Nạn nhân

Sáng sớm, trong căn phòng của Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề TPHCM, anh Trần Duy Hòa, nhân viên xã hội dự án Phòng chống buôn bán trẻ em thuộc tổ chức Planète Enfants & Développement Vietnam (PE&D) ngồi xem hồ sơ các học viên của mình.

Anh lướt qua những ghi chép và dừng ở trang giấy ghi lại dòng tâm sự của cậu bé 14 tuổi tên T. (quê Bình Dương). Trước khi được đưa vào trung tâm, T. sống lang thang trên đường phố TPHCM.

Sau đó, em bị đối tượng xấu dụ dỗ, chở đến một trung tâm giới thiệu việc làm. Tại đây, người này bán T. cho một nhóm người lạ mặt.

Ngay sau đó, em được chở xuống tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đưa lên làm việc trên tàu đánh cá. Chủ tàu hứa sẽ trả cho T. 12 triệu đồng sau 4 tháng làm việc.

W-bao-ve-tre-em-1.JPG.jpg
Anh Hòa xem lại những ghi chép về hoàn cảnh các em nhỏ. Ảnh: Hà Nguyễn

Tuy nhiên, khi sắp đến kỳ hạn trả lương, chủ tàu liên tục gây khó dễ. Cuối cùng, người này lấy lý do T. không đáp ứng công việc, chở em vào bờ và không trả lương như đã hứa.

Không có việc làm, không có tiền nuôi sống bản thân, T. tiếp tục lang thang cho đến khi được đưa vào trung tâm. Tại đây, T. được anh Hòa hỗ trợ việc tái hòa nhập xã hội, tư vấn nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng sống.

Anh Hòa nhiều lần tiếp xúc, ghi nhận các trường hợp trẻ dưới 16 tuổi là nạn nhân của tình trạng buôn bán trẻ em. Trong lần đến hỗ trợ một em nhỏ tại Đắk Lắk, anh phát hiện người bác của em có hành vi tập trung những đứa trẻ 13-14 tuổi nghỉ học, cần việc làm.

Người này kết nối với đầu mối tại TPHCM, đưa các em xuống thành phố làm việc để thu lợi 2 triệu đồng/em. Tại TPHCM, các em được đưa vào các xưởng sản xuất tư nhân làm việc với lời hứa nhận 20 triệu đồng/năm. Song, các em chỉ được 18 triệu đồng. Bởi, 2 triệu đồng còn lại đã bị chủ trích ra, trả cho người môi giới, đưa các em xuống thành phố làm việc.

“Dẫu vậy, khi các em làm việc gần hết năm thì bị chủ tìm cách đuổi việc hoặc gây khó dễ buộc các em phải tự nghỉ việc. Bằng cách này, người sử dụng lao động không phải trả tiền cho các em. Các em không có tiền để về quê đành đi lang thang, trở thành trẻ em đường phố”, anh Hòa nói.

Một trong những trường hợp như vậy là cậu thiếu niên tên L.H.N. (15 tuổi, quê Hà Giang). N. được một người đưa vào TPHCM với mục đích bóc lột sức lao động.

bao-ve-tre-em-3.jpg
Anh Hòa trong lần kết hợp với chính quyền địa phương đưa N. về tận nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại đây, em được đưa vào làm việc trong xưởng may gia công tư nhân với lời hứa sẽ nhận 18 triệu đồng/năm. Mặc dù phải làm việc liên tục từ 7h30 đến 21-22h mỗi ngày nhưng gần hết năm, N. bị chủ làm khó, quỵt lương, đuổi khỏi cơ sở.

Không có tiền về quê, N. lang thang và được đưa vào trung tâm. Tại đây, N. mở lòng, chia sẻ câu chuyện của mình với anh Hòa và được anh hỗ trợ, kết hợp với chính quyền địa phương đưa về đến tận nhà.

"Vá lành" vết thương

Tại Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề TPHCM, anh Hòa xem học viên là những “học trò” đặc biệt của mình. Bởi, hoàn cảnh của các em đều có “vấn đề” và cần được hỗ trợ, vá lành những tổn thương.

Khi các em được đưa vào trung tâm, anh Hòa tiếp cận, khảo sát thông tin. Anh đối chiếu với các tiêu chí sẵn có để nhận biết, phân loại em nào thuộc diện được dự án quan tâm, đồng hành.

Có danh sách, anh và đồng nghiệp tiến hành “vá lành” những tổn thương của các em bằng nhiều hoạt động cụ thể. Bước đầu, anh kết hợp với trung tâm, liên hệ gia đình để nắm tâm tư nguyện vọng của các em và phụ huynh của mình.

Anh và những đồng nghiệp cũng hỗ trợ hoàn tất giấy tờ tùy thân cho các học viên chưa đầy đủ giấy tờ cần thiết. Tại trung tâm, các em được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, hướng nghiệp theo sở thích, năng khiếu bản thân.

bao-ve-tre-em-4.jpg
Anh Hòa thăm gia đình của bé từng được mình hỗ trợ, đồng hành tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các em cũng được khám sức khỏe thể chất định kỳ. Đặc biệt, các em được khảo sát về sức khỏe tâm lý. Nếu có dấu hiệu tổn thương, cần điều trị, anh Hòa liên hệ, phối hợp với các chuyên gia tâm lý đến kiểm tra, trị liệu.

Anh Hòa thông tin: “Hàng tháng, chúng tôi tổ chức các buổi sinh hoạt, hướng dẫn cho các em những kỹ năng sống như: Tránh bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình…

Chúng tôi cũng thành lập các câu lạc bộ vui chơi, thể thao để các em tham gia. Mục đích là khi rời trung tâm, các em có thể hòa nhập cộng đồng thật tốt.

Quan trọng hơn, chúng tôi mong muốn các em sẽ có được một nghề nào đó phù hợp với mình để giúp các em kiếm được đồng tiền lương thiện tự nuôi sống bản thân, không gây hại cho xã hội”.

Vì hầu hết các em được đưa vào trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt như: Bố mẹ bỏ nhau, đi tù, nghiện ma túy… nên việc đồng hành, hỗ trợ của những người trong dự án gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, đến nay dự án đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ.

Nhiều em là nạn nhân của tình trạng buôn bán, bóc lột sức lao động, tình dục tại TPHCM đã và đang được những người như anh Hòa đồng hành, hỗ trợ. Các em sau khi trở về nhà, hòa nhập cộng đồng có cuộc sống tốt, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân như có gia đình, nơi ở ổn định, có việc làm, sống lương thiện…

bao-ve-tre-em-2.jpg
Đa số các em nhỏ tại trung tâm đều có những tổn thương tâm lý nên anh Hòa phải thường xuyên gần gũi, tạo niềm tin để được các em chia sẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh chia sẻ: “Ngoài các bạn nam, nhiều em nữ vốn là nạn nhân của tình trạng bóc lột tình dục. Sau khi được hỗ trợ, về gia đình, cuộc sống của các em có những chuyển biến tích cực. Gần đây nhất là trường hợp của em tên L.M.

Trước đó, bố mẹ M. sang Campuchia làm việc. Em ở lại Việt Nam với mẹ nuôi. Sau khi 2 mẹ con thất lạc, em trở thành nạn nhân của nạn bóc lột sức lao động và bị lạm dụng.

Trước khi được đưa vào trung tâm, em mưu sinh bằng việc bán đồ lặt vặt ở quán nhậu từ đêm đến sáng hôm sau mới được nghỉ. Vào trung tâm, em được đồng hành, hỗ trợ học văn hóa, học nghề may, làm nail, trang điểm…

Sau một thời gian, chúng tôi đã tìm thấy, kết nối và hỗ trợ em trở về đoàn tụ cùng người mẹ nuôi. Trở về gia đình, em có công việc, em học thêm nghề phụ liệu tóc nên cuộc sống cơ bản đã ổn định”.