Vạch trần nhiều thủ đoạn xuyên tạc, nói xấu
Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, báo chí Việt Nam đã cùng đồng hành với Chính phủ, Bộ Y tế trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.
Các phóng viên, biên tập viên ở các tòa soạn báo chí dù là ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn kiên trì và bền bỉ trong việc đưa tin, bình luận, phóng sự về các ca nhiễm bệnh, gương người tốt việc tốt, cũng như phản bác các thông tin sai trái, thiếu trung thực, khách quan về tình hình dịch bệnh.
Trong một cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Báo chí góp phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn vạch trần nhiều thủ đoạn xuyên tạc, nói xấu việc phòng chống dịch bệnh của nhiều cá nhân, tổ chức phản động.
Cách báo chí trong nước tuyên truyền về dịch bệnh đã góp phần rất lớn nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân trong chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Ảnh minh họa. |
Vì thế, để thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam thì bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, còn có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.
Cách báo chí trong nước tuyên truyền về dịch bệnh đã góp phần rất lớn nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân trong chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Lan tỏa thông tin tích cực
Bài học truyền thông trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy, trong xu thế bùng nổ thông tin, vai trò, vị thế của báo chí và người làm báo đối với sự phát triển đất nước ngày càng được khẳng định, đặc biệt là trong công tác đấu tranh chống tiêu cực và lan tỏa những năng lượng tích cực.
Để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, với tinh thần "Xây đi đôi với chống", lấy "xây" là trọng tâm, thời gian qua, báo chí chính thống đã chủ động lan tỏa thông tin tích cực, dùng dòng thông tin tích cực để đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, bịa đặt.
Trên khắp các mặt báo, dòng thông tin tích cực đang dần trở thành dòng chủ lưu chính, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Những năm qua, báo chí chính thống không ngừng bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình và cách làm hay, biểu dương tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè thế giới.
Báo chí luôn là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Sự xuất hiện của mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực thì tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, xấu độc, thông tin giả mạo gây hại cho xã hội đang ngày càng gia tăng, có nguy cơ lấn át thông tin chính thống. Trong bối cảnh đó, báo chí đã nỗ lực thể hiện những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: Chính xác - chính thống - nhanh nhạy - có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin.
Các nhà báo chính là những chiến sỹ xung kích đi đầu trên mặt trận đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội.
Với đội ngũ hùng hậu trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ, có tính chuyên nghiệp cao và tiếp cận nhanh với công nghệ báo chí, truyền thông hiện đại, người làm báo Việt Nam thực sự là người chiến sĩ trong sự nghiệp "phò chính, trừ tà".
Thanh Hải