Trả lời VietNamNet mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca

Ông Ca bị tạm giữ khi cơ quan điều tra mở rộng vụ án trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng. 

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca vừa bị Công an Quảng Ninh tạm giữ. Ảnh: BVPL

Liên quan đến các vụ án trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép, trước đó công an các tỉnh, thành phố trên cả nước triệt phá nhiều đường dây với quy mô từ vài trăm tỷ đến hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Nổi bật nhất, vào cuối năm 2022, Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn điện tử và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trong vụ án này, Nguyễn Minh Tú (31 tuổi) và Võ Tấn Lộc (25 tuổi) cùng trú tại TP.HCM, là đối tượng cầm đầu.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, Tú và Lộc thông qua mạng xã hội mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Sau đó, thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian để khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm để bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước với doanh số đặc biệt lớn, khoảng trên 25 nghìn tỷ đồng.

Bước đầu xác định thiệt hại về thuế trên 2,5 nghìn tỷ đồng; các đối tượng thu lợi bất chính khoảng trên 1,2 nghìn tỷ đồng. 

Các đối tượng trong đường dây mua bán hoá đơn và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ảnh: CAND

Vào tháng 7/2022, Công an tỉnh Hải Dương triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ nhóm người chuyên mua bán hóa đơn trái phép với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, công an ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Bùi Văn Tú (38 tuổi, trú tại Hà Nội) với cáo buộc mua bán trái phép hóa đơn.

Theo kết quả điều tra, đầu năm 2019, Tú chỉ đạo các đồng phạm làm thủ tục thành lập một loạt công ty, trong đó có Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hoài An Phát.

Tú chỉ đạo các đồng phạm bán hóa đơn GTGT (không có hàng hóa kèm theo) của Công ty Hoài An Phát cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Từ năm 2019 đến khi bị bắt, Tú cùng đồng phạm bán hàng trăm hóa đơn cho nhiều công ty với số lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn có giá trị hàng trăm tỷ đồng, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

Bùi Văn Tú tại làm việc với cơ quan công an. Ảnh: CACC

Tại Bắc Giang, vào tháng 5/2021, Công an tỉnh này triệt phá vụ mua bán trái phép hóa đơn với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra bước đầu xác định, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2019, các đối tượng đã thành lập 19 công ty “ma” tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng để xuất bán trái phép hoá đơn cho khoảng 600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, Bình Định, Hưng Yên, Hà Nội…

Cơ quan điều tra sau khi chứng minh được các bị can trong vụ án thu lợi bất chính số tiền hơn 5,2 tỷ đồng từ việc mua, bán hoá đơn; đã thu hồi được hơn 2,5 tỷ đồng cho nhà nước.

Cùng với đó, cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 người là các đối tượng trong đường dây thành lập các công ty “ma” để thực hiện hành vi mua bán hoá đơn trái phép.

Điều 203, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Cụ thể:

Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc thu lời bất chính trên 100 triệu sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. 

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều 203 có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.