Các đòn trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt đã khiến Iran bị cô lập với các thị trường quốc tế, làm cho nền kinh tế nước này co cụm lại. Xuất khẩu dầu lửa gần như bằng 0 hồi tháng 12, theo Oxford Economics, vì cấm vận đã chặn đứng các hợp đồng mua bán.

{keywords}
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. (Ảnh: Văn Phòng Lãnh tụ tối cao Iran) 

Ngày 14/1, áp lực càng tăng khi Anh, Pháp và Đức thông báo bộ ba sẽ chính thức kích hoạt đàm phán với Iran để buộc nước Cộng hòa Hồi giáo phải quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - một bước rốt cuộc lại có thể khiến Tehran bị Liên Hợp Quốc trừng phạt.

Nền kinh tế ảm đạm dường như đang siết chặt mong muốn của Iran leo thang các hành động thù địch với Mỹ. Các nhà chức trách ở Tehran biết rõ chiến tranh sẽ càng khiến nước này lao đao. Những tháng gần đây, sự bất bình của dân chúng về tình trạng thất nghiệp, bất ổn kinh tế và tham nhũng đã dâng cao như một mối đe dọa tiềm tàng đối với chính quyền cứng rắn đương nhiệm.

Các cuộc biểu tình cũng cho thấy người dân tức giận trước sự chậm trễ của nhà chức trách trong thừa nhận bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraina trên bầu trời Tehran khiến 176 người thiệt mạng. Nhưng bầu không khí trên đường phố cũng phơi bày một làn sóng bất bình lớn hơn - liên quan đến cuộc sống khó khăn, lo lắng tài chính và năng lực của chính quyền khi đối phó với những rắc rối nghiêm trọng.

Lạm phát ở Iran hiện đã lên gần 40%, người tiêu dùng chật vật lo sống từng ngày với giá cả thực phẩm và nhu yếu phẩm tăng nhanh. Hơn 1/4 người Iran trẻ tuổi thất nghiệp, với rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm.

Vụ tấn công tên lửa mà Iran thực hiện nhằm vào các căn cứ chứa lính Mỹ tại Iraq để đáp trả Washington không kích giết chết thiếu tướng Qassem Soleimani dường như đã được định sẵn quy mô, để các nhà chức trách đảm bảo thực hiện cam kết trả đũa mà không dẫn đến phản ứng mạnh từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

{keywords}
Chân dung tướng Qassim Suleimani xuất hiện khắp Tehran. Cái chết của ông bởi tên lửa Mỹ đã đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Iran lên đỉnh điểm. (Ảnh: NY Times) 

Các hoạt động thù địch với cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới có thể sẽ gây tổn thất lớn cho dân thường Iran. Nó thậm chí làm suy yếu đồng nội tệ và khiến lạm phát tồi tệ hơn, gây nguy hại cho những gì còn lại của công nghiệp quốc gia, triệt tiêu việc làm và gia tăng áp lực của dân chúng lên chính quyền. 

Nhiều công ty Iran hiện nay đang phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu để chế tạo và bán sản phẩm, từ máy móc cho tới sắt thép và ngũ cốc. Nếu đồng tiền Iran giảm giá thêm, những công ty này có thể sẽ phải chi trả nhiều hơn để mua hàng. Các ngân hàng phải gia hạn các khoản vay, nếu không các doanh nghiệp sẽ sụp đổ, đồng nghĩa với thất nghiệp tăng thêm.

Những thực tế kể trên đã khiến cho Iran bị hạn chế năng lực leo thang xung đột với Mỹ, theo một số chuyên gia.

Bị cắt đứt nguồn đầu tư và tiếp cận với các thị trường nước ngoài trong những năm gần đây, Iran đã tập trung xây dựng và cải thiện kinh tế, với nhà nước đầu tư mạnh mẽ, trợ cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược trong khi tìm cách thay thế sản xuất trong nước cho các mặt hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chiến lược này tỏ ra không hiệu quả, khiến ngân sách và hệ thống ngân hàng bị kéo căng dù có vẻ cải thiện được việc làm.

Những người có quan điểm cứng rắn dường như coi một cuộc chiến với Mỹ, kẻ thù của Iran, là cơ hội để mở rộng nền kinh tế kháng chiến và khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa có lợi về mặt chính trị.

Khi ông Trump hạ lệnh tấn công giết chết thiếu tướng Soleimani, nhiều người Iran đang bất bình với chính phủ về giá cả tăng cao, tham nhũng, sai lầm kinh tế và lãnh đạo yếu kém quay sang oán thán Mỹ và than khóc một người mà họ ca ngợi là anh hùng dân tộc. Nhưng khi chính phủ thừa nhận bắn nhầm máy bay Ukraina, đông đảo dân chúng Iran lại chuyển hướng tức giận về phía giới chức trong nước.

Nếu cơn thịnh nộ này tiếp tục thì những chính trị gia có quan điểm cứng rắn có thể sẽ lại thách thức các lợi ích của Mỹ với hy họng đối đầu sẽ buộc ông Trump phải đàm phán một thỏa thuận hướng tới dỡ bỏ cấm vận. Iran có thể đe dọa các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz. Làm gián đoạn hải trình này sẽ hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu lên cao, khiến các thị trường thế giới báo động và làm tăng trưởng toàn cầu gặp khó khăn, tiềm tàng gây nguy hiểm cho ông Trump trong cuộc đua tái cử vào Nhà Trắng.

Trước kia, Iran từng theo đuổi một con đường khác để được nới lỏng cấm vận: Theo thỏa thuận năm 2015 được Tổng thống Barack Obama ủng hộ, Iran được dỡ bỏ cấm vận nhưng phải thực hiện cam kết có thể kiểm chứng là giải giáp phần lớn chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng khi Trump lên lãnh đạo nước Mỹ, ông đã từ bỏ thỏa thuận đó và nối lại cấm vận.

Dù điều gì xảy ra tiếp theo, ban lãnh đạo Iran chắc chắn biết rõ một điều, thoát khỏi cấm vận hiện tại của Mỹ là con đường duy nhất để cải thiện kinh tế đất nước.

Thanh Hảo