Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Bởi vậy, hiệu quả từ các lớp học này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, đối ngoại Biên phòng, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh, giúp cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
“Nghe dân nói, nói dân hiểu”
Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng có nhiệm vụ quản lý địa bàn 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu với trên 10km bờ biển, có 3 dân tộc cùng sinh sống: Khmer, Kinh và Hoa (trong đó, người Khmer chiếm trên 70%). Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong đó có trở ngại về ngôn ngữ để đến gần hơn với dân, góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới.
Đóng quân ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, bên cạnh việc am hiểu phong tục tập quán của đồng bào thì việc học tiếng Khmer là vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa CBCS với người dân, để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, tạo được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân với người lính quân hàm xanh.
Xuất phát từ tình hình đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đồn Biên phòng Lai Hòa đã tổ chức mở lớp học tiếng dân tộc Khmer ngay tại đơn vị để giúp CBCS nghe, hiểu và nói thành thạo tiếng dân tộc. Thời gian học được bố trí vào chiều thứ 2 và thứ 6 trong tuần và tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ tại đơn vị.
Sabaidi - Xin chào
Sabaidi - Xin chào: Đó là câu đầu tiên mỗi khi vào lớp của các học viên học tiếng Lào, do Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An mở. Cứ vào lúc 7 giờ 30 phút tối thứ 3 và thứ 4 hàng tuần, Trung tá Nguyễn Khắc Hợi, Đội phó Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy lại cùng đồng đội đến hội trường đơn vị để học tiếng Lào.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy đứng chân trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, quản lý 6,595km đường biên, 4 mốc và 1 cửa khẩu chính. BĐBP Nghệ An quản lý đường biên giới trên bộ dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay của nước bạn Lào.
Để tạo thuận lợi trong giao tiếp và trao đổi thông tin, tình hình với các lực lượng chức năng của bạn Lào, đơn vị đã tăng cường dạy tiếng Lào cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng có liên quan trên địa bàn. Để không bị ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, đơn vị đã bố trí thời gian học vào buổi tối, giáo viên là cán bộ của đồn đã được đào tạo tiếng Lào.
Các lớp học này do đồn Biên phòng chủ trì xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình sát với thực tế yêu cầu nhiệm vụ. Học viên là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đứng chân trên địa bàn. Trong quá trình học, các lớp tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, đảm bảo chặt chẽ, chất lượng. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học đều nắm nói và viết được tiếng Lào, vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác có hiệu quả.
Trong năm 2022, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy và Đồn Biên phòng Thông Thụ đã mở 3 lớp dạy tiếng Lào.
28 cán bộ đồn Biên phòng tuyến núi học tiếng Pa Kô, Tà Ôi
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện A Lưới mở lớp tiếng dân tộc năm 2016 cho 28 cán bộ đang công tác tại các đồn Biên phòng tuyến núi tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lớp học sẽ giúp cho cán bộ, chiến sỹ các đơn vị nghe, hiểu và nói được tiếng dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền vận động, xây dựng mối đoàn kết hữu nghị với cấp ủy chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc của Lào ở khu vực biên giới tiếp giáp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.
Trong thời gian 4 tháng, các học viên được học những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; các nội dung phản ánh về cuộc sống, văn hóa của dân tộc thiểu số có tiếng nói và chữ viết được dạy học; kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, qua đó, giúp người học có khả năng tuyên truyền cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống; chú trọng cho người học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để người học sử dụng thành thạo tiếng dân tộc thiểu số.
Khai giảng lớp học tiếng Mông
Hồi giữa năm nay, tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP tỉnh Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ khai giảng lớp học tiếng dân tộc Mông cho các học viên là cán bộ, công chức tại các huyện, xã, thị trấn có đồng bào Mông sinh sống và sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền của tỉnh.
Theo kế hoạch, lớp học sẽ được đào tạo bằng hình thức tập trung trong thời gian 70 ngày, theo giáo trình, tài liệu do UBND tỉnh Thanh Hóa biên soạn.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Đại tá Nguyễn Văn Thú, Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban tổ chức lớp học, các giáo viên và học viên khắc phục khó khăn, chấp hành tốt các nội quy, quy định, tích cực học tập, nghiên cứu đảm bảo sau thời gian học tập có thể nghe, hiểu, nói, viết thành thạo được tiếng và biết rõ tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông. Từ đó, làm cơ sở tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Thúy Nga, Ngọc Dũng, Hoàng Hà