Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hồi tháng 12 năm ngoái và nhanh chóng trở thành chủng virus corona thống trị toàn cầu, đe dọa thành quả chống đại dịch của một loạt quốc gia.

Tấn công khắp thế giới

Có hàng chục biến thể của virus gây Covid-19. Một số xuất hiện và nhanh chóng biến mất. Một số khác nổi lên và càn quét toàn cầu. Alpha, được phát hiện đầu tiên ở Anh, đã xuất hiện ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Beta được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi đã lan tới 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gamma, được phát hiện đầu tiên ở Brazil, đang hiện diện ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Còn Delta, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã xuất hiện ở ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, "dễ lây truyền nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay". Chủng này gây nên các triệu chứng nghiêm trọng hơn và có khả năng thoát khỏi các kháng thể lớn hơn.

{keywords}
Biểu đồ của Statista thể hiện sự thống trị của biến thể Delta ở các nước tính đến 6/8.

Ở Mỹ, hồi đầu tháng này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thông báo Delta chiếm tới 93% số ca nhiễm mới. Số ca nhập viện và tử vong cũng tăng ở hầu hết các bang.

Mehul Suthar, nhà virus học tại Đại học Emory ở bang Georgia, mô tả: "Mức độ lây nhiễm của virus này và cách nó tự nhân lên ở đường hô hấp trên thật đáng kinh ngạc".

Ở châu Á, một loạt quốc gia chứng kiến số người nhiễm Covid-19 tăng nhanh năm nay.

Trung Quốc nếm trải đợt bùng phát mới ở một số tỉnh, trong khi Nhật Bản có số ca nhiễm tăng chóng mặt. Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật (NIID) ước tính gần 90% ca bệnh được ghi nhận gần đây tại Tokyo và ba tỉnh lân cận Kanagawa, Saitama và Chiba là do Delta.

{keywords}
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hồi tháng 12/2020. Ảnh: UNICEF

Malaysia, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan cũng trong xu hướng tương tự. Theo kết quả khảo sát của Cục Khoa học y tế Thái Lan hôm 10/8, so với hai biến thể Alpha và Beta, Delta có sức tấn công dữ dội nhất, với hơn 90% bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm. 

Độc hơn, dễ lây hơn

Đến nay, cơ chế chính xác khiến Delta dễ lây lan hơn so với các biến thể khác vẫn chưa thực sự rõ ràng nhưng các nghiên cứu mới đây đưa ra một số lý do.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Host & Microbe, từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Kumamoto và Viện Khoa học Weizmann nhận định các đột biến trên protein gai của biến thể Delta có thể tránh miễn dịch tế bào và làm tăng khả năng lây nhiễm.

Một nghiên cứu khác từ Trung Quốc ghi nhận những người bị nhiễm biến thể Delta có trong mũi một lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng ban đầu. Các bệnh nhân nhiễm biến thể này cũng có kết quả xét nghiệm dương tính nhanh hơn: khoảng 4 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, so với 6 ngày của chủng ban đầu. Điều đó cho thấy Delta tái tạo với tốc độ nhanh hơn.

{keywords}
Indonesia đối mặt với làn sóng Covid-19 chết chóc chưa từng có trong những ngày qua. Ảnh: AP

Trong khi đó, các nhà khoa học Nhật Bản xác định chủng Delta không những dễ lây mà còn có độc lực cao hơn các biến thể virus khác.

Trong một nghiên cứu mới, giáo sư Sato Kei thuộc Viện Khoa học y khoa Đại học Tokyo cùng các cộng sự đã tạo ra virus mang đột biến P681R đặc trưng của Delta trong phòng thí nghiệm. Họ nhận thấy hợp bào tạo ra bởi các tế bào nhiễm virus có kích thước to gấp 2,7 lần so với (nếu) nhiễm các biến thể khác. Hợp bào hình thành do virus càng to thì càng dễ gây bệnh.

Trong phòng thí nghiệm, chuột nhiễm virus mang đột biến P681R gầy đi đáng kể - mất thêm 4,7% đến 6,9% cân nặng so với nhiễm biến thể khác.

Các triệu chứng 

Theo Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), những triệu chứng phổ biến của người nhiễm Covid-19 bao gồm ho dai dẳng, sốt, mất khứu giác hoặc vị giác. Nhưng một số nghiên cứu khác lại có kết luận ngược lại.

Tiến sĩ Lara Herrero, chuyên gia về virus và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Griffith của Australia cho biết, những dữ liệu gần đây cho thấy người bệnh nhiễm biến thể Delta có thể sẽ gặp phải nhiều triệu chứng phổ biến, khác với dấu hiệu của chủng Covid-19 ban đầu, thường gặp nhất là đau đầu, đau họng và sổ mũi.

Joe Kanter, quan chức y tế đứng đầu tiểu bang Louisiana (Mỹ), chỉ ra rằng, có nhiều bệnh nhân nhiễm Delta xuất hiện các triệu chứng không giống như chủng virus ban đầu, như tắc nghẽn xoang, sổ mũi, đau họng. Các triệu chứng như mất khứu giác, vị giác ở chủng virus ban đầu cũng ít xảy ra trong trường hợp mắc biến thể Delta.

{keywords}
Một em bé được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 3/8. Ảnh: AP

Đặc biệt, Delta chứng tỏ khả năng lây nhiễm mạnh và biểu hiện bệnh nặng hơn đối với trẻ em.

Theo dữ liệu được Hiệp hội Bệnh viện Nhi và Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) công bố, trong số các ca nhiễm ở tuần cuối cùng của tháng 7, có tới hơn 71.700 trường hợp dưới 18 tuổi. 

Giới chuyên gia cảnh báo, những biểu hiện lâm sàng do Delta gây ra rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua, làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong.

Tác dụng của vắc xin

Nếu lượng virus SARS-CoV-2 trong người nhiều hơn, bệnh nhân có thể truyền virus sang người khác dễ dàng hơn. Như vậy, vắc xin chắc chắn có nhiệm vụ khó khăn hơn - vì hệ miễn dịch của con người phải đối mặt với một đội quân lớn hơn và cần phải tăng cường phòng thủ.

Nhưng tin tốt là các loại vắc xin hàng đầu dường như ngăn ngừa được bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Tài liệu của CDC Mỹ chỉ ra rằng vắc xin có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong gấp 10 lần và giảm nguy cơ nhiễm bệnh gấp 3 lần.

Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Y học New England kết luận hai liều vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% đối với biến thể Delta, chỉ số này ở vắc xin AstraZeneca là 67%.

Dữ liệu gần đây từ Israel cũng cho thấy tiêm Pfizer làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng lên tới 91% và nhập viện 88%.

Để ngăn chặn virus lây lan, các chuyên gia khẳng định tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa tốt nhất chống lại biến thể Delta. Bên cạnh đó, người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trong không gian kín tại những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. 

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).

 

 

 

 

Thanh Hảo  

Biến thể Delta là chủng virus thống trị thế giới

Biến thể Delta là chủng virus thống trị thế giới

Biến thể Delta của Covid-19 hiện là chủng virus thống trị toàn cầu. Nó đã được phát hiện ở khoảng 100 quốc gia trên toàn cầu, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci nói.