Hội nghị G20 năm nay được tổ chức ở Osaka, Nhật Bản, quy tụ lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu thế giới tới thảo luận các vấn đề kinh tế và địa chính trị cấp bách hiện nay. Các cuộc gặp song phương quan trọng thường diễn ra bên lề hội nghị.

{keywords}
Ảnh: CNN

Trước kia, ông Trump từng "đụng độ" với nhiều nhà lãnh đạo của G20 về các vấn đề an ninh và thương mại. Lần này có lẽ không ngoại lệ.

CNN chỉ ra những gương mặt mà người đứng đầu nước Mỹ sẽ chạm trán trong tuần này và mối quan hệ giữa họ:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cuộc gặp vào thứ Bảy (29/6) với nhà lãnh đạo Trung Quốc, chủ yếu về thương mại, sẽ là tâm điểm trong hành trình tới Osaka của Tổng thống Trump. Tùy thuộc vào kết quả mà cuộc gặp có thể làm dậy sóng nền kinh tế toàn cầu.

{keywords}
Ảnh: CNN

Ông Donald Trump thường xuyên nói có "quan hệ tốt" với Chủ tịch Tập. Nhưng các giới hạn tình bạn đó mới đây đã bị thử thách khi Bắc Kinh rút lại các cam kết trong thỏa thuận thương mại mà hai bên thương thảo.

Trong tuần này, một quan chức Mỹ đánh giá "bất kể kết quả đàm phán thế nào, ông Trump vẫn khá thoải mái", bởi "đó thực sự chỉ là một cơ hội để Tổng thống duy trì sự tham gia của mình".

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Có lẽ không nhà lãnh đạo thế giới nào gây ấn tượng với ông Trump nhiều như Tổng thống Putin. Trong một cuộc họp báo năm ngoái, Putin từng thừa nhận ông muốn Trump thắng cử năm 2016.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ bị điều tra đã trở thành "cuộc săn phù thủy" ám ảnh Nhà Trắng dưới quyền ông Trump. Ông Trump cho rằng, cuộc điều tra đã làm tổn hại quan hệ giữa hai nước mà ông rất muốn cải thiện. Tuy vậy, trên thực tế, Mỹ và Nga còn bất đồng về nhiều vấn đề, chẳng hạn Ukraina và Syria.

Tuần này, giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng cuộc gặp Trump – Putin tại G20 không phải là hội nghị chính thức mà chỉ là "một sự kiện bình thường" không có "nghị trình chính thức".

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

{keywords}
Ảnh: Reuters

Là người chủ trì hội nghị G20 năm nay, Thủ tướng Abe đã nỗ lực xây dựng quan hệ với Tổng thống Mỹ hơn so với bất kỳ nguyên thủ thế giới nào. Ông chơi golf cùng ông Trump, bay nửa vòng trái đất tới dự sinh nhật Đệ nhất Phu nhân Mỹ và tiếp đón ông Trump xem đấu vật sumo... Đây là một phần nỗ lực duy trì mối quan hệ gắn bó giữa Washington va Tokyo, đặc biệt khi ông Trump theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên và phát động thương chiến với Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

{keywords}
Ảnh: Reuters

Họ từng là những người bạn thân thiết nhất: Sau lời mời tới Paris dự lễ diễu binh Quốc khánh Pháp, ông Trump đáp lại bằng cách đón vợ chồng ông Macron tới Washington. Nhưng sau đó, mối quan hệ dần rạn nứt và đứt đoạn vào tháng 11 năm ngoái, khi ông Trump xúc phạm Macron trên Twitter trong một chuyến thăm khác tới Paris.

Giờ đây, hai nhà lãnh đạo dường như chỉ liên quan về công việc. Họ mới gặp nhau đầu tháng này ở Normandy trong lễ kỷ niệm D-Day và dự kiến sẽ hội ý về Iran tại G20.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

{keywords}
Ảnh: Reuters

Không giống nhiều nhà lãnh đạo khác, bà Angela Merkel không tìm cách lấy lòng Tổng thống Mỹ. Thay vào đó, bà vẫn mang phong cách kinh doanh và nghiêm túc trước những tuyên bố "không nể mặt" của ông Trump, đặc biệt là về Liên minh châu Âu.

Từng được xem là lãnh đạo của cả khối EU, bà Angela Merkel là người khiêm tốn về chính trị, và năm ngoái nữ Thủ tướng Đức thông báo nhiệm kỳ thứ 5 của bà sẽ là cuối cùng.

Thủ tướng Anh Theresa May

{keywords}
Ảnh: Reuters

Sau hai năm rưỡi thăng trầm, đặc biệt là cuộc phỏng vấn có tính xúc phạm mà ông Trump dành cho báo The Sun năm ngoái rồi nhắc lại nghi ngờ về kế hoạch Anh rời khỏi EU của bà May, Tổng thống Mỹ chỉ duy nhất khen nữ Thủ tướng Anh một lần trong chuyến thăm của ông tới London đầu tháng này.

Có thể là bởi bà May sắp rời nhiệm, và người thay thế bà sẽ được chọn trong thời gian tới.

Ông Trump dường như thừa nhận bà May đã làm tốt nhất có thể. Tuy nhiên bất đồng về tính cách giữa hai người luôn hiện rõ. Boris Johnson, nhân vật đang chạy đua lên thay bà May, có vẻ giống với phong cách của ông Trump hơn.

Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman

Từng được đánh giá là một nhà cải cách trẻ tuổi, Thái tử Mohammed nổi tiếng là một gương mặt quyền lực ở Trung Đông sẵn sàng áp dụng các biện pháp hà khắc để củng cố vị thế, trong đó có vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Tuy nhiên, điều này dường như không làm thay đổi cách nhìn nhận của ông Trump về Ảrập Xêút.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Mới tuần này, Trump thậm chí gạt sang một bên báo cáo của Liên Hợp Quốc đề nghị FBI vào cuộc điều tra vụ án. Thay vào đó, ông tuyên bố sẽ tiếp tục quan hệ làm ăn với Thái tử Mohammed. Tuần trước, hai người còn trò chuyện về Iran qua điện thoại.

Ở Osaka, Tổng thống Trump và Thái tử Mohammed sẽ bàn về "sự leo thang trong khu vực như một kết quả từ những hành động khiêu khích của Iran" và tập trung vào "các cách thức bình ổn khu vực", theo một quan chức Mỹ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

{keywords}
Ảnh: Reuters

Ông Erdogan thường khiến nhiều tổng thống Mỹ trước ông Donald Trump phải "đau đầu" và điều đó đến nay không thay đổi. Bất đồng hiện thời xoay quanh việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, dẫn đến bị Mỹ áp cấm vận. Lầu Năm Góc còn dọa sẽ không bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nữa.

Tổng thống Erdogan hy vọng sẽ thay đổi suy nghĩ của ông Trump trong các cuộc hội đàm trực tiếp tại G20. Và có một tiền lệ để tin ông làm được điều này: Trong cuộc điện đàm hồi tháng 12 năm ngoái, Erdogan phản đối sự hiện diện quân Mỹ ở Syria, và ít lâu sau đó ông Trump thông báo sẽ rút quân.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau

{keywords}
Ảnh: Reuters

Trong nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, ông và Thủ tướng Canada rơi vào bế tắc thương mại gây căng thẳng cho mối quan hệ song phương. Ông Trump thậm chí mô tả Trudeau là "rất không trung thực và yếu đuối" cách đây gần một năm.

Tuy nhiên, giới chức của hai bên nói rằng quan hệ giữa họ đã tốt lên và giờ đây cả hai hy vọng hợp tác ở nhiều vấn đề, trong đó có Trung Quốc.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador

Ông López Obrador trên thực tế không dự hội nghị G20. Trước đó ông tuyên bố không muốn bị lôi kéo vào những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông sẽ cử đại diện đi thay.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ông Trump với Mexico tương đối rắc rối và ông López Obrado vốn lên án Mỹ về các chính sách nhập cư, thậm chí dọa đánh thuế, đã lên tiếng ca ngợi Washington.

Thỏa thuận thay thế NAFTA đã làm dịu căng thẳng thương mại giữa hai nước, nhưng các mối quan hệ xuyên biên giới vẫn rất trắc trở.

Các nhà lãnh đạo khác

Đến Osaka dự hội nghị G20 còn có nhiều nhà lãnh đạo đến từ Argentina, Australia, Brazil, Liên minh châu Âu, Indonesia, Italy, Nam Phi, Hàn Quốc...

Tổng thống Trump đã thúc đẩy mối quan hệ hòa nhã với một số nguyên thủ, trong đó có Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Tổng thống Argentina Mauricio Macri. Tuy nhiên, ông sẽ không gặp họ ở hội nghị lần này.

Trump dự định trò chuyện với tân Thủ tướng Australia Scott Morrison, người mà ông đã chúc mừng trên Twitter về "chiến thắng tuyệt vời" hồi tháng 5. Ông cũng sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vừa giành thắng lợi bầu cử trong cùng tháng 5 vừa qua.

Thanh Hảo