Sau khi bị các đối tượng phạm tội lừa bán sang biên giới, nhiều nạn nhân phải chịu cảnh tủi nhục, bị đánh đập, tra tấn dã man như thời trung cổ hoặc bị ép làm gái mại dâm, lao động khổ sai, trở thành vợ của những người đàn ông bản xứ.

Cuộc sống bị chà đạp, đày đọa cả tinh thần và thể xác khiến họ luôn nung nấu ý định bỏ trốn. Việc được giải cứu về nước với họ không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là sự hồi sinh cuộc sống mới.

{keywords}
Nhiều nạn nhân bị mua bán được giải cứu thành công trong năm 2021.  

Trong các cuộc giải cứu này, lực lượng cảnh sát hình sự là đơn bị chủ chốt. Những năm qua, cơ quan liên ngành cùng một số tổ chức xã hội đã giải cứu thành công nhiều nạn nhân, đưa họ trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Chị V.T là nạn nhân từng được lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam giải cứu từ bên Trung Quốc. Chị kể, gia đình mua chị sống ở vùng núi của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Họ làm ruộng và chăn nuôi. So với các gia đình khác cũng thuộc diện khá giả với ngôi nhà 3 tầng khang trang, không bao giờ thiếu ăn.

Họ mua chị về để làm vợ đứa con tâm thần bất ổn, chỉ biết ngồi 1 góc cười hềnh hệch cả ngày. Những lúc anh ta lên cơn cứ túm lấy chị mà đánh. Ngày nào chị T cũng bị người nhà chồng gọi dậy từ khi trời vẫn còn sẩm tối để ra đồng, làm quần quật từ sáng đến khuya mới nghỉ.

Trước đây, ở Việt Nam chị cũng đã có chồng. Hai vợ chồng nghèo, làm thuê đủ kiểu vẫn thiếu ăn. Nghĩ cảnh chồng con đói khổ, chị định tìm cơ hội đổi đời nên nghe lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” của tay buôn người.

Chị theo chân kẻ đó vượt biên. Công việc lương cao chưa thấy đâu, chị bị bọn chúng đẩy lên một chiếc xe thùng kín mít. Sau đó, chúng bán chị vào gia đình này. Ban đầu, chị sợ hãi, không chịu ở lại, liền bị anh em nhà chồng xúm lại đánh cho một trận.

Biết một thân một mình nơi đất khách, không chống cự được với cả nhà chồng, chị đành chấp nhận kiếp “nô lệ”. Tháng ngày đó, càng bị chà đạp, khao khát được sống đúng nghĩa con người, được trở về bên chồng con càng thôi thúc chị bỏ trốn.

Một lần, nhân lúc cả nhà chồng ngủ say, chị lén ra hành lang tầng 3, liều mình nhảy xuống đất. Sau đó, chị ngất đi. Đến khi tỉnh dậy, chị thấy mình đang ở một ngôi nhà lạ.

Hóa ra, có một người dân trong vùng tốt bụng đi làm sớm, phát hiện chị T bị ngất. Họ đoán chị là nạn nhân bị bán làm vợ tìm cách chạy trốn nên đã đưa chị về nhà chăm sóc. Họ đã nói chuyện với chị bằng vốn tiếng Việt của mình, rồi giúp chị gọi điện thoại về cho bố mẹ ở quê, bảo gửi tiền sang cho chị chữa bệnh và tìm cách giải cứu chị.

Khi nhận được đơn kêu cứu của bố mẹ chị T, công an địa phương đã khẩn trương xác minh thông tin và làm công văn gửi Cục Cảnh sát hình sự xin được hỗ trợ giải cứu nạn nhân.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Cục, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng vào cuộc. Anh liên lạc với nạn nhân V.T qua số điện thoại và webchat mà nạn nhân sử dụng gọi về gia đình.

Do sợ bị gia đình chồng của chị T gọi, nên khi thấy số máy lạ, người cưu mang chị T đã không dám bắt máy. Thượng tá Đinh Văn Trình phải nhắn tin, giới thiệu là cảnh sát Việt Nam để họ tin tưởng và cho gặp chị T. Anh đã động viên nạn nhân bình tĩnh, hỏi chủ nhà về địa điểm mình đang trú chân, gửi tọa độ chị đang ở qua webchat, những đặc điểm cần ghi nhớ ở những nơi gần căn nhà….

Khi có những thông tin cần thiết, anh Trình và các đồng nghiệp đã liên hệ với N. một người Trung Quốc thường xuyên giúp đỡ cảnh sát hình sự Việt Nam trong việc giải cứu các cô gái Việt Nam bị lừa bán sang đất khách. N. đã cùng cảnh sát Việt Nam lập kế hoạch giải cứu cho chị T.

Theo hướng dẫn của các anh, một buổi tối tháng 6/2021, chị T mặc quần áo kín mít, đeo khẩu trang, chạy ra xe ôtô của N.  Vượt qua hơn 300 cây số, N. và chị T đến đồn công an Trung Quốc ở giáp cửa khẩu Cao Bằng (Việt Nam). Cuối tháng 6/2021, Công an Trung Quốc đã trao trả chị T về Việt Nam.

Đến tháng 8/2021, Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam tiếp tục phối hợp với một số cơ sở bên Trung Quốc giải cứu đưa về Việt Nam 2 cô gái tên V và T.

Nếu như V được gia đình cho sử dụng điện thoại, liên lạc với các trinh sát dễ dàng nên việc giải cứu thuận lợi hơn thì cô gái tên T chỉ được dùng điện thoại 1 tuần/ lần. Vì vậy, công tác giải cứu gặp không ít khó khăn.

Với sự kiên trì và nỗ lực của các trinh sát, 2 cô gái đã được giải cứu thành công. Sau thời gian thực hiện cách ly y tế theo quy định, hai cô gái được đưa về ngôi nhà chung của một tổ chức xã hội tạm trú.

Ba nạn nhân kể trên là những trường hợp được Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam thực hiện giải cứu trong năm 2021. Có không ít nạn nhân sau khi được giải cứu thành công đã vượt qua mặc cảm, tự ti, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong mặt trận tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại các địa phương.

Diệp Anh