Hoàng Nam, 33 tuổi, ở Hà Nội, tập hút thuốc lá từ khi tốt nghiệp đại học, đến nay anh có hơn 10 năm thâm niên hút thuốc. Mỗi ngày hút vài điếu sau ly cà phê sáng hoặc bữa ăn, người đàn ông này vẫn cho là "không sao" so với những đồng nghiệp "đốt" 1 bao/ngày.

Năm trước, anh hay bị tức ngực, ho như rút ruột, lo lắng sợ mắc bệnh lý tim, phổi. Khi đi khám, anh được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, một phần nguyên nhân do hút thuốc lá lâu năm, dù mỗi ngày chỉ vài điếu.

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều loại bệnh tật.

Anh Nam là một trong nhiều trường hợp nhầm tưởng về tác hại của thuốc lá khi cho rằng chỉ là hút vài điếu mỗi ngày, hoặc lâu lâu mới hút một lần là an toàn trong khi sự thật là hút thuốc tần suất ra sao cũng đều có hại cho sức khỏe.

Không có ngưỡng an toàn trong hút thuốc lá

Theo các chuyên gia từ Văn phòng Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, trong hút thuốc lá không có “ngưỡng an toàn”, nghĩa là không có một mốc số lượng mà hút dưới ngưỡng đó thì an toàn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, do cơ thể mỗi người khác nhau nên tác hại của thuốc lá cũng ở mức độ khác nhau. PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp của bệnh viện, cho hay qua thực tế lâm sàng, các bác sĩ chứng kiến rất nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch do tác hại của khói thuốc.

Bác sĩ Giáp dẫn chứng một bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính phải đặt nội khí quản, thở máy, tốn rất nhiều tiền. Sau thời gian nằm viện, bệnh nhân lại tiếp tục hút thuốc lá và bị đợt cấp phải nhập viện điều trị tốn kém. Nhiều bệnh nhân khác bị ung thư phổi, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cũng do tác hại của khói thuốc.

Một số người hút thuốc lá bị ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay nhồi máu cơ tim rất sớm, từ khi còn trẻ, tuy nhiên một số người khác xuất hiện bệnh chậm hơn, thậm chí có một số người hút thuốc lá đã 30-40 năm chưa xuất hiện các bệnh nặng.

Vấn đề đặt ra là không có cách nào để biết được ai là người nhạy cảm với thuốc lá, ai là người ít nhạy cảm, tác hại của thuốc lá đến chậm hơn. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo tất cả mọi người là cai thuốc lá càng sớm càng tốt.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương, cai thuốc rất dễ nhưng cũng rất khó, điều quan trọng nhất là sự quyết tâm.

Vị bác sĩ cho biết 3 yếu tố cần thiết để cai thuốc thành công gồm: Hiểu biết, quyết tâm và hỗ trợ. Người hút phải hiểu biết về tác hại của thuốc lá, hiểu về các yếu tố bất lợi khi cai, cần sự hỗ trợ từ người nhà, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hỗ trợ của nhân viên y tế, cộng với quyết tâm cai thì sẽ thành công.

 Xì gà, thuốc lá nhẹ, thuốc lá dành cho nữ sẽ an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường?

Một quan niệm sai lầm khác về thuốc lá không ít người khi cho rằng xì gà an toàn hơn thuốc lá điếu vì đắt đỏ hơn. Thực tế, điếu xì gà khác với điếu thuốc lá ở chỗ kích thước lớn hơn và được bọc ở ngoài bằng chính lá của cây thuốc lá chứ không phải bằng giấy như trong điếu thuốc lá.

"Hút xì gà như vậy còn nguy hiểm hơn hút thuốc lá điếu vì lượng nicotin trong 1 điếu xì gà nhiều gấp 10 lần, amoniac nhiều gấp 20 lần, kim loại Cadmium nhiều gấp 10 lần trong 1 điếu thuốc lá", thông tin từ Văn phòng Phòng chống tác hại của thuốc lá, cho hay.

Thuốc lá trong điếu xì gà cũng có nhiều hơn nitrate, là tiền chất của một chất sinh ung thư rất mạnh là N-nitrosamines.

Bên cạnh đó, thuốc lá “nhẹ”, "thuốc lá dành cho nữ" cũng đang được quảng cáo an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường do có lượng nicotine và hắc ín thấp hơn. Tuy nhiên, đây là một quảng cáo gây nhầm lẫn. Lượng chất độc đo được trong điếu thuốc lá khác với lượng chất độc đi vào cơ thể. Cách hút sâu và nông khác nhau dẫn đến lượng chất độc vào cơ thể khác nhau.

Do lượng nicotine trong thuốc lá “nhẹ”, loại dành cho “nữ” thấp hơn thuốc lá điếu thông thường nên người hút thuốc lá sẽ tự động hút sâu hơn để bù trừ lượng nicotin thiếu. Như vậy, lượng chất độc đó cũng vào cơ thể với liều lượng tương đương hút thuốc lá điếu thông thường.  

Võ Thu, Phạm Bắc, Thành Huế, Thu Hằng

Văn Bắc và nhóm PV, BTV