- Thực phẩm bẩn giờ là nỗi ám ảnh của người dân khi những thông tin về sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm liên tiếp xuất hiện. Trong tuần qua, nhiều vụ thực phẩm bẩn đã bị phát hiện.


Thịt bò khô làm từ phổi heo và hóa chất

Mới đây, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) bất ngờ kiểm tra địa chỉ 148C/6 ấp 3, xã An Phú Tây do bà Thạch Thị Sa Rương thuê để sản xuất khô bò trái phép.

Nơi đây là khu đất chật chội, đầy rác rến, nước đọng. Bên trong khu vực sản xuất, nồi nhôm, thau nhựa dơ dáy để đầy trên nền đất. Gần đó, một thau nhựa màu đỏ cáu bẩn đựng đầy khô bò thành phẩm. Không chỉ vậy khô bò còn nằm rơi vãi trên nền đất.

{keywords}

Phổi heo, nguyên liệu để làm khô bò đang được luộc chín và bao chất bảo quản in toàn tiếng nước ngoài, không chứng từ.

Thành viên trong đoàn phát hiện trong một nồi nhôm to luộc phổi heo có mùi hôi bốc lên, tỏa ra chung quanh khiến mọi người bịt mũi. Tìm xung quanh lại thấy một thau đựng đầy phổi heo chưa luộc đang bốc mùi thum thủm, đầy ruồi nhặng bu bám. Bà Rương cho biết những phổi heo này mua ở các chợ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Điều đáng quan tâm là đoàn kiểm tra thu được nhiều chai nhựa đựng một loại nước đen, thơm mùi thịt bò.

Cách chế biến khô bò được bà Rương mô tả: Pha màu, hương bò (loại nước đựng trong chai nhựa) với chất bảo quản (đựng trong bao nhỏ) rồi nấu lên. Phổi heo sau khi luộc được nhúng vô nồi nước gồm màu, hương bò và chất bảo quản để thơm mùi bò và sử dụng được lâu.

Trộn chất độc vàng ô cho gà ăn đẹp da

Cơ quan chức năng vừa bắt quả tang Công ty TNHH sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (trụ sở tại Khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP.Hải Dương) có sử dụng chất vàng ô – một chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi.

{keywords}

Phát hiện doanh nghiệp sử dụng chất độc vàng ô trộn vào thức ăn cho các loại gia súc, gia cầm.

Tại hiện trường xưởng sản xuất của công ty, đoàn kiểm tra đã tịch thu 14kg chất vàng ô được công ty sử dụng để pha trộn vào các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm. Vàng ô là cấm, không có trong danh mục các chất được phép sử dụng trong chăn nuôi. Người ta thường dùng chất này để nhuộn trong cộng nghệ dệt, giấy, không được phép để sử dụng tạo màu cho công nghệ sản xuất thực phẩm.

Trước đó, tại cuộc họp báo vào đầu tháng 10 do Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Bộ có phát hiện một chất cấm mới được người chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà. Thanh tra Bộ đã tham khảo với bên Học viện Nông nghiệp và được biết, chất này có tên gọi là chất vàng ô, con người có thể bị ung thư nếu ăn các loại thịt gà có tồn dư chất này.

Rộ tin đồn cua, ghẹ tiêm chất bảo quản

Hiện nay, một số trang mạng xã hội, facebook đang lan truyền hình ảnh tiêm thuốc bảo quản vào cua, ghẹ để giữ tươi lâu khiến dư luận hoang mang.

Theo thông tin loan truyền thì việc tiêm thuốc bảo quản chủ yếu áp dụng cho những con cua ghẹ đã chết hoặc đang hấp hối. Sau khi được tiêm chất bảo quản, trên bụng và yếm của chúng vẫn để lại những lỗ nhỏ li ti.

{keywords}

Hình ảnh cua, ghẹ bị tiêm chất bảo quản được đăng tải trên mạng xã hội.

Không chỉ “nóng” trên mạng xã hội, theo khảo sát của phóng viên báo Gia đình & xã hội, đây còn là đề tài được các bà nội trợ bàn tán xôn xao tại các khu chợ. Nhiều người còn không dám ăn hải sản, đặc biệt là cua, ghẹ.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo việc thường xuyên ăn phải cua, ghẹ… tiêm hóa chất bảo quản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

“Về cơ bản, việc lạm dụng chất bảo quản trong bất kỳ loại thực phẩm nào đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng, dẫn đến ung thư, đột biến gen, quái thai... Tốt nhất người tiêu dùng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm để có sự lựa chọn thông minh. Vì hiện nay có quá nhiều tin đồn chưa rõ thực hư, kiểu đồn nhảm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), khuyến cáo.

Thực phẩm bẩn bủa vây người dân

Số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông thủy sản 9 tháng năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho thấy tỉ lệ vi phạm đáng báo động. Cụ thể, 16% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép.

Cùng thời gian, Chi cục Thú y TP HCM xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt heo, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh Tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh Sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi là Salbutamol. Ngoài ra, đơn vị này còn phát hiện gần 28% mẫu thịt gà tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Flofenicol là những chất cấm trong chăn nuôi.

Với thực phẩm chế biến, nhiều cơ sở không đầu tư điều kiện sản xuất để bảo đảm ATTP, mua nguyên liệu trôi nổi và lạm dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc để hạ giá thành.

Đề cập thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, thừa nhận trên báo Người Lao Động, có không ít nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi hiện nay có đến 85% cơ sở chế biến, sản xuất là vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở tuy đã được cơ quan quản lý cấp chứng nhận an toàn nhưng trong quá trình kinh doanh không thực hiện nghiêm túc, lợi dụng chứng nhận này để cho ra lò thực phẩm bẩn. Hoặc có cơ sở được cấp chứng nhận rau an toàn nhưng khi bán lại trộn lẫn rau không rõ nguồn gốc.

Để phần nào đề phòng thực phẩm bẩn, ông Phong khuyến cáo người tiêu dùng phải kiên quyết không tiêu thụ sản phẩm không rõ xuất xứ.

Thu An (Tổng hợp)