Đã rất lâu rồi, người ta mới thấy cảnh tượng đặc biệt này tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ngồi trong một góc hành lang, người bảo vệ gọi với khi thấy tôi: “Nếu cháu muốn chụp ảnh, để bác bật điện lên cho sáng nhé. Không còn bệnh nhân, tắt đèn như thế này cho tiết kiệm điện”.
Hình ảnh dãy hành lang tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh những ngày này |
Từ ngày miền Bắc ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên (ngày 31/1), Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh là đơn vị tuyến đầu tiếp nhận, khám sàng lọc cho các bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, khoa cũng chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng hoặc những ca có triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, khó thở, đau mỏi cơ.
Hơn 1 tuần nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương không ghi nhận ca bệnh mới. Trong số 40 bệnh nhân Covid-19 còn đang điều trị tại đây, có 6 trường hợp nặng được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực. Những bệnh nhân còn lại là các ca nhẹ hoặc không có triệu chứng được phân bổ cho 2 Khoa Nội tổng hợp và Virus – Ký sinh trùng.
Không có ca Covid-19 mới, cũng không có trường hợp tiến triển xấu, hơn 1 tuần nay, Khoa Cấp cứu tạm thời dừng hoạt động, giảm quy mô phòng ban và số lượng nhân lực trực tiếp chăm sóc người bệnh.
Kíp nhân viên y tế tại khoa đã có một vài người được về nhà nghỉ ngơi, chỉ còn 10 bác sĩ, điều dưỡng ở lại trực, vừa cách ly tại viện.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, những ngày này, anh và các đồng nghiệp tập trung hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, tổng kết kinh nghiệm sau quá trình điều trị cho từng ca bệnh. Thời gian rảnh còn lại, y bác sĩ người gọi về cho gia đình, người đọc sách báo, tập thể dục thể thao.
“Nhiều người rỗi rãi quá còn tranh thủ đi học tiếng Latinh để biết nhiều hơn về các biệt dược”, bác sĩ Cấp mỉm cười, nói.
Những phòng bệnh đóng kín cửa do không có bệnh nhân |
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng Khoa Cấp cứu thì chia sẻ, bản thân anh và các đồng nghiệp rất vui trước những diễn biến tích cực của tình hình dịch bệnh, tuy nhiên đó là cảm giác “vui có chừng mực”.
“Lượng bệnh nhân ít đi không có nghĩa là dịch Covid-19 đã kết thúc. Chúng tôi vẫn luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống”, anh Bắc nói.
Nếu không có diễn biến mới, hơn 10 ngày nữa khi hết thời gian cách ly, các y bác sĩ còn lại trong khoa sẽ được trở về nhà nghỉ ngơi 1- 2 tuần trước khi quay lại viện tiếp tục công việc. Tuy nhiên, bác sĩ Bắc không hẹn trước với gia đình ngày trở về.
“Tôi thường nói với vợ, anh sẽ chỉ gọi thông báo trước ngày về 1 hôm. Bởi số ngày còn dài, biết đâu có ca bệnh cần cấp cứu thì chúng tôi sẽ tiếp tục phải ở lại’, bác sĩ Bắc tâm sự.
Làm việc tại nơi có các ca Covid-19 nặng, anh Bắc đã quen với bộ đồ bảo hộ kín mít mỗi khi phải vào buồng bệnh điều trị cho bệnh nhân. Anh bảo, lúc có ca diễn biến xấu, anh và nhiều đồng nghiệp thậm chí còn “luyện” được thói quen gần nửa ngày không ăn, không uống, không đi vệ sinh để có thể luôn theo dõi sát bệnh nhân.
“Khi mặc đồ bảo hộ, lực đè ép của mặt nạ thường xuyên tạo ra những vết hằn trên mặt, thậm chí có lần xong việc tôi mới biết mặt bị chảy khá nhiều máu do phần nhựa thừa trên kính bảo hộ đâm phải. Nhưng chúng tôi quen rồi nên không hề cảm thấy khó khăn”, bác sĩ Bắc kể.
Bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW 2 |
Với nhiều bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, thời gian khi điều trị các ca bệnh thường trôi qua rất nhanh vì phải liên tục đưa ra đánh giá, điều chỉnh can thiệp theo diễn biến của người bệnh.
Tuy nhiên, từng ngày cách ly tại viện trước khi được trở về nhà lại thật dài. Bác sĩ Bắc đã xa nhà hơn 1 tháng, bác sĩ Cấp cũng chưa về nhà khoảng 2 tháng nay. Rất nhiều y bác sĩ khác thậm chí còn ở lại viện ngay từ thời điểm có ca dương tính đầu tiên.
“Khoảnh khắc khi thấy các đồng nghiệp vẫy tay chào mình để rời viện, tôi cũng có chút buồn và chạnh lòng vì nhớ người thân. Chỉ mong dịch sớm qua để tất cả chúng tôi đều được trở về thăm gia đình một thời gian”, anh Bắc tâm sự.
Khi được về nhà, bác sĩ Cấp dự định sẽ đưa cả gia đình về quê, bác sĩ Bắc sẽ thực hiện lời hứa đi chơi cùng đứa con 3 tuổi.
Tuy nhiên, song song với dự định của bản thân, họ cùng các bác sĩ khác của Khoa Cấp cứu nói riêng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói chung vẫn luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để quay trở lại với công việc bất cứ lúc nào.
Nguyễn Liên
Câu chuyện nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 qua lời kể người bảo vệ
- Hơn 1 tháng ở lại bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19, ông Ngọc đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động về đội ngũ nhân viên y tế tại đây.