Dưới đây là 8 ví dụ về các tác phẩm cho thấy ranh giới giữa thiên tài và kẻ chơi khăm đôi khi chỉ nằm ở sự thành công.

1. “Suối nguồn” của Marcel Duchamp

Bao gồm một chiếc bồn tiểu được mua ở một cửa hàng bán đồ gia dụng và đặt trên một chiếc đôn, tác phẩm mang tên “Suối nguồn” năm 1917 đã tái định nghĩa các khái niệm đương đại về giá trị nghệ thuật. Tác phẩm này được Marcel Duchamp, người đã ký lên nó dưới bí danh R. Mutt, gửi đến một phòng trưng bày ở New York.

{keywords}
Tác phẩm “Suối nguồn” của Marcel Duchamp

Tác phẩm được để ở một góc khuất trong buổi trưng bày, nhưng đã trở thành chủ đề tranh luận kể từ đó đến nay. Năm 2004, người ta đã tôn vinh nó là tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong nghệ thuật hiện đại.

“Suối nguồn” là thứ nổi tiếng nhất trong một loạt các vật dụng thường ngày mà ông Duchamp tuyên bố là các tác phẩm nghệ thuật. Không rõ số phận của tác phẩm gốc hiện ra sao, song nghệ sĩ này sau đó đã làm ra một số bản sao. Một trong số đó được bán với giá 1,7USD.

2. “Táo” của Yoko Ono

Hơn năm thập kỷ trước khi Maurizio Cattelan bắt đầu dán chuối lên tường, nghệ sĩ người Nhật Bản Yoko Ono đã trưng bày một quả táo được đặt trên một chiếc đôn làm bằng kính Acrylic. Một tấm bảng bằng đồng thau được gắn bên dưới, vỏn vẹn ghi chữ “Táo”.

{keywords}
Tác phẩm “Táo” của Yoko Ono

Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật năm 1966 này được biết đến nhiều nhất với vai trò của nó trong cuộc hôn nhân nổi tiếng giữa Ono và thành viên ban nhạc The Beatles, John Lennon. Thích thú với tác phẩm và mức giá 200 bảng Anh (hơn 6 triệu đồng), John Lennon đã cắn một miếng của quả táo khi anh đi quanh buổi trưng bày của Ono tại Phòng trưng bày Indica ở London.

“Anh ấy cứ thế cầm nó lên, cắn một miếng và nhìn tôi như thể: “Đó, bạn hiểu không?”, nữ nghệ sĩ sau đó nhớ lại. “Tôi giận điên người, tôi chẳng biết nói gì nữa”.

3. “Cái giường của tôi”

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất từng lọt vào danh sách đề cử cho giải thưởng Turner cao quý của Anh, “Cái giường của tôi” của tác giả Tracey Emin đã làm dấy lên các cuộc tranh luận nảy lửa về ranh giới của nghệ thuật đương đại.

{keywords}
Tác phẩm “Cái giường của tôi” của Tracey Emin

Tác phẩm gồm chiếc giường chưa dọn của Emin và bao quanh bởi rác rưởi. Trong khi giá trị nghệ thuật của tác phẩm vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, thì giá trị thực tế của nó đã tăng vọt kể từ khi nó được tạo ra năm 1998. “Chiếc giường của tôi” đã được bán với mức giá hơn 2,5 triệu bảng (76 tỉ đồng) ở nhà cái Christie, London năm 2014.

4. “Tình yêu trong thùng rác” của Banksy

Chỉ ít giây sau khi bức “Bé gái với quả bóng bay” được bán ở buổi đấu giá năm 2018, tác phẩm nổi tiếng đã “tự phá hủy” ở nhà cái Sotheby tại London. Gây bất ngờ cho những người tham dự và cả giới nghệ thuật, nghệ sĩ đường phố này đã gắn vào khung tranh một cơ chế cắt sợi.

{keywords}
Tác phẩm “Tình yêu trong thùng rác” của Banksy

Banksy sau đó đã đặt tên lại cho tác phẩm thành “Tình yêu trong thùng rác”, và bất chấp việc bức tranh đã bị hủy hoại một phần, người thắng cuộc trong buổi đấu giá đã trả 1,04 triệu bảng (hơn 31 tỉ đồng), giữa các lời đồn đoán rằng giá trị của tác phẩm có thể còn tăng cao hơn nữa.

Bốn tháng sau, tác phẩm này được đưa ra trưng bày tại Bảo tàng Frieder Burda ở Đức.

5. “Chân dung Iris Clert” của Robert Rauschenberg

Iris Clert là chủ một phòng tranh tại Paris, Pháp, nơi trưng bày tác phẩm của rất nhiều các nghệ sĩ có ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1971. Năm 1961, Iris có ý tưởng giao phó bức chân dung của bà cho một số họa sĩ, để trưng bày tại phòng tranh của bà.

{keywords}
Tác phẩm “Chân dung Iris Clert” của Robert Rauschenberg

Đáp lại đề nghị này, Robert Rauschenberg – một nhân vật quyền lực trong giới nghệ thuật Mỹ với các vai trò họa sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nhà thiết kế, nhà điêu khắc và nhà in ấn đồ họa – đã tinh nghịch gửi đến một bức điện tín ghi dòng chữ: “Đây là một bức chân dung của Iris Clert nếu tôi nói là như vậy - Robert Rauschenberg".

Tác phẩm này đã bác bỏ tất cả các quy ước thông thường của một bức chân dung.

6. “Nước Mỹ” của Maurizio Cattelan

Chiếc bồn cầu làm bằng vàng ròng 18 karat này được Cattelan trưng bày lần đầu tiên ở Bảo tàng Guggenheim tại New York năm 2016, và đã trở nên nổi tiếng hơn nữa sau khi nó bị đánh cắp từ Cung điện Blenheim ở Anh.

{keywords}
Tác phẩm “Nước Mỹ” của Maurizio Cattelan

Tác phẩm này được làm ra tại một xưởng đúc ở Florence, từ 100kg vàng. Trong lần trưng bày đầu tiên trước công chúng, hơn 100.000 người đã xếp hàng để sử dụng nó. Kể từ khi tác phẩm này bị đánh cắp, có ba người đã bị bắt, song tung tích của chiếc bồn cầu vẫn là một bí ẩn.

7. “Thành phố Tâm hồn (Kim tự tháp cam)” của Roelof Louw

Tác phẩm của tác giả người Nam Phi Roelof Louw này được trưng bày lần đầu tiên năm 1967, được làm từ những quả cam tươi xếp thành hình kim tự tháp trong một chiếc khung gỗ. Có khoảng 6.000 quả cam, và người xem được khuyến khích lấy một quả, như một cách tham gia vào tác phẩm nghệ thuật.

{keywords}
Tác phẩm “Thành phố Tâm hồn (Kim tự tháp cam)” của Roelof Louw

Nó đã được trưng bày rất nhiều lần và lần gần nhất là vào năm 2016 tại Bảo tàng Tate ở London.

8. “Chiếc cầu số 114” của Nat Tate

Bức tranh này được bán trong một buổi đấu giá ở nhà cái Sotheby năm 2011 với giá 7.250 bảng Anh (hơn 220 triệu đồng). Nó là một trong 18 tác phẩm còn lại của Nat Tate, người đã tự tử vào năm 1960 – hay ít nhất đó là tình tiết trong câu chuyện, vì sự thật là ông không tồn tại.

{keywords}
“Chiếc cầu số 114” của họa sĩ không có thật Nat Tate

Nat Tate là một nhân vật viễn tưởng được tạo ra bởi tiểu thuyết gia và biên kịch người Anh William Boyd vào năm 1998, khi ông phát hành cuốn “Nat Tate: Một họa sĩ Mỹ 1928-1960”. Để đi kèm với những câu chuyện chi tiết về người họa sĩ viễn tưởng, Boyd cũng đã tạo ra một số các bức tranh, và một trong số chúng đã được bán với giá cao hơn dự đoán. Khi xuất bản cuốn sách, Boyd đã không tiết lộ rằng Nat Tate không có thật, và sự thật này chỉ được vén màn tại thời điểm đấu giá.

Anh Thư