Thời gian qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, tầm quan trọng của kinh tế biển được nâng lên. Việc xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của huyện được nhận diện ngày càng rõ và đánh giá đúng mức để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển. Cùng với đó, để phát triển kinh tế thủy sản, huyện đã chú trọng phát huy năng lực khai thác hải sản với việc đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ, đẩy mạnh quy hoạch phát triển không gian du lịch... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt đuợc, việc khai thác các tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển chưa phát huy hết hiệu quả. Trình độ lực lượng khai thác thủy sản vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, tình trạng nuôi trồng thủy sản ngoài quy hoạch còn diễn ra chưa xử lý triệt để; năng lực công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm vẫn còn lạc hậu...

Ngày 18/7/2022, huyện ủy Ninh Hải đã ban hành Nghị quyết số 12 về việc thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế biển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chú trọng phát triển khai thác, đánh bắt thủy sản; nuôi trồng thủy sản; muối và du lịch; quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả tài nguyên biển, đất đai, tuyến đường ven biển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số vào các ngành kinh tế biển. Xây dựng Ninh Hài trở thành trung tâm động lực về phát triển kinh tế biển của tỉnh, thật sự mạnh từ biển, giàu từ biển...

10 huyen ninh hai ninh thuan nghi quyet 12 nq hu ok.jpg
Ninh Hải (Ninh Thuận) là địa phương có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành kinh tế biển.

Huyện Ninh Hải đặt ra mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 16,3%. Đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế biển đạt 5.359 tỷ đồng, chiếm 30,15% so với tổng giá trị sản xuất chung. Thu nhập bình quân đầu người khu vực ven biển tăng 1,1 lần so với bình quân toàn huyện. Đến năm 2025, tỷ lệ được thu gom rác thải đô thị đạt 99%, nông thôn đạt 94%; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt tại các xã ven biển được thu gom xử lý theo quy định. Phấn đấu đến năm 2030, Ninh Hải trở thành huyện mạnh về biển, cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của huyện. Giai đoạn 2025 - 2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 13 - 14%. 

Để đạt được các mục tiêu trên, huyện đã đề ra giải pháp phát triển đột phá các nhóm ngành kinh tế biển là thế mạnh của huyện gồm: Khai thác hải sản; phát triển đồng bộ nuôi trồng thủy sản; muối và các sản phẩm sau muối; du lịch và các nhóm ngành kinh tế biển khác... 

Về khai thác hải sản, huyện sẽ tận dụng tiềm năng và lợi thế vùng biển, có khả năng thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển về nuôi trồng, khai thác, dịch vụ hậu cần. Đẩy mạnh tổ chức lại nghề khai thác hải sản phù hợp với tình hình thực tế gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; chú trọng phát triển khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ gắn với tiếp tục đổi mới cơ cấu thuyền, nghề và phát triển các mô hình dịch vụ trên biển. Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý giữa các vùng biển theo hướng giảm tàu nhỏ tại vùng ven bờ, tăng số lượng tàu lớn tại vùng lộng và vùng khơi với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Đa dạng hóa đối tượng nuôi, hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản. Phát triển các loài thủy, hải sản khác có giá trị kinh tế cao... 

Huyện cũng sẽ triển khai Đề án nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2030; tăng cường công tác khuyến diêm trên địa bàn. Phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện. Phát triển công nghiệp biển theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ, chế biến thủy sản. 

Bên cạnh đó là quy hoạch không gian biển theo từng khu vực. Từng bước hình thành khu đô thị du lịch ven biển; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng ven biển, xây dựng văn hóa biển gắn với bảo vệ môi trường ven biển; phát triển khoa học- công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số; quản lý tài nguyên, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế... 

Huệ Anh