Từ nhiều năm nay, Ấn Độ chú trọng nghiên cứu phát triển, mua sắm các loại vũ khí chiến lược để trang bị cho quân đội, nhằm tăng cường khả năng răn đe chiến lược, đưa Ấn Độ trở thành cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

Tên lửa mặt đất

Một thời gian dài, thành phần chủ yếu trong lực lượng tên lửa chiến lược của Ấn Độ gồm: tên lửa tầm ngắn Prithvi I, tên lửa tầm ngắn Agni I, tên lửa tầm trung Agni II. Còn hiện nay, lực lượng nòng cốt là các tên lửa Agni III, IV và V.

Tên lửa tầm trung Agni III sử dụng nhiên liệu rắn, dài 17m, đường kính thân gần 2m, trọng lượng phóng 50 tấn. Agni III có tầm phóng trên 3.000km, được vận chuyển bằng đường sắt.

{keywords}
Tên lửa Agni-III của Ấn Độ. Ảnh : Missile Threat

Tên lửa Agni IV với tầm bắn trên 5.000km, có khả năng vươn tới các mục tiêu trọng yếu trên lãnh thổ các đối thủ tiềm tàng.

Tên lửa đạn đạo cận liên lục địa Agni V có tầm phóng 5.00-7.000km, có thể mang từ 2-10 đầu đạn hạt nhân tự tìm mục tiêu, đương lượng nổ 15-250 Kt/1 đầu đạn.

Với khả năng này, Agni V có thể tấn công các mục tiêu trên toàn lãnh thổ châu Á, vươn sang một phần châu Âu, châu Phi và một vùng lãnh thổ châu Mỹ. Agni V là loại tên lửa 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, dài 17,5m, đường kính thân 2m, trọng lượng phóng 55 tấn, được phóng từ các bệ phóng cơ động đặt trên xe hoặc tàu hỏa.

Với việc sở hữu tên lửa Agni V, Ấn Độ chính thức gia nhập câu lạc bộ các cường quốc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Máy bay

Đây là thành phần chủ yếu trong lực lượng tấn công chiến lược của Ấn Độ, trong đó Mirage 2000H, Jaguar IS/IB và có thể cả MiG-29 là những loại máy bay có khả năng làm nhiệm vụ hạt nhân.

Mirage 2000H (Ấn Độ gọi là Vajra-Thần sấm) là loại máy bay đa năng, được biên chế trong Phi đội 1 và 7 tại căn cứ không quân Maharajpur, cách thủ đô New Delhi khoảng 270km về phía đông nam. Máy bay Jaguar IS/IB (còn gọi là Shamsher-Thanh gươm), Ấn Độ hiện có 76 chiếc được biên chế trong 4 phi đội, trong đó 2 phi đội có nhiệm vụ liên quan đến tấn công hạt nhân.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Lực lượng chiến lược (SFC) đang thiết lập 2 phi đội máy bay chiến đấu chuyên dụng gồm các máy bay đa năng Su-30MKI và MiG-29, được trang bị thích hợp để phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Các máy bay này sẽ góp phần củng cố hệ thống mang vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Không quân Ấn Độ cũng đang nỗ lực trở thành một lực lượng không gian vũ trụ mạnh, có khả năng đáp ứng “khủng hoảng” ở bất cứ nơi nào trên thế giới với khả năng cơ động chớp nhoáng và chiều sâu chiến lược.

Vũ khí hải quân

Theo kế hoạch, đến năm 2025, hải quân Ấn Độ sẽ có 5 tàu ngầm hạt nhân INS Arihant (Người hủy diệt), là loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo đầu tiên do Ấn Độ nghiên cứu chế tạo. Tàu dài 110m, trọng tải 6.000 tấn, được trang bị 12 ống phóng đứng dùng cho tên lửa đạn đạo Sagarika bắn từ tàu ngầm với tầm hoạt động 300km.

Gần đây, một phiên bản khác của tên lửa Sagarika là K-15 đã được phóng thử từ tàu ngầm, với tầm phóng trên 700km, vượt qua dự đoán của Tình báo Mỹ. K-15 là hệ thống tên lửa 2 tầng phóng, tầng 1 sử dụng nhiên liệu lỏng, tầng 2 sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa dài 10m, đường kính 740mm, trọng lượng 17 tấn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng 1.000kg, tầm phóng của tên lửa có thể tăng lên 1.000km nếu sử dụng đầu đạn nặng 500kg.

Dù chỉ có tầm phóng 700km so với tầm phóng 5.000km của các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Pháp, song tên lửa K-15 là một bước tiến quan trọng đưa Ấn Độ trở thành cường quốc quân sự.  

Bởi, là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nhưng vai trò của nó giống như một tên lửa hành trình kiểu Tomahawk của Mỹ. Tên lửa được bảo quản trong các ống riêng biệt nhằm kéo dài thời gian sử dụng và dễ dàng tháo lắp trong lúc vận chuyển cũng như lắp đặt vào ống phóng. Tên lửa K-15 cũng sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và hệ định vị toàn cầu (GPS).

Một tên lửa khác của hải quân Ấn Độ có năng lực hạt nhân là Dhanush, phóng từ tàu chiến. Tuy nhiên, khả năng tấn công của loại tên lửa này bị giới hạn bởi tầm phóng 350km.

Để vươn tới các mục tiêu trong đất liền, tàu mang tên lửa Dhanush sẽ phải tiếp cận gần bờ biển của đối phương, điều này sẽ khiến nó dễ bị phát hiện và đánh chặn. Được biết, một loại đầu đạn nhẹ hơn 500kg cho tên lửa Dhanush đang được ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ nghiên cứu phát triển.

Chương trình phát triển các loại vũ khí chiến lược của Ấn Độ đang gặp một số khó khăn. Hiện Ấn Độ chỉ có các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất tầm ngắn và trung bình, trong khi đó chương trình phát triển tên lửa của hải quân nước này cũng đang tập trung cho loại tên lửa tầm trung. Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ tự thiết kế cũng chỉ có khả năng triển khai tên lửa tầm trung.

Theo các chuyên gia quân sự thế giới, do vậy, khả năng hạt nhân của Ấn Độ - với khoảng 110 đầu đạn hạt nhân, hiện chỉ có ảnh hưởng ở khu vực Nam Á và Tây Tạng (Trung Quốc).

Nguyên Phong

Ấn Độ và Singapore tập trận lớn gần Biển Đông

Ấn Độ và Singapore tập trận lớn gần Biển Đông

Cuộc tập trận mang tên SIMBEX-2021, diễn ra ở rìa phía nam của Biển Đông trong 3 ngày qua (2-4/9).

Xem Nga - Ấn Độ cùng tập trận chống khủng bố

Xem Nga - Ấn Độ cùng tập trận chống khủng bố

Theo giới chức quân sự Nga, mục đích của cuộc tập trận là nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến để đẩy lùi các cuộc tấn công khủng bố.