Chính phủ đã phải thành lập ban chỉ đạo xử lý các dự án ngàn tỉ đồng gây thua lỗ của ngành công thương, tìm hướng giải quyết theo cơ chế thị trường để tránh lặp lại tình trạng dùng các cơ chế đặc thù, ưu đãi cứu các dự án đã “chết chìm” nhiều năm nay. Trong khi đó, các tập đoàn khác lại tiếp tục xin các cơ chế can thiệp của Nhà nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ trường hợp của TKV
Khai thác than tại một đơn vị thành viên của TKV. Ảnh: baoquangninh.com.vn |
Trong danh sách 12 dự án ngàn tỉ đồng gây thua lỗ do các tập đoàn, tổng công ty thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương đầu tư, không có dự án nào của tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV). Như vậy, lãnh đạo ngành than có thể thở phào khi so với tình trạng chung của các tập đoàn, tổng công ty hiện nay như tập đoàn Dầu khí (PVN), tập đoàn Hóa chất (Vinachem). Ngoài việc tình hình kinh doanh sút giảm như TKV trong năm qua, họ còn phải đương đầu giải quyết hàng loạt dự án thua lỗ ngàn tỉ mà chưa có lối thoát.
Nhưng ngành than vẫn tiếp tục kêu cứu lên Chính phủ như thông lệ hàng năm. Tại Hội nghị trực tuyến của ngành công thương tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn xin cơ chế, chính sách cho ngành than để có sức cạnh tranh trên thị trường, khu vực; đề nghị Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù cho ngành này...
Những cơ chế, chính sách mà ngành than đề xuất, nhất là cơ chế đặc thù, không phải là mới. Từ xin ưu đãi thuế xuất khẩu, xin giảm thuế tài nguyên, xin ưu đãi về vốn tín dụng đầu tư, về thuế phí cho các dự án bauxite đến xin tăng giá bán than cho ngành điện... Chính phủ đã cho một số cơ chế có thể, như tăng giá bán than cho ngành điện, gia tăng hạn ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải cứ TKV đề xuất gì là được đáp ứng nấy.
Quay trở lại với cơ chế, chính sách, trong đó có nhiều cơ chế đặc thù mà ngành than đề cập mới đây. Tập đoàn đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị sử dụng than cho sản xuất điện (mà) đã ký hợp đồng mua than với TKV phải mua than trong nước.
TKV còn đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt biển đổ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do TKV và Tổng công ty Đông Bắc sản xuất, bán cho các nhà máy điện thuộc tập đoàn Điện lực (EVN) và PVN. Ngoài ra, còn xin điều chỉnh giảm thuế phí (hiện chiếm 25% tổng giá thành), xin cơ chế đặc thù về vốn đầu tư cho các dự án cấp bách.
Các đòi hỏi về hỗ trợ, về cơ chế đặc thù của các tập đoàn vốn giữ vị trí độc quyền trong nhiều năm, nay vẫn còn thống lĩnh thị trường như TKV chính là đi ngược lại tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang cố gắng xây dựng. |
Hầu hết đề xuất nói trên của TKV đều đã có câu trả lời. Các đơn vị tiêu thụ than nhiều nhất trong nền kinh tế như các doanh nghiệp sản xuất thép, sản xuất điện, trong năm 2016 đã nhập khẩu than với số lượng lớn, lên đến hơn 10 triệu tấn cho dù chưa có con số cuối cùng của năm 2016. TKV một mặt kêu là than sản xuất ra không bán được, tồn kho lớn, một mặt cũng tích cực nhập khẩu không kém doanh nghiệp, để sử dụng than nhập phối trộn với than tự sản xuất rồi bán hoặc bán chính than nhập để thu lợi nhuận.
TKV đã tính được như vậy thì các doanh nghiệp thép, điện cũng tính sao có lợi và họ đã giảm đáng kể lượng than mua từ TKV. Không có chỉ đạo nào của các cơ quan quản lý ép doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng đã ký với TKV (mà theo đó) giải ngân theo từng thời điểm cụ thể.
Chẳng hạn, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng (thuộc PV Power) chỉ mua 11,5% sản lượng than trong bốn tháng đầu năm theo hợp đồng đã ký với TKV, còn lại là nhập khẩu, cho dù đã có nhiều cuộc họp giữa Tổng cục Năng lượng, TKV và bên mua về việc thực hiện hợp đồng.
Về vấn đề thuế, phí, ngay từ tháng 9-2016, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời đề xuất của TKV là không thể giảm thuế tài nguyên xuống thấp hơn mức 10% và 12% do thẩm quyền về thuế, phí thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật Thuế tài nguyên mới được áp dụng có vài tháng, chưa đủ thời gian để đánh giá hay loại bỏ.
Bộ Tài chính đã đề xuất Bộ Công Thương nới rộng hạn ngạch xuất khẩu than cho TKV từ 2 triệu tấn lên đến 3-4 triệu tấn/năm nhưng tại thời điểm sáu tháng đầu năm 2016, việc xuất khẩu này cũng không khả thi do giá than của Việt Nam đắt hơn giá than thế giới.
Vấn đề mấu chốt của ngành than nằm ở giá thành sản xuất. Không có một chính sách, cơ chế đặc thù nào có thể hỗ trợ được cho TKV nếu giá thành sản xuất than cao, trong khi thị trường có nhiều lựa chọn, không thể dùng các biện pháp hành chính để can thiệp được.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trong chuyến làm việc cùng với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Quảng Ninh hồi quí 3-2016 cũng yêu cầu TKV đánh giá lại công nghệ khai thác, nâng công suất và giảm tổn thất, điều chỉnh linh hoạt sản xuất theo diễn biến mới chứ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu cứ tiếp tục trông chờ vào Nhà nước, mức lợi nhuận ít ỏi 800 tỉ đồng của năm 2016 mới được công bố có thể tiếp tục đi xuống trong năm tới
Chính phủ kiến tạo không can thiệp hành chính vào công việc kinh doanh
Tại cuộc họp trực tuyến cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn đưa ra yêu cầu xem xét giảm thuế, phí cho ngành than cùng với vài kiến nghị khác cho PVN, EVN.
Những năm trước, Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ chế đặc thù như cho vay vốn với lãi suất tín dụng ưu đãi từ các nguồn vốn vay nước ngoài đối với các dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Đạm Ninh Bình... song không những không tạo ra hiệu quả mà còn tạo thêm tâm lý ỷ lại, gây thua lỗ nặng nề tại các dự án này. Việc hỗ trợ thuế, phí, nếu thực hiện, xét cho cùng là việc ngân sách không thu mà hỗ trợ vào giá bán cho doanh nghiệp. Điều này vừa gây thiệt hại ngân sách, vừa giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Có nên thực hiện nó hay không, nhất là trong điều kiện thu ngân sách ngày càng eo hẹp như hiện nay?
Mặt khác, tại Nghị quyết 19/2016/NĐ-CP về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng một chính phủ kiến tạo, với mục đích tạo ra những thay đổi tận gốc về cải cách hành chính, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, cởi trói cho doanh nghiệp, hỗ trợ xuất nhập khẩu... không có quy định nào nhằm tạo thêm những đặc quyền, đặc lợi hay cơ chế đặc thù cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. T
rong phần yêu cầu đối với Bộ Công Thương, Chính phủ ghi rõ từng đầu việc cụ thể như sửa đổi các danh mục hàng phải kiểm tra chất lượng quy chuẩn, rà soát các danh mục quản lý chuyên ngành và nhất là phải trình Quốc hội dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trước tháng 12-2017 nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát có hiệu quả độc quyền kinh doanh, giải quyết kịp thời các khiếu nại đối với các vụ việc liên quan đến vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường...
Trước những yêu cầu ấy, các đòi hỏi về hỗ trợ, về cơ chế đặc thù của các tập đoàn vốn giữ vị trí độc quyền trong nhiều năm, nay vẫn còn thống lĩnh thị trường như TKV chính là đi ngược lại tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang cố gắng xây dựng.
Theo Lan Nhi. TBKTSG