Evan A. Feigenbaum thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) chỉ ra rằng, nhiều người ở châu Á thích cách nói chuyện cứng rắn của Tổng thống Trump về Trung Quốc, khen ngợi chính quyền của ông đặt trọng tâm vào "cạnh tranh chiến lược" với Bắc Kinh. Tuy vậy, các chính sách của ông, đặc biệt là về thương mại và đầu tư, được cho là chưa đạt được mục tiêu này.
Ảnh: FT |
Và giờ đây, Tổng thống đắc cử Joe Biden có cơ hội thiết lập nền móng cho một sự cạnh tranh hệ thống hơn và hiệu quả hơn
Cách tiếp cận của ông Trump: Dài về quan điểm, ngắn về chiến lược
Dù Tổng thống Trump thường xuyên đưa ra những lời lẽ mạnh mẽ về cạnh tranh với Trung Quốc, nhiều chính phủ ở châu Á đánh giá các chính sách của ông không phù hợp với mục tiêu này, theo chuyên gia Evan A. Feigenbaum.
Một số nhà lãnh đạo, đặc biệt ở Đông Nam Á, muốn nhìn nhận khu vực của họ là sự cân bằng quyền lực hơn là các thuật ngữ mang tính ý thức hệ. Các đồng minh thân cận của Mỹ - đặc biệt là Nhật Bản và Australia - không ưa chính sách thương mại của ông Trump, ít nhất là quyết định của ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sau quyết định của ông Trump, 11 quốc gia đã đạt được TPP mà không có Mỹ - có hiệu lực, thiết lập các tiêu chuẩn thương mại và đầu tư của khu vực mà không có nền kinh tế lớn nhất (và cũng là bên đã đặt ra bộ tiêu chuẩn truyền thống này).
Khoảng cách giữa lời lẽ hùng biện và hành động của chính quyền Trump đã trở thành nguồn cơn gây khó chịu với nhiều chính phủ, vốn coi ràng buộc toàn diện của Mỹ như sự cân bằng cần thiết trước sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Giờ đây, các nước ở châu Á hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ duy trì lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc. Nhưng họ cũng hy vọng Washington sẽ điều chỉnh lại, đặc biệt là quay trở lại TPP (giờ đây được gọi là CPTPP - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Tuy nhiên, điều này thực sự khó thành hiện thực: Cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ đều đang tràn ngập hoài nghi về thương mại, và có thể Mỹ sẽ không bao giờ thực hiện một hiệp định thương mại đa phương lớn nào nữa.
Điều đó có nghĩa là Washington sẽ đứng ngoài cả hai hiệp định CPTPP và RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership – Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) vốn sẽ đặt ra các tiêu chuẩn thương mại và đầu tư ở châu Á cho cả một thế hệ. Sự vắng mặt này sẽ làm dấy lên những câu hỏi rằng liệu có phải Mỹ đang lụi tàn trên cương vị một chủ thể thiết lập quy tắc kinh tế kể cả khi nước này củng cố vai trò đóng góp về an ninh.
Ba thách thức của ông Biden
Trước hết, tuy hai đảng của Mỹ có sự đồng thuận về tăng cường các mối quan hệ đối tác, nhưng Tổng thống Trump đã gây rất nhiều xáo trộn. Ông quay lưng với những người Cộng hòa truyền thống khi đe dọa giảm bớt sự hiện diện của Mỹ và gia tăng áp lực chia sẻ gánh nặng về mặt chính trị. Vì vậy, các đồng minh châu Á giờ đây hy vọng chính quyền ông Biden và đảng Cộng hòa nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về tương lai vị thế an ninh của Mỹ.
Thứ hai, một số lo ngại ông Biden sẽ "làm mềm" các chính sách Trung Quốc của ông Trump, dù điều này có vẻ khó xảy ra trong bối cảnh cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Điểm tốt với ông Biden là theo đuổi sự cạnh tranh mà không đối đầu, như một cố vấn chiến dịch đã tuyên bố. Thế nhưng, nhiều chính phủ ở châu Á sẽ tỏ ra cảnh giác và thận trọng để xem giảm bớt đối đầu hơn liệu có dẫn đến sai lầm hay không.
Thứ ba, người châu Á đang chứng kiến một nước Mỹ bị chia rẽ bởi đảng phái, sa lầy vào những tranh cãi nội bộ và có rất ít sự đồng thuận. Nhiều chính phủ châu Á mong muốn các quan chức chính quyền Mỹ sẽ sớm "xuất đầu lộ diện", vì những chuyến thăm cũng như thông báo quan trọng trong 9 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ sẽ định tông cho chính sách châu Á mà có thể kéo dài xuyên suốt nhiệm kỳ của ông Biden.
Thanh Hảo
Ông Biden có 'mềm' với Trung Quốc?
Giới chức Bắc Kinh tin rằng, Mỹ vẫn sẽ giữ thái độ đối địch với sự trỗi dậy của Trung Quốc, bất kể ai là tổng thống.
Ngoại trưởng Mỹ quả quyết ông Trump sẽ làm tổng thống nhiệm kỳ 2
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ chối công nhận ông Joe Biden đã thắng cử và khẳng định đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.