Dưới đây là những mánh khóe Amazon sẽ sử dụng để dụ dỗ bạn mua sắm càng nhiều càng tốt trong ngày Prime của mình (thực ra ngày Prime kéo dài đến 2 ngày!)
Đồng hồ đếm ngược
Amazon không chỉ tìm cách thuyết phục bạn rằng bạn phải mua sắm trong ngày Prime nếu không muốn bỏ lỡ những deal hời nhất, mà Amazon còn thêm vào một chiếc đồng hồ đếm ngược ngay bên dưới một vài món đồ nhất định. Nếu bạn không tận dụng những deal Prime có thời gian giới hạn này trước khi đồng hồ đếm hết giờ, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm một khoản tiền kha khá! Tuy nhiên, bạn sẽ có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn nữa bằng cách tiếp tục để đồng hồ chạy, hoặc đóng ứng dụng Amazon lại, hoặc...làm bất kỳ thứ gì khác. Nhưng thế thì còn gì vui đúng không?
Những món hàng độc quyền
Amazon sử dụng ngày Prime như một cách để tung ra các món hàng độc quyền, chỉ dành riêng cho thành viên Prime, như một chiếc khăn quàng cổ AmazonBasics gắn mác Disney Frozen chẳng hạn. Nếu lũ nhóc nhà bạn thích phim Frozen, bạn chắc chắn muốn tậu ngay cho chúng một chiếc khăn hiếm có, chỉ bán trong một khoảng thời gian nhất định đúng không nào? Vì nếu không mua thì bạn quả là một bậc phụ huynh tồi tệ khi chẳng quan tâm gì đến con mình, hay các deal ngon của Amazon!
Số lượng sản phẩm giới hạn
Amazon là nơi bạn có thể mua bất kỳ sản phẩm nào mình hình dung ra với số lượng không giới hạn - nhưng trong ngày Prime, Amazon muốn bạn biết rằng những món hời nhất không hề vô hạn. Cứ nhìn vào thanh tiến trình bên dưới các deal ngày Prime, bạn sẽ thấy số lượng hàng còn lại.
Mánh khóe này hoạt động theo hai phương thức. Đầu tiên, nó tạo ra cảm giác khan hiếm. Thứ hai, nó tạo ra một thứ gọi là "bằng chứng xã hội": nói đơn giản, khi Amazon cho bạn thấy có nhiều người đã mua món hàng bạn đang xem, nó khiến món hàng đó có vẻ phổ biến hơn và có giá trị hơn. Nếu mọi người đều đã mua nó, có lẽ bạn cũng nên mua chăng? Và bạn nên mua nhanh lên trước khi thêm nhiều người khác vào giành mất phần!
Tín dụng Amazon
Amazon sẵn sàng đổ tiền quảng cáo bằng cách tặng người dùng tín dụng Amazon trị giá 10 USD nếu họ thực hiện một số thao tác được yêu cầu, như đăng ký trên ứng dụng Amazon lần đầu tiên, cài đặt Amazon Assistant trên laptop, mua sắm tại Whole Foods... Có vẻ kiếm tiền dễ quá đúng không? Sao không tranh thủ cộng số tiền (nhỏ) đó vào số tiền (lớn hơn) trong túi bạn để mua vài thứ hay ho trong ngày Prime nhỉ?
Thông báo và báo động
Sau khi bạn đã cài ứng dụng Amazon trên điện thoại và Amazon Assistant trên laptop, đã đến lúc sử dụng chúng...để giúp Amazon bán được nhiều món hàng cho bạn hơn! Chỉ cần yêu cầu ứng dụng Amazon và Assistant theo dõi các deal mong muốn trong ngày Prime và gửi cho bạn thông báo/báo động khi những deal đó chính thức được bán ra. Nhờ đó, bạn có thể làm việc như thường, cho đến khi có thông báo đã đến lúc mua hàng rồi!
Mở khóa phần thưởng
Amazon muốn biến trải nghiệm mua sắm thành giống như chơi game, nên họ đã tạo ra những phần thưởng có thể mở khóa, bên trong có chứa các mã giảm giá đối với một món hàng đã chọn. Để mở khóa được phần thưởng, bạn phải tham gia vào một hoạt động trên ứng dụng Amazon, như "View In Your Room", tức dùng camera trên điện thoại để cho bạn thấy phòng khách của bạn sẽ trông ra sao khi đặt một cái ghế hay cái đèn mà Amazon bán vào đó.
Tất nhiên, khi bạn thấy phòng khách của mình trông quá đẹp khi có thêm cái đèn, bạn chắc chắn sẽ mua nó. À, và bạn đã mở khóa được phần thưởng là mã giảm giá 20% nhé!
Nếu bạn muốn tiết kiệm một ít tiền vào những thứ mình dự định mua, ngày Prime của Amazon là một cơ hội để làm điều đó. Nhưng hãy cẩn thận vì Amazon luôn muốn bạn mua nhiều hơn so với những gì bạn có trong danh sách, và họ sẽ sử dụng mọi mánh khóe có thể để đảm bảo bạn dành càng nhiều thời gian mua sắm trên Amazon trong ngày Prime càng tốt.
Sau khi đọc bài viết này, bạn đã nắm được một vài mánh khóe dễ nhận biết nhất rồi, nên hãy cố để tránh rơi vào bẫy nhé.
Tuy nhiên, nếu bạn không thể cưỡng lại sức hút của những món hời, thì cũng không nên buồn, vì ít nhất bạn cũng được giảm giá rồi!
Tham khảo: LifeHacker