Đấu tranh phòng, chống tham nhũng trở thành một xu thế tất yếu nhằm làm trong sạch bộ máy, giữ uy tín của Đảng trước nhân dân.
Tham nhũng là những hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cũng là một trong các nhóm tội được quy định trong BLHS. Hành vi tham nhũng có thể xảy ra ở khắp mọi nơi. Tội phạm về tham nhũng xuất hiện từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ và nó sẽ luôn tồn tại gắn với nhà nước và pháp luật.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải là nhiệm vụ của riêng ai, quốc gia nào cũng quan tâm và đặt ra vấn đề này. "Tham nhũng" là phạm trù lịch sử, gắn liền với nhà nước và pháp luật.
Hành vi tham nhũng xuất hiện được ghi nhận khi Nhà nước đầu tiên trong lịch sử loài người xuất hiện và nó cũng sẽ mất đi khi nhà nước và pháp luật không còn. Nếu nhà nước nào quản lý xã hội tốt thì tình hình tham nhũng được kiểm soát tốt và ngược lại.
Bởi vậy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công cuộc cam go, lâu dài và đầy khó khăn với nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.
Vấn nạn tham nhũng
Kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua khiến chúng ta vừa vui, vừa buồn. Vui vì đã phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi tham nhũng kéo dài, có tổ chức và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.
Buồn vì kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho thấy, tham nhũng đã trở thành vấn nạn xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chính quyền, làm suy thoái đạo đức công vụ và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho thấy, vụ sau lớn hơn vụ trước, tính chất ngày càng phức tạp, nhiều cán bộ cấp cao bị phát hiện xử lý... khiến người ta nghĩ rằng, tham nhũng cũng giống như phần nổi của tảng băng chìm, ngày càng phát hiện ra nhiều cán bộ suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, những cán bộ này liên tục rao giảng đạo đức, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, cho đến khi bị bắt...
Điều đặc biệt là trong các tội danh về tham nhũng và chức vụ như: Tham ô, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng..., ngày càng xử lý nhiều cán bộ vi phạm về tội Nhận hối lộ. Đây là hành vi có thể xảy ra rất nhiều, nhưng rất khó phát hiện, khó xử lý.
Khác với các hành vi phạm tội khác như Tham ô, Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Lạm quyền... thì tội Đưa hối lộ luôn gắn với các tội danh khác như tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ.
Với những người "trong cuộc" thì đều nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự với những chế tài rất nghiêm khắc nên họ luôn tìm cách che giấu, trốn tránh, cản trở, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tội phạm.
Hành vi đưa hối lộ thường diễn ra kín đáo, bí mật, cả người đưa và người nhận hối lộ đều tìm cách che giấu, trốn tránh nên rất khó có người nhìn thấy, phát hiện để tố cáo, tố giác, xử lý. Thực tiễn cho thấy, để xử lý được hành vi nhận hối lộ, rất cần lời khai của người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ.
Nếu những người này không khai ra và cơ quan điều tra không thu thập thêm được các chứng cứ khác để chứng minh tội phạm thì hướng điều tra sẽ đi vào ngõ cụt.
Một đặc điểm nữa khiến cho việc xử lý với tội Nhận hối lộ khó khăn là người nhận hối lộ thường là người có chức vụ quyền hạn, có sức ảnh hưởng đối với xã hội, họ là người có hiểu biết, có nhiều mối quan hệ, có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử tình huống nên họ dễ dàng che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý. Thủ đoạn nhận hối lộ tưởng sẽ rất tinh vi, ít khi để lại dấu vết...
Quyết tâm đẩy lùi tham nhũng
Tuy nhiên, thời gian gần đây cơ quan tố tụng đã xử lý nhiều cán bộ cao cấp về hành vi nhận hối lộ. Để có những kết quả như vậy thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước.
Lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn, dày dặn kinh nghiệm hơn, được trang bị nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại, có sự phối hợp chặt chẽ nên hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung và với hành vi nhận hối lộ nói riêng có nhiều chuyển biến.
Những vụ án tham nhũng có hành vi nhận hối lộ được xử lý ngày càng nhiều khiến niềm tin của cơ quan tiến hành tố tụng và nhân dân trong việc đấu tranh đối với tội danh này ngày càng được nâng cao.
Nhiều trường hợp người đưa hối lộ cũng đã chủ động ghi hình, chuyển tiền qua tài khoản, để lại các tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội nên cơ quan điều tra có thể căn cứ vào những chứng cứ vật chất đó để đấu tranh về hành vi nhận hối lộ.
Chính sách và pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng đã có những thay đổi thể hiện quyết tâm, mục tiêu của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tội nhận hối lộ theo Điều 354 được mở rộng rất nhiều, theo đó của nhận hối lộ có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất.
Người đưa hối lộ có thể đưa trực tiếp hoặc đưa gián tiếp qua người trung gian. Thời điểm nhận hối lộ có thể nhận trước nhận sau, miễn là có sự thỏa thuận để thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Chính vì quy định về tội nhận hối lộ mở rộng hơn so với quy định của Bộ Luật Hình sự 1999, thêm vào đó các phương tiện kĩ thuật ngày càng hiện đại, được trang bị đầy đủ cho lực lượng phòng chống tội phạm; việc quản lý không gian mạng ngày càng tốt hơn khiến việc thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi nhận hối lộ dễ dàng hơn trước, việc phát hiện, xử lý hiệu quả hơn trước.
Ngoài ra, Điều 364 BLHS cũng quy định về trường hợp người đưa hối lộ do bị ép buộc, sau đó chủ động khai báo với cơ quan chức năng thì được miễn trách nhiệm hình sự. Đây là quy định mới, mở thêm hướng để phát hiện hành vi nhận hối lộ.
Rất nhiều trường hợp người đưa hối lộ bị hạch sách, sách nhiễu, bị đe dọa, ép buộc phải đưa hối lộ nên họ đã chủ động ghi âm, ghi hình, lưu lại các chứng cứ làm căn cứ tố cáo sau khi hành vi nhận hối lộ xảy ra. Theo quy định, họ được miễn trách nhiệm hình sự nên việc phát hiện, chứng minh tội phạm từ quy định này thuận lợi hơn trước.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của các cơ quan truyền thông trong thời gian gần đây, sự phát triển của mạng xã hội, sự quan tâm của người dân đối với chính trị... cũng là những yếu tố thúc đẩy các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng nói chung, với hành vi đưa nhận môi giới hối lộ nói chung riêng.
Nhiều thông tin từ quần chúng cũng là những thông tin có ý nghĩa góp phần đấu tranh phát hiện loại tội phạm này.
Giải pháp về phòng, chống tham nhũng
Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ, mục tiêu cũng là trách nhiệm khó khăn không chỉ đối với nhà nước Việt Nam mà đối với nhiều quốc gia. Để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp:
- Cải cách tiền lương, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người có chức vụ quyền hạn để người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng;
- Bồi dưỡng giáo dục trình độ nghiệp vụ và đạo đức để nâng cao đạo đức, bản lĩnh chính trị của người có chức vụ quyền hạn để người có chức vụ quyền hạn không bị cám dỗ, sa ngã bởi lợi ích vật chất, họ tự hào về công việc và trách nhiệm của họ đối với xã hội;
- Tăng cường các công tác quản lý kinh tế, quản lý hành chính có hiệu quả, trong đó phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tăng cường cơ chế giám sát, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào công tác quản lý để hoạt động quản lý kinh tế khoa học, hiện đại, có hiệu quả, sao cho người có chức vụ quyền hạn có muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng;
- Hạn chế sử dụng tiền mặt, đẩy mạnh việc quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ, chính chủ và quản lý đất chính chủ, quản lý chặt chẽ hơn nữa các tài sản có đăng ký quyền sở hữu sao cho những người tham nhũng, nhận hối lộ không có chỗ để cất giấu tài sản;
- Với những tài sản bất minh, tài sản không rõ nguồn gốc thì kiên quyết làm rõ để xử lý, trong đó có thể bổ sung quy định về đánh thuế cao, tịch thu, để cho minh bạch trong việc quản lý tài sản, phát hiện tài sản do phạm tội mà có;
- Tiếp tục duy trì quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng nói chung, hành vi đưa và nhận hối lộ nói riêng, sao cho người có chức vụ quyền hạn không dám tham nhũng khi có cơ hội.
Những hình phạt nghiêm khắc sẽ là những biện pháp để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội phải để những người có cơ hội tham nhũng biết hậu quả mình có thể gánh chịu mà không dám tham nhũng nữa.
Có thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp từ cơ chế chính sách, hoàn thiện pháp luật, làm tốt công tác nhân sự, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ, bản lĩnh của cán bộ, ứng dụng khoa học kĩ thuật, quản lý chặt chẽ kinh tế, tăng cường cơ chế giám sát phát hiện và xử lý tham nhũng thì công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường