Bàn về những thành tựu quyền con người, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve, Thụy Sĩ đánh giá như sau:

Thứ nhất, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện khung khổ luật pháp quốc tế cũng như pháp luật quốc gia, các cơ chế về quyền con người, cụ thể hóa và phát triển nội hàm của các quyền con người trên nhiều lĩnh vực nhằm bảo vệ các quyền cụ thể của con người nói chung và quyền của các nhóm người dễ tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người di cư,…

Ở cấp độ quốc tế, hàng loạt điều ước quốc tế về quyền con người đã được xây dựng, tạo khung khổ pháp lý quốc tế cho việc thực hiện các quyền con người trong mọi lĩnh vực trên toàn cầu. Luật Nhân quyền quốc tế tiếp tục phát triển và mở rộng nhằm giải quyết các vấn đề nhân quyền mới nổi, như quyền của người cao tuổi, quyền được biết sự thật, quyền môi trường trong sạch, nước, vệ sinh và thực phẩm, quyền tiếp cận công bằng với vắc-xin, quyền được tiêm chủng...

W-giaoduc-2.png
Lớp học tại trường PTDT bán trú tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Ở cấp độ khu vực, bên cạnh Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950, Công ước châu Mỹ về nhân quyền năm 1969, Hiến chương châu Phi về nhân quyền và quyền các dân tộc năm 1981, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN ra đời vào ngày 18-11-2012(3) là văn kiện chính trị quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tiến trình thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người của các nước ASEAN, được các nước ASEAN không ngừng nỗ lực thực thi và đạt nhiều tiến bộ, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Tuyên ngôn đã khơi dậy các phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thúc đẩy công bằng xã hội. Điển hình như, cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa khác ở châu Á và châu Phi vào cuối những năm 40 đến những năm 60 của thế kỷ XX; cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ và Nam Phi; các nỗ lực ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế về thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...

Đồng thời, thúc đẩy tạo ra hệ thống cơ chế quốc tế về quyền con người, bao gồm các cơ quan, cơ chế và tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm và thúc đẩy vấn đề quyền con người, như Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (năm 1993); Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (năm 2006); các Ủy ban Công ước của Liên hợp quốc về quyền con người.

Ngoài ra, còn có các cơ chế khu vực về quyền con người, như: Tòa án Nhân quyền châu Âu, Tòa án Nhân quyền châu Phi, Tòa án Nhân quyền châu Mỹ,… và các cơ quan liên chính phủ ở cấp độ khu vực về quyền con người, như Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Tuyên ngôn cũng thúc đẩy sự phát triển không chỉ của luật về quyền con người quốc tế, mà còn cả những lĩnh vực khác của luật quốc tế khác có liên quan nhằm thực thi quyền con người, như: luật nhân đạo quốc tế, luật quốc tế về trách nhiệm hình sự quốc tế và việc trừng trị các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người...

Thứ hai, các nước đã đạt được những thành tựu to lớn trong thực hiện các quyền con người trên hàng loạt lĩnh vực ở khắp thế giới, góp phần cải thiện nhiều về mức sống, sức khỏe, giáo dục, lao động, an sinh xã hội của mọi người trên thế giới.

Theo đó, quyền con người đã trở thành một trọng tâm trong hoạt động đối thoại toàn cầu về hòa bình, an ninh và phát triển. Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị và phát triển được công nhận là quyền có tính chất phổ quát, không thể phân chia và có sự tác động qua lại lẫn nhau. Không phân biệt đối xử và bình đẳng ngày càng được khẳng định là những nguyên tắc cơ bản của luật quyền con người quốc tế và là yếu tố thiết yếu của phẩm giá con người.

Những biện pháp bảo vệ rõ ràng được quy định tại các điều ước quốc tế nhằm bảo vệ trẻ em, phụ nữ, nạn nhân bị tra tấn, người khuyết tật. Quyền của phụ nữ được thừa nhận là quyền cơ bản của con người. Phân biệt đối xử và hành vi bạo lực đối với phụ nữ luôn là một trong những trọng tâm trong thảo luận về quyền con người.

Quyền con người của người khuyết tật được công nhận rõ ràng, đặc biệt và quan trọng nhất là quyền tham gia hiệu quả vào mọi lĩnh vực của cuộc sống trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Quyền của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới đã được đưa vào chương trình nghị sự quốc tế, được thảo luận tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc…

Sau 75 năm Tuyên ngôn thế giới về quyền con người ra đời và phát triển, quyền con người đã được ghi nhận là một trong những giá trị cốt lõi của loài người và là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia, khu vực. Đồng thời, việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người vẫn là một ưu tiên quan trọng của các quốc gia trên thế giới với mức độ và hình thức khác nhau.

Duy Tuấn và nhóm PV, BTV