tồn tại nhưng công trình này đã trở thành mô hình mẫu cho nhiều toà nhà triển lãm khác trên thế giới: Cung Thủy Tinh New York (1853), Glaspalast ở Đức (1854) và Palacio de Cristal tại Porto - Bồ Đào Nha (1865).
Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia của Ấn Độ bị thiêu rụi năm 2016
Hiện trường vụ cháy. (Ảnh dnaindia) |
Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia của Ấn Độ được lập năm 1972 và mở cửa năm 1978 tại trung tâm thủ đô New Delhi.. Bên trong bảo tàng 6 tầng trưng bày các mẫu vật bò sát, khủng long và các loài động vật khác.
Vào khoảng 1h45 phút ngày 26/4/2016, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra và thiêu rụi hoàn toàn công trình kiến trúc này.
Rất may, do bảo tàng thường xuyên thay đổi các hiện vật trưng bày nên nhiều hiện vật đã được "sơ tán" khi đám cháy bùng phát. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều hiện vật quý của bảo tàng bị hư hại nghiêm trọng và không thể phục hồi.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar đã miêu tả vụ hỏa hoạn là "thảm kịch" vì bảo tàng trên là một báu vật quốc gia.
Cháy ngùn ngụt ở bảo tàng 200 năm tuổi của Brazil năm 2018
Ảnh: Sky News |
Vào lúc 19h30 ngày 2/9/2018, Bảo tàng Quốc gia Brazil ở thành phố Rio de Janeiro, nơi trưng bày 20 triệu hiện vật lịch sử, đã bị nhấn chìm trong một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.
Mặc dù không có thương vong song đám cháy đã thiêu rụi 90% bộ sưu tập của bảo tàng. Một số ít mẫu vật vô giá của bảo tàng may mắn còn nguyên vẹn, trong đó có hóa thạch 11.500 năm tuổi được cho là bộ xương người cổ nhất được khai quật ở châu Mỹ.
Bảo tàng Quốc gia Brazil là tổ chức khoa học lâu đời nhất tại Brazil và là một trong những bảo tàng về lịch sử tự nhiên, nhân chủng học lớn nhất châu Mỹ. Nơi đây trưng bày một số bộ sưu tập nổi tiếng bao gồm đồ tạo tác Ai Cập và hóa thạch cổ nhất của loài người được tìm thấy tại Brazil.
Bảo tàng này được thành lập vào năm 1818 và nằm ngay trong cung điện Paco de Sao Cristovao, nơi gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha từng sống vào thế kỷ 19.
Cháy nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 2019
Chiều tối 15/4, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris, Pháp. Đám cháy đã thiêu rụi và làm đổ sụp một phần công trình kiến trúc 850 tuổi.
Dựa theo kết quả điều tra sơ bộ, các công tố viên Pháp tin rằng đám cháy bắt đầu một cách ngẫu nhiên. Họ bác bỏ khả năng đây là một vụ cố tình phóng hỏa hoặc có liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên, cảnh sát Pháp vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân sự cố.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và cam kết sẽ phục hồi toàn bộ nhà thờ. Ông cũng kêu gọi triển khai một chiến dịch tái thiết chú trọng gây quỹ từ các nhà tài trợ và công sức đóng góp của "các tài năng lớn" trên toàn thế giới.
Theo các tài liệu ghi chép, nước Pháp đã phải tốn tới 200 năm để xây dựng và hoàn thành nhà thờ Đức Bà. Công trình được khởi công từ năm 1163 thời Vua Louis VII cùng Giám mục Maurice de Sully và hoàn tất vào năm 1345.
Sầm Hoa