Có thể thấy, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam ngày càng được bộc lộ rõ, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn này, mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện. Tốc độ tăng GDP năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 tăng lên 6,81%, năm 2018 đạt 7,08%, và năm 2019 đạt 7,02%; bình quân 4 năm 2016-2019 đạt mức 6,8% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015), đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7 % của Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng giảm nhiều so với năm 2019, đạt 2,91%, làm giảm mức bình quân chung giai đoạn 2016-2020. Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2020 đạt thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì đó là một thành công của nước ta với tốc độ tăng thuộc nhóm nước cao nhất thế giới.
Trong năm 2021 những định hướng chiến lược trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh.
Tốc độ tăng trưởng GDP có sự cải thiện rõ rệt cùng với đó là cách thức tăng trưởng đã dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 33,58%; giai đoạn 2016 – 2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tăng lên đáng kể, ước đạt 45,21 % (vượt mục tiêu đặt ra là đóng góp của TFP vào tăng trưởng 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 30-35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào gia tăng năng suất lao động. Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).
Về tổng thể, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát.
Mạnh Hưng