Người phụ nữ trên màn hình máy tính Macintosh

Từ máy tính Macintosh đến iPhone, Steve Jobs là kiến trúc sư của vô số cải tiến công nghệ mang tính định hình thời đại. Người sáng lập hãng Apple cũng nổi tiếng có niềm đam mê với văn hóa Nhật Bản. Ông thường nói về việc lấy cảm hứng từ Thiền tông và ẩm thực Nhật Bản như thế nào.

steve jobs.jpg
Bản in khắc gỗ 'Người phụ nữ chải tóc' của Hashiguchi Goyo xuất hiện trên màn hình chiếc Macintosh được Steve Jobs giới thiệu với công chúng. Ảnh: APT

Nhưng còn một khía cạnh khác ít được biết đến hơn về sự quan tâm của Jobs đối với văn hóa Nhật Bản. Ông hâm mộ cuồng nhiệt và là nhà sưu tập shin-hanga - bản in khắc gỗ hiện đại.

Khi Jobs giới thiệu chiếc máy tính Macintosh đầu tiên với giới truyền thông vào tháng 1/1984, màn hình hiển thị bản in Người phụ nữ chải tóc của Hashiguchi Goyo. Theo NHK, Jobs đã mua hai bản in của tác phẩm này vào tháng 6/1983 và tháng 2/1984. Người ta cho rằng ông giữ 1 bản ở nhà và bản còn lại cho công ty.

Tác phẩm trên là một ví dụ về shin-hanga, bản in khắc gỗ được sáng tạo vào đầu thế kỷ 20. Các tác phẩm có màu sắc hiện đại, đánh dấu sự chuyển đổi từ bản in ukiyo-e truyền thống phổ biến từ thế kỷ 17-19. 

Shin-hanga thường được sử dụng làm áp phích và lịch để thu hút du khách. Các bản in thậm chí còn được ưa chuộng ở nước ngoài hơn Nhật Bản. Đỉnh cao của phong trào shin-hanga là giữa những năm 1930.

danh thiep.jpg
Jobs đưa danh thiếp cho Matsuoka - người bán tranh shin-hanga vào tháng 3/1983.

‘Hãy dạy tôi về shin-hanga’

Vào tháng 3/1983, 3 chàng trai đã đến thăm một gallery nổi tiếng ở quận Ginza sang trọng của Tokyo. Họ mặc quần jean và áo phông. Trong số đó có Steve Jobs, vị chủ tịch 28 tuổi của Apple. Hai người còn lại là đồng sáng lập Steve Wozniak và Rod Holt, một đồng nghiệp.

Matsuoka Haruo chào đón khách bằng tiếng Anh. Ông đã học ngoại ngữ khi làm việc cho chi nhánh gallery ở San Francisco (Mỹ) từ năm 1969-1975. “Tôi không biết họ. Nhưng khi về đến nhà, tôi tình cờ thấy một bài báo viết về Steve Jobs. Đó là lúc tôi nhận ra ai đã ở trong gallery”, Matsuoka nói. 

Matsuoka đã rất ngạc nhiên trước tấm danh thiếp mà Jobs đưa cho ông. Một thiết kế đầy màu sắc, điều hiếm thấy vào thời đó. “Ông ấy đưa nó cho tôi và sau đó yêu cầu tôi giảng về shin-hanga. Ông ấy muốn sưu tập tranh”, Matsuoka nhớ lại. 

Jobs đã mua 2 bức shin-hanga trong lần đầu tiên tới gallery ở Ginza. Một bức mô tả núi Phú Sĩ và hoa anh đào, chủ đề được các nhà sưu tập Mỹ và châu Âu ưa chuộng. Bức thứ hai là chân dung một phụ nữ - hiếm và đắt. “Tôi rất ấn tượng với sự lựa chọn này”, Matsuoka nói.

Cuộc gặp gỡ ở Ginza đánh dấu sự khởi đầu của tình bạn kéo dài 2 thập kỷ.

tranh steve jobs.jpg
Bản in hoa anh đào, núi Phú Sĩ được các nhà sưu tập Mỹ, châu Âu ưa chuộng. Tranh của Kawase Hasui.

Kiến thức ấn tượng

Jobs thường đến gallery nơi Matsuoka làm việc khi ông ở Nhật Bản, đôi khi ghé thăm 2 lần/ngày. Ông thích đi sớm và tránh đám đông, có lần ông còn đưa con gái đi cùng.

“Ông ấy đề nghị tôi dạy về shin-hanga nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng ông ấy đã rất hiểu phong cách này rồi”, Matsuoka bày tỏ. 

Khi Jobs đến phòng trưng bày, Matsuoka thường dẫn đi xem tranh ở phòng sau. Jobs sẽ tham khảo những cuốn sách có các bản in shin-hanga khác nhau. Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng, dường như Jobs luôn biết chính xác mình muốn gì.

“Khiếu thẩm mỹ của ông ấy khiến tôi ấn tượng. Ông ấy biết tác phẩm nào được coi là kiệt tác. Có vẻ như ông ấy đã nghiên cứu shin-hanga hàng chục năm rồi”, Matsuoka chia sẻ. 

Jobs đặc biệt quan tâm đến việc mua các bản in có trước siêu động đất Kanto năm 1923. Ông biết những tác phẩm đó rất hiếm và có giá trị.

tranh steve jobs 2.jpg
Steve Jobs yêu thích những bức tranh vẽ tuyết. Tác phẩm 'Tuyết ở Shirahige' của Kawase Hasui.

Matsuoka cho biết Jobs đã mua ít nhất 41 bức tranh, trong đó có 25 bức của Kawase Hasui, họa sĩ ông mến mộ. Ông thích những bức chân dung phụ nữ và tranh miêu tả phong cảnh đầy tuyết. Matsuoka nói: “Jobs chủ yếu chọn những bức tranh gợi cảm giác yên bình và màu sắc đa dạng. Tôi nghĩ ông ấy có thể đã cảm nhận được sự hoài niệm in dấu trong những tác phẩm này”. 

Tình bạn giữa hai người vượt ra ngoài nghệ thuật. Đôi khi, Jobs nói chuyện với Matsuoka về công việc kinh doanh.

Jobs chia sẻ cho Matsuoka về những giao dịch với Chủ tịch Sony lúc bấy giờ là Morita Akio, về việc Morita đưa ông đi tham quan Tokyo bằng trực thăng như thế nào. Ông kể Apple đàm phán sử dụng đèn Trinitron của Sony; Matsuoka nhớ Jobs đã phấn khích như một cậu bé khi thống nhất được thỏa thuận. 

Khi Jobs bị Apple sa thải vào năm 1985, Matsuoka nhớ lại người bạn của mình rất tức giận và kiên quyết. “Ông ấy nói với tôi: Tôi chỉ giữ một cổ phiếu của công ty và rời đi”, Matsuoka nói.

“Tôi nghĩ bản in khắc gỗ đã mang đến cho Jobs một lối thoát khỏi thế giới kinh doanh. Các tác phẩm giúp chữa lành tổn thương và cho phép ông ấy được nghỉ ngơi. Tôi nghĩ chúng rất quan trọng với Jobs”, Matsuoka bổ sung. 

tranh steve jobs 3.jpg
Tranh của Kawase Hasui tô điểm cho những bức tường trong ngôi nhà thời thơ ấu của Bill Fernandez. Jobs thường đến đây chơi khi còn là một thiếu niên. Ảnh: Bill Fernandez

Lần tiếp xúc đầu tiên với shin-hanga

Bill Fernandez, một trong những người bạn thời thơ ấu của Jobs và là nhân viên toàn thời gian đầu tiên của Apple, nói rằng ông biết niềm đam mê shin-hanga của Jobs bắt nguồn từ đâu. “Mẹ tôi đã khuyến khích cậu ấy quan tâm đến tranh in khắc gỗ”, Fernandez nói. 

Ông nội của Fernandez sưu tập một số bản in của Kawase Hasui. Mẹ của Fernandez, người học nghệ thuật Nhật Bản tại Đại học Stanford, đã treo các tác phẩm đó quanh nhà. Khi tới nhà bạn chơi, Jobs đã bị những bức tranh thu hút. Kawase cũng chính là nghệ sĩ yêu thích của ông. 

Khi Jobs đến thăm gallery ở Ginza nhiều năm sau đó, cuối cùng ông cũng có thể sở hữu bức tranh thác nước của Kawase mà ông đã thấy rất thường xuyên ở nhà Fernandez.

Fernandez nói: “Cậu ấy chắc chắn bị ảnh hưởng từ mẹ tôi. Tôi nghĩ lý do bản in xuất hiện trên màn hình trong buổi ra mắt Macintosh là một nhà thiết kế đồ họa đã nhìn thấy tranh ở nhà Jobs”. 

steve job ban.jpg
Matsuoka Haruo cùng cuốn sách viết về Steve Jobs. Ảnh: NHK

Tình yêu trọn đời

Năm 2011, 28 năm sau khi đến thăm phòng trưng bày Ginza, Jobs qua đời vì ung thư khi mới 56 tuổi.

Lần cuối cùng Matsuoka nghe được tin tức từ Jobs là mùa thu năm 2003. Vào thời điểm này, Matsuoka đã rời gallery Ginza và tự mở phòng tranh của mình. Một ngày nọ, ông nhận được tin nhắn trên điện thoại: “Chào Haruo. Tôi là Steve Jobs”. 

Nhiều năm sau, Matsuoka đọc bài viết về tiểu sử của Jobs. Ông để ý đến bức ảnh chụp nhà Jobs năm 2004, trong đó có một bản in treo trên tường. Đó là một trong hai tác phẩm Jobs đã mua cách đây nhiều năm, khi lần đầu tiên đến thăm phòng trưng bày Ginza.

“Tôi biết rằng ông ấy vẫn là một người hâm mộ cuồng nhiệt shin-hanga cho đến khi qua đời. Tôi rất vui khi thấy bản in đó quý giá nhường nào đối với ông ấy”, Matsuoka tâm sự. 

“Jobs chọn các bản in dựa trên cảm nhận của riêng mình và hầu hết đều trở thành những tác phẩm nổi bật. Tôi ước gì chúng ta có thể nhìn thấy một bộ sưu tập hoàn chỉnh của Steve Jobs”, chuyên gia tranh shin-hanga nói.