Kịch bản sân khấu đáng quan ngại
Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 vừa khép lại sau 14 ngày tranh tài của các diễn viên và đơn vị nghệ thuật.
Đánh giá về các vở diễn tham gia liên hoan, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cho rằng hầu hết kịch bản được viết khá lâu.
"23 vở diễn được dàn dựng từ 22 kịch bản song không có tác phẩm nào xuất phát từ trại sáng tác hay của tác giả trẻ", NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định.
Theo ông Giàu, con số đó phần nào cho thấy được toàn cảnh về hoạt động sân khấu đang "chạy trốn khỏi hiện thực đời sống, vấn đề nóng bỏng của xã hội".
Ông đặt câu hỏi: Phải chăng do đội ngũ sáng tác thiếu hụt, thành phần sáng tạo né tránh những vấn đề đương đại? Hay thực trạng nằm ở quan niệm, cách chọn kịch bản của nhà quản lý đơn vị nghệ thuật?
"Kịch bản là nơi bắt đầu vở diễn, thực trạng trên rất đáng quan ngại. Sân khấu đang mất dần chức năng phản ánh hiện thực và dự báo", NSND Trần Ngọc Giàu bày tỏ.
Theo ông, sân khấu hoặc chỉ làm nhiệm vụ chính trị với đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng chờ tham dự liên hoan, hoặc chỉ nhằm bán vé cho khán giả có nhu cầu giải trí. Vì thế, phải có thêm người viết mới, cây bút trẻ để có những kịch bản đương đại.
Đạo diễn cũ và già
18 đạo diễn tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024, có 2 người dưới 30 tuổi, số còn lại già và cũ, có nghĩa họ không phải lần đầu tranh tài.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, một số vở không có hình thức mới cho nội dung cũ, không tìm tòi, phát hiện được tính thời đại cho câu chuyện đã qua. Với vở diễn dân gian lịch sử, không thấy ôn cố tri tân, kể chuyện chiến tranh như nó vốn có, thiếu góc nhìn hôm nay, các đạo diễn thiếu tính phát hiện.
Tuy nhiên, theo NSND Trần Ngọc Giàu, liên hoan đã tìm thấy điểm nhấn, nhân tố mới nổi trội, vở diễn bùng nổ vỡ òa cảm xúc, thăng hoa nghệ thuật như Đêm trắng (Nhà hát Kịch Việt Nam), Vòng tròn bội bạc (Nhà hát Kịch Hà Nội), Bắt quỷ (Kịch Hải Phòng).
Về mỹ thuật sân khấu, 10 hoạ sĩ thiết kế cho 23 vở diễn, theo ông Giàu là "chưa tương xứng với nội dung, bế tắc sáng tạo". Phần xử lý các tấm pano đẩy ra kéo vào, những mảng trang trí thả xuống kéo lên, lùng nhùng vải lụa… thủ pháp chưa cũ nhưng đưa vào không hợp lý đã khiến hiệu ứng ngược.
"Thiếu kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ để tạo ra hình thức mới cho vở diễn có nghĩa là bế tắc sáng tạo", ông nói.
Về phần âm nhạc trong các vở diễn, theo ông Giàu cần đặt tính chuyên nghiệp trong xây dựng tác phẩm và trên hết là văn hoá của người làm nghề vì "đang vi phạm luật bản quyền một cách công khai, cần xem xét lại quy chế cho liên hoan tiếp theo".
"23 vở diễn nhưng chỉ có 5 nhạc sĩ gắn tên trong tác phẩm. May mắn có một nhạc sĩ được mời viết cho 2 vở diễn, 18 tác phẩm khác sử dụng nhạc tự chọn. Điều này cho thấy sáng tác nhạc cho vở diễn không được xem trọng, chắp vá mô-típ âm nhạc", ông Giàu thẳng thắn bày tỏ.
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhìn nhận, thành công lớn nhất của liên hoan chính là khán giả: "Cụm từ 'KHÔNG CÒN CHỖ TRỐNG' được nhà hát ra thông báo trước mỗi suất diễn là một thành công lớn của liên hoan. Thương lắm khán giả xem kịch qua màn hình trước rạp. Chính những tràng pháo tay, sự hưởng ứng của họ đã giúp chúng tôi nhận xét, đánh giá chuyên môn chính xác hơn".