Tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam do IPOS.vn công bố, ngành Kinh doanh Ẩm thực và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đang bùng nổ với mức tăng trưởng 11,47%, đạt tổng hơn 590.000 tỷ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.

IMG_2690 1.jpg

Trong gần 3.000 đơn vị tham gia nghiên cứu, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên và đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần; trong số đó 51,7% các cửa hàng ăn uống có dự định mở rộng quy mô.

Đối với giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, số liệu từ báo cáo đã tạo ra nhiều tranh luận. Đa số cho rằng, kinh tế khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này tỉ lệ thuận với việc nhiều doanh nghiệp F&B đang gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu ăn uống và giải trí của người Việt vẫn ở mức cao. 

Cũng theo báo cáo, 28,9% thực khách tham gia khảo sát thừa nhận ra ngoài ăn 3 - 4 lần/tuần (năm 2022 chỉ ghi nhận 17,9%). Thêm vào đó, bên cạnh những doanh nghiệp đóng cửa, tốc độ mở mới của những doanh nghiệp còn lại trên thị trường cũng không hề giảm sút. 

Theo thống kê từ iPOS.vn, cho tới hết năm 2023, số lượng nhà hàng/ café tại Việt Nam đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm trước đó. Điều này lý giải cho sự tăng trưởng về doanh thu của ngành F&B trong năm vừa qua. 

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director cũng cho biết, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành kinh doanh ẩm thực còn tới từ hiệu ứng giải thưởng Michelin tại Việt Nam.

“Nền ẩm thực nước nhà đang không ngừng phát triển. Vài năm trở lại đây, ẩm thực Việt được đa dạng hoá với nhiều cách thức chế biến, giao thoa sáng tạo giữa các vùng miền và các quốc gia khác nhau. Bằng chứng là việc, 3 nhà hàng Việt Nam đã nhận được 1 ngôi sao Michelin. Michelin đang khiến cho các mô hình đầu tư mới năm 2024 học tập, sao chép, và tối ưu từ danh sách 2023”, ông Thanh chia sẻ.

Ngành F&B: Tiềm năng đi kèm sự cạnh tranh khốc liệt

Tiềm năng là thế, song ngành F&B có thực sự là “miếng bánh” dễ ăn cho các nhà đầu tư đang ngấp nghé muốn bước chân vào cuộc đua? Những năm vừa qua, thị trường chứng kiến nhiều làn gió mới từ các thương hiệu trong và ngoài nước, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt. Thị trường ghi nhận sức ép từ những thương hiệu được đầu tư theo hệ thống bài bản, xây dựng lợi thế cạnh tranh rõ ràng so với các đối thủ cùng định vị và phù hợp với hành vi, nhu cầu của người Việt. 

IMG_26902.jpg

Theo iPOS.vn, đây vừa là tín hiệu đáng mừng bởi sự phát triển tích cực của các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành. Bởi nếu chỉ đơn thuần bỏ vốn để kinh doanh mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, xây dựng chiến lược bài bản thì sẽ dễ gặp thất bại trong cuộc chơi đầy cạnh tranh này. 

Cũng theo báo cáo của iPOS.vn, gần 20% doanh nghiệp trong số các đơn vị tham gia khảo sát cho biết vẫn chưa xác định được điểm cạnh tranh của mình so với đối thủ. Những doanh nghiệp này được đánh giá có sức đề kháng yếu, nếu không thay đổi kịp thời sẽ dễ bị đào thải khỏi thị trường. Điều này cho thấy rõ ràng đã đến lúc, tư duy “Khởi nghiệp là nghĩ tới mở quán ăn uống” cần được loại bỏ, thay vào đó là những định hướng rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. 

Đại diện iPOS.vn nhấn mạnh, mặc dù có nhiều điểm sáng trong thị trường ngành F&B, các nhà đầu tư không nên vội vàng rót vốn mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam cần có những nghiên cứu chuyên sâu và thích ứng phù hợp để đứng vững trước nhiều biến đổi không ngừng của thị trường. 

Ông Vũ Thanh Hùng, Giám đốc iPOS.vn chia sẻ: “Năm 2024 sẽ không chỉ là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội. Các chuỗi F&B quốc tế sẽ thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, khiến cho thị trường ngày càng đa dạng và nhiều ẩn số thú vị”.

ĐL