- Nhờ có sự giúp sức của những con người thầm lặng ấy mà mỗi mùa thi ĐH đi qua, đọng lại không chỉ có những ánh mắt, gương mặt lo âu mà cả sự ấm áp của tình người.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

1. Trong phòng thi là “cuộc chiến” căng thẳng của các thí sinh . Nhưng bên ngoài những câu chuyện đầy cảm động.

Sau môn Toán của buổi thi Đại học đầu tiên, tại Cần Thơ, hàng ngàn thí sinh được nhận cơm chay và nước uống miễn phí của chùa Phước Hưng phát ngay trước cổng trường. (Ảnh: Quốc Huy)

Ở Đà Nẵng năm nay, sinh viên tình nguyện (SVTN) nghĩ ra cách nhảy flashmob cổ vũ các em trước khi thi ĐH. SVTN Trường CĐ Nghề Đà Nẵng thì lên kế hoạch trao tận tay các sĩ tử hơn 1.000 cốc nước chanh đường miễn phí.

Tại nhiều điểm thi, thí sinh và phụ huynh còn được các SVTN phục vụ ca nhạc miễn phí.

Đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi lã chã trên trán, Trương Huy Hoàng, k55 khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) tâm sự: “Bao lần tình nguyện nhưng đây là kỷ niệm xúc động nhất với em. Khi đang dắt xe lên vỉa hè cho bác phụ huynh thì bác rút tập khăn ướt ra, nói cháu lau đi cho đỡ mệt rồi nghỉ nhé”.

Đến cuối giờ thi môn Lý chiều 4/7 nhóm SVTN của Trường ĐH Khoa học tự nhiên lại giúp đưa một nữ thí sinh quê ở Thái Bình bị ngất đi BV Xây dựng gần đó cấp cứu. Khi tình hình khá hơn nhóm đưa em về nghỉ ở khu ký túc xá gần đó.

Sinh viên tình nguyện đứng phân làn giao thông trước cổng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung)

2. Với những học trò nghèo như tôi và bao bạn học sinh khác, về thủ đô thi đại học với bố mẹ là nỗi lo lớn.

Ông Đặng Chư (đứng) hỏi thăm thí sinh và người nhà trong lúc dùng cơm (Ảnh: Phan Thành/Tuổi trẻ).

Thế nên chứng kiến hành động của gia đình bác Đặng Chư ở TP Huế nấu 2.400 suất cơm miễn phí và đón tiếp thí sinh đến ăn tại nhà mình trong ba ngày diễn ra kỳ thi đại học rồi giáo hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế với 12.000 suất cơm như thế hay một giảng viên về hưu vận động 600 suất cơm miễn phí giúp thí sinh …. tôi tin sau này nếu những thí sinh kia có được nếm sơn hào hải vị cũng chẳng thể quên.  

3. Có lẽ mọi người chẳng sai khi gọi người phụ nữ tuổi đã 80, tóc bạc trắng, ngày ngày đi bán vé số dạo để nuôi thân và làm tình nguyện ấy là “bà tiên” hay “tỷ phú của tình thương”.

Bà cụ Hồng dọn dẹp nhà cửa để đón các sĩ tử nghèo. (Ảnh: Mi An/Phunutoday)

Bà cụ thuê một căn nhà nhỏ, sạch sẽ, thoáng mát. Từ 20 năm nay, mỗi mùa thi bà nhận từ 10 đến 12 sĩ tử nghèo về rồi lo cho ăn cho ở mà không lấy một đồng tiền nào. Bà và các cháu rau cháo qua bữa.

Sẽ nhiều người thắc mắc rằng tại sao một bà cụ nghèo nuôi mình còn vất vả, phải chạy ăn từng bữa lại “đèo bòng”, làm tình nguyện? Tại sao và tại sao. Nhưng, xin đừng hỏi nữa mà hãy hành động giúp đời, giúp người như bà. 

4. Đọc những câu chuyện người cha người mẹ đưa con đi thi đại học trên VietNamNet của tác giả Quỳnh Anh hẳn sẽ rất nhiều người sẽ khóc.

Ở mỗi nhân vật tôi đều thấy hình ảnh của bố mẹ tôi trong đó. Những con người lam lũ, quanh năm vất vả, bữa ăn là cơm nuôi và chỉ vài cọng rau, thịnh soạn chút thì thêm có lát thịt thái mỏng rim mặn ăn cùng. Họ sẵn sàng chắt bóp từng đồng gửi lên cho tôi ăn học thời sinh viên nhưng chẳng một lời kêu ca.

Chị Lê Thị Thỏa bên gánh hàng rong tại một khu chợ cóc ở Cầu Giấy - Hà Nội (Ảnh: Quỳnh Anh)

Hạnh phúc biết bao khi có một người mẹ như cô Lê Thị Thỏa. Người phụ nữ tảo tần một tay nuôi nấng ba người con: đứa mới vào cấp 2, đứa vừa lên lớp 11 và một sinh viên năm thứ hai.

Và đây là lời tâm sự của mẹ: “Buốt ruột buốt gan khi nhìn con khóc nức nở vì không làm được bài trong kỳ thi đại học, người mẹ chỉ có duy nhất một ý nghĩ: Cha mẹ yêu con, thương con thì đừng đặt ra cho con quá nhiều kỳ vọng, hãy để cho con được thoải mái, tự do với ước mơ của chúng”.

Hình ảnh thân cò của người mẹ Đàm Thị Xứng (Đông Anh, Hà Nội) khi ngày thu xếp cho con lên đường đi thi cũng là ngày người mẹ phải lén giấu đi tờ giấy triệu tập ly hôn của tòa án. Nước mắt nuốt vào trong, chị mỉm cười để con yên tâm bước vào kỳ thi mà cả hai mẹ con vẫn ấp ủ suốt bao nhiêu năm qua.

Lại là hình ảnh một người mẹ phải gà mái nuôi con khi người chồng mải mê cờ bạc, lô đề đã phụ bạc chị, bỏ đi theo người đàn bà khác rồi còn gây sự đánh đập mẹ con.

Người chồng tệ bạc ấy không biết sẽ nghĩ sao khi cùng là bố nhưng anh Phạm Văn Điểm (48 tuổi, quê Tứ Kỳ, Hải Dương) không ngần ngại cho biết, đây là lần thứ 7 anh đưa con đi thi đại học.

Anh tâm sự thật giản dị rằng muốn con thi vào sư phạm để: “Ra trường cho dù không xin được vào công lập, thì đi dạy thêm ở trường quê, trường làng cũng đủ sống. Mà như thế trong gia đình có người làm nghề giáo, bố mẹ cũng được nở mày nở mặt”. Nhà chỉ có 7 sào ruộng, anh Điểm phải xoay sở đi xây, đi phụ hồ để có thêm thu nhập.

Mong mỏi dù chưa trọn vẹn nhưng người cha ấy có quyền tự hào về những đứa con của mình bởi các con anh dẫu chưa được đỗ đạt, nhưng đứa nào cũng hiểu cũng thương và hiếu thuận với bố mẹ.

  • Phong Đăng