Trước vụ máy bay MH17 của Malaysia Airline bị bắn rơi tại Ukraina ngày 17/7 vừa qua, lịch sử hàng không thế giới cũng từng ghi nhận những vụ máy bay dân sự bị bắn hoặc nghi bắn rơi gây chấn động. Tuần Việt Nam giới thiệu loạt bài tư liệu điểm lại một số vụ trong số đó.

{keywords}
Hiện trường máy bay MH17 rơi tại Ukraina. Ảnh: Reuters

1."Albertina" DC-6B, Zambia, 15 người thiệt mạng, năm 1961

Chiếc "Albertina" DC-6B của hãng Transair, Thụy Điển bị rơi ở gần sân bay Ndola (Liên bang Rhodesia và Nyasaland, nay là Zambia) ngày 18/9/1961, làm thiệt mạng 6 thành viên tổ lái và 9 hành khách. Trong đó, hành khách nổi tiếng nhất là nhà ngoại giao người Thụy Điển Dag Hammarskjöld, khi ấy đang là Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Những thông tin không rõ ràng về vụ rơi máy bay, và đáng chú ý nhất là những giả thuyết cho rằng máy bay đã bị bắn hạ bởi một chiếc tiêm kích... đã là đề tài quan tâm của dư luận trong suốt hơn 50 năm qua. Đây là một sự kiện quan trọng, do đó, chúng tôi xin đề cập kỹ hơn trong một bài khác.

2. "Air France flight 1611", Địa Trung Hải, 95 người  thiệt mạng, năm 1968

Ngày 11/9/1968, một chiếc SE-210 Caravelle III, số hiệu chuyến bay "Air France flight 1611", đang trên đường từ đảo Corsica đến Nice, Pháp đã bị rơi xuống Địa Trung Hải, 95 người trên máy bay không ai sống sót. Đến nay, đây vẫn là vụ tai nạn hàng không trong vùng biển Địa Trung Hải có số người tử nạn nhiều nhất. Trong số các nạn nhân, người nổi tiếng nhất là Tướng Pháp René Cogny, người từng giữ chức vụ Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954). Nguyên nhân vụ tai nạn có thể là do một đám cháy từ phía sau khoang lái.

Ngày 26/11/2007, một chương trình phát thanh của "BBC Radio 4" đưa giả thuyết cho rằng vụ tai nạn là do tên lửa hoặc bom, nhưng nguyên nhân thật đã bị chính phủ Pháp giữ kín theo luật giữ bí mật.

Ngày 10/5/2011, Michel Laty, cựu nhân viên văn thư của Quân đội Pháp, tuyên bố trên kênh truyền hình Pháp TF1 rằng ông từng thấy một báo cáo về một quả tên lửa bắn hỏng trong một cuộc thử nghiệm vũ khí của quân đội Pháp là nguyên nhân làm rơi chiếc "1611". Thời điểm đó, đơn vị của Michel Laty đang đóng quân ở Toulon - ông đã nhận được lệnh phải loại khỏi hồ sơ một báo cáo về quả tên lửa bắn hỏng. Nó vốn được lập trình theo tình huống giả định sẽ bắn hạ một máy bay quân sự bị khống chế và rời nhiệm vụ, nhưng một chiếc máy bay dân dụng đã bay qua bầu trời trên màn hình rađa và tên lửa nổ. Mặc dù nó không có đầu đạn nhưng va chạm đủ làm hư hại máy bay dân dụng và khiến máy bay rơi.

Khi tin này được loan báo rộng rãi trên kênh TF1 truyền hình Pháp, Bộ quốc phòng Pháp đã giữ im lặng. Nhưng thân nhân của các nạn nhân vụ "tai nạn Ajaccio-Nice" đã khởi kiện Bộ quốc phòng Pháp vào đầu tháng 5/2011. Có lẽ đây là một vụ kiện khó khăn vì thời gian đã quá lâu và cũng có rất nhiều chi tiết không rõ ràng để tòa có thể đưa ra được một phán quyết.

Gần đây nhất, ngày 27/1/2014, người ta tìm ra các kỹ thuật viên âm thanh của truyền hình Pháp, những người đã tham gia thực hiện chương trình truyền hình ở phòng bên cạnh phòng điều khiển tên lửa. Họ ghi được tiếng của những sĩ quan tên lửa đã kêu lên: "Chúng ta mất (dấu vết của tên lửa) rồi!, chúng ta mất rồi!". Sau đó, các quan chức quân sự đã tới và tịch thu hết tất cả những băng ghi âm đó, và cho đến giờ, chúng không bao giờ được tìm thấy.

(theo The Riviera Times)

3. "Arab Libya flight 114", Israel, 108 người thiệt mạng, năm 1973

{keywords}

Ngày 21/2/1973, chiếc Boeing 727 của hãng Hàng không Arab Libya số hiệu 114, đang trên đường bay thường kỳ từ Tripoli (Libya) qua Benghazi tới Cairo, thủ đô Ai Cập, đã bay lạc đường bay vào vùng không phận do Israel kiểm soát trên bầu trời bán đảo Sinai [1]. Hai chiếc tiêm kích F-4 "Con ma" II của không lực Israel đã bay lên chặn đường, và sau khi được cho là không nhận được sự cộng tác thỏa đáng của tổ lái chiếc Boeing 727, đã bắn hạ nó. Chỉ có 5 người sống sót trong tổng số 113 người trên máy bay, trong đó có phi công phụ của máy bay Boeing.

Theo lịch trình, chiếc máy bay chỉ dừng lại Benghazi một thời gian ngắn rồi tiếp tục hành trình tới Cairo. Báo cáo khí tượng vào thời gian đó cho hay có một cơn bão cát mạnh ở phía dưới.

Khoảng 13h52, cơ trưởng đã nhận được sự cho phép của kiểm soát không lưu từ Cairo cho phép hạ cánh, nhưng do gió đuôi quá mạnh nên máy bay đã bị đẩy dần về phía đông, rồi bay trên kênh đào Suez. Phía đông của kênh đào, sa mạc Sinai đã thuộc kiểm soát của Israel sau "Cuộc chiến tranh sáu ngày" (1967), và chính giai đoạn này giữa Israel và Ai Cập lại đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Lực lượng phòng không Israel rất nghi ngờ chiếc máy bay: nó bay qua bầu trời Ai Cập mà không có tên lửa phòng không bắn lên, cũng như chẳng có chiếc MiG nào của không quân Ai Cập bay lên đánh chặn. Hơn thế nữa, nó lại bay trên bầu trời của cơ sở hạt nhân bí mật Dimona đang bị nghi ngờ là nơi Israel phát triển vũ khí hạt nhân. Từng đó lý do khiến Israel quyết định bắn hạ chiếc Boeing 727 này.

Hai chiếc F4 "Con ma" II của không quân Israel đã bay lên chặn đường chiếc Boeing 727, dùng nhiều biện pháp để thông báo việc đi lạc vào không phận của Israel, thậm chí bắn cảnh cáo. Đồng thời, phi công của hai chiếc tiêm kích cũng yêu cầu chiếc Boeing theo họ quay về căn cứ không quân Rephidim, nhưng những phản ứng của tổ lái chiếc 727 được cho là không hợp tác. Khi họ cho chiếc Boeing quay về hướng tây, các phi công tiêm kích Israel nghĩ là họ cố gắng bỏ chạy, và đã nổ súng bắn hạ bằng pháo liên thanh 20mm của máy bay. Đạn làm hư hại các hệ thống điều khiển, thủy lực và cả cánh của chiếc Boeing, tổ lái đã phải tìm cách hạ cánh khẩn cấp trên sa mạc. Càng máy bay bị va vào một trong những cồn cát, máy bay nổ tung.

Phi công phụ, người sống sót sau vụ bắn hạ, nói rằng tổ bay biết phía Israel, thông qua hai chiếc F4, muốn họ tuân theo yêu cầu hạ cánh, nhưng do quan hệ của Libya và Israel trong thời điểm đó, nên họ đã quyết định không tuân theo yêu cầu. Ngược lại, Chính phủ Libya tuyên bố, phía Israel đã bắn hạ chiếc Boeing 727 mà không có bất cứ một cảnh cáo nào. Còn Lực lượng không quân Israel tuyên bố, máy bay Boeing 727 số hiệu 114 Hàng không Arab Libya là một đe dọa an ninh cho Israel và được hiểu là nó đang thực hiện một phi vụ bay do thám trên sân bay quân sự Bir Gifgafa của họ.

Liên hiệp quốc đã không có bất cứ một hành động nào chống lại Israel. 30 quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã bỏ phiếu khiển trách Israel về vụ tấn công. Hoa Kỳ đã không chấp nhận lý do Israel đưa ra và lên án vụ việc này, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Moshe Dayan, gọi nguyên nhân của vụ này là do "lỗi phán đoán" của phi công. Israel chấp nhận bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

4. KAL 902, Liên Xô, 2 người thiệt mạng, năm 1978

{keywords}

Ngày 20/4/1978, máy bay Boeing 707-321B số hiệu chuyến bay 902 (KAL 902) của Hàng không quốc gia Hàn Quốc (KAL) khởi hành từ Paris, Pháp đến Seoul, Hàn Quốc, theo lịch trình sẽ dừng ở Anchorage, Alaska để tiếp nhiên liệu và bay tiếp tới Seoul. Khi máy bay qua đảo Ellesmere, cách khoảng 800 km từ Bắc Cực - cơ trưởng Kim Chang Kyu đột nhiên thay đổi hướng, bay về phía đông nam tới Murmansk, không phận Liên Xô.

KAL 902 bị Không quân Liên Xô đã bắn hạ sau khi bị cho là không đáp ứng các yêu cầu của máy bay tiêm kích Liên Xô. Lực lượng Phòng không Xô-viết cho rằng nó là một chiếc máy bay do thám loại RC-135 cũng do Boeing chế tạo thuộc Không quân Hoa Kỳ.

Thời gian này cũng là giai đoạn Hoa Kỳ tổ chức hàng loạt chuyến bay do thám dọc biên giới Liên Xô. Khi đại úy Alexander Bosov, phi công lái máy bay Sukhoi Su-15 tiến lại gần để chuẩn bị bắn chiếc KAL 902, đầu tiên ông báo cáo về là nhìn thấy hình lá phong ở đuôi đứng máy bay (hàm ý máy bay của lực lượng NATO). Nhưng sau đó ông xác định lại là có những ký tự chữ tượng hình cũng như một cánh cò đỏ, biểu tượng của hãng Hàng không Hàn Quốc và đã cố gắng thuyết phục cấp trên của mình ở dưới mặt đất rằng chiếc máy bay không phải là một mối đe dọa về mặt quân sự.

Tuy nhiên Vladmir Tsarkov, chỉ huy Quân đoàn không quân số 21 vẫn ra lệnh cho Bosov bắn hạ chiếc máy bay hành khách. Chiếc Su-15 khai hỏa giết chết 2 trong số tổng cộng 109 hành khách và phi hành đoàn.

Theo báo cáo của cơ trưởng Kim Chang Kyu, chiếc Su-15 thay vì tiếp cận Boeing 707-321B từ bên trái theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì lại tiếp cận từ bên phải. Tuy nhiên, Kim vẫn giảm tốc độ, bật đèn định vị máy bay để báo hiệu rằng mình sẵn sàng hợp tác, băng ghi âm được ghi lại bởi Trung tâm kiểm soát không lưu Rovaniemi cho thấy Kim nhiều lần cố gắng bắt liên lạc với phi công Xô-viết.

Sau khi nhận lệnh bắn hạ chiếc Boeing, Bosov đã bắn hai quả tên lửa không đối không loại R-60, một quả bay qua máy bay Boeing và quả thứ hai, trúng cánh trái cắt đứt của nó một đoạn cánh dài khoảng 4 mét, làm cho nó mất lực nâng nghiêm trọng và đồng thời gây liệt một trong bốn động cơ. Ngay sau đó, chiếc Boeing bắt đầu rơi từ độ cao 9.000 mét, lao vào một đám mây và bộ chỉ huy không quân Xô-viết mất dấu nó trên màn hình rađa, họ chỉ còn thấy mảnh cánh gãy rời của chiếc Boeing và cho rằng, đó là một tên lửa có cánh.

Về phần Kim, ông đã cố gắng điều khiển chiếc Boeing bị thương trong vòng 40 phút và cuối cùng hạ cánh khẩn cấp xuống mặt hồ Korpijarvi đóng băng, thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa Xô-viết tự trị Karelia, cách biên giới với Phần Lan khoảng 140km. Liên Xô đã tổ chức cứu hộ được toàn bộ hành khách và phi hành đoàn, sau đó, họ được đưa về Seoul.

Các thành viên tổ bay, nhất là cơ trưởng Kim Chang Kyu đã trải qua thẩm vấn của cơ quan an ninh Xô-viết, sau đó họ thừa nhận rằng họ đã hợp tác không tốt với phi công tiêm kích đánh chặn Xô-viết và xin lỗi Liên Xô. Liên Xô cũng yêu cầu Hàn Quốc thanh toán 100.000 đôla cho những chi phí họ đã phải chi trả cho toàn bộ vụ việc.

Gần đây, hồi tháng 7/2008, trên trang web Autoreview.ru, thượng tướng (đã nghỉ hưu) Vladimir Dmitriev, nguyên Tư lệnh tập đoàn quân không quân tiêm kích độc lập số 10 của Liên Xô cũ, cho rằng đây là một chuyến bay có âm mưu khiêu khích của Phương Tây nhằm phá vỡ tiến trình đối thoại giải trừ quân bị giữa hai nước Liên Xô và Hoa Kỳ, căn cứ vào sự lệch hướng đến mức nghiêm trọng của chiếc Boeing.

Tuy nhiên, sự kiện này được đánh già là không không kéo theo một sự om xòm về ngoại giao nào đáng kể, một mặt, do chính chiếc Boeing đã rõ ràng xâm phạm bầu trời Liên Xô và các thành viên tổ bay của cơ trưởng Kim Chang Kyu đã không hợp tác đầy đủ với các phi công tiêm kích đánh chặn của Liên Xô. Nhưng ngược lại, chính Liên Xô cũng vi phạm pháp luật quốc tế về cấm tấn công máy bay chở khách.

Đây cũng lại là một việc không rõ ràng nữa trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới. Theo ông Vitaly Dimov, cựu Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân tiêm kích Cận vệ số 57, thì "Tất cả băng ghi âm hội thoại qua vô tuyến, đều biến mất..."

(Còn tiếp)

Phúc Lai

* Các bài tham khảo nhiều nguồn tài liệu, trong đó những phần được dịch trực tiếp từ 1 nguồn chúng tôi chú thích ngay bên dưới phần đó.

-----

[1] Tới năm 1979, Israel và Ai Cập ký hiệp định hòa bình, theo đó trao trả lại Sinai cho Ai Cập